Chính sách ngoại giao độc lập truyền thống của Ấn Độ đang được điều chỉnh lại dưới thời Thủ tướng Narendra Modi. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này đòi hỏi phải có sự quản lý khéo léo với tam giác chiến lược quan trọng nhất của New Delhi là Mỹ-Ấn-Trung. 

Quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ và Mỹ đã nhận được sự chú ý đặc biệt trong chuyến thăm Ấn Độ 3 ngày của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Chuyến thăm mang đến sự tin tưởng rằng quan hệ hợp tác Mỹ-Ấn sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ. Đáng chú ý, Tuyên bố chung về "Tầm nhìn chiến lược chung Mỹ-Ấn về khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương" đã đề cập một cách thẳng thắn sự quan ngại chung của hai bên về các tranh chấp tại Biển Đông, đồng thời khẳng định sự cam kết của nền dân chủ mạnh mẽ nhất trên thế giới (Mỹ) và nền dân chủ đông dân nhất thế giới (Ấn Độ) cam kết cùng hợp tác với các nền dân chủ khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ (công bố trong tháng 2/2015) đã nêu rõ: "Chúng tôi nhìn thấy một sự hội tụ chiến lược với chính sách 'Hành động phía Đông' của Ấn Độ và tiếp tục thực hiện chích sách tái cân bằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của chúng tôi". 

Nếu tuyên bố Tầm nhìn chung Mỹ-Ấn là một phần của sự phản kích hướng tới Trung Quốc, thì sau đó ông Modi đã phải bận rộn quanh năm để nghĩ và thực hiện các chuyến công du nước ngoài mang tầm chiến lược trên bàn cờ chính trị quốc tế. Với việc ông Maithripala Sirisena lên nắm quyền ở Sri Lanka, Ấn Độ hy vọng sẽ đẩy lùi ảnh hưởng về kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc tại đảo quốc chiến lược này. Việc ký kết một thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự giữa Ấn Độ với Sri Lanka trong chuyến thăm New Delhi gần đây của ông Sirisena cũng có thể được xem là hành động phản kích của Ấn Độ. 

Dù là các hành động phản kích của Ấn Độ được thúc đẩy bởi chính sách Trung Quốc của Modi, nhưng chuyến thăm tới New Delhi của ông Obama được cho là sẽ tạo động lực để thúc đẩy sự hợp tác cùng có lợi giữa Ấn Độ với Trung Quốc. Điều này được biểu hiện rõ ngay sau chuyến thăm của ông Obama, một trong những nhiệm vụ chính của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj là thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Bắc Kinh để xóa bỏ sự hoài nghi của Trung Quốc. 

Một số chuyên gia chiến lược cho rằng thái độ của Trung Quốc đối với Ấn Độ là sự kết hợp của chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa hoài nghi. Trung Quốc và Ấn Độ không chia sẻ tầm nhìn về trật tự thế giới cũng không có quan điểm chung về vị trí của họ trong trật tự đó. Trong khi Trung Quốc đang để mắt đến các cơ hội thương mại lớn trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng và công nghệ của Ấn Độ, Ấn Độ cũng mong muốn mở rộng phạm vi quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Tham gia tích cực với Trung Quốc sẽ cho phép Ấn Độ theo dõi được sự phát triển của các mối đe dọa và thiết lập một lợi ích chung cho sự cùng tồn tại hòa bình. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đang làm việc về một quy tắc ứng xử cho kiểm soát biên giới và các biện pháp xây dựng lòng tin. 

"Khôn ngoan, thận trọng, linh hoạt" phải trở thành khẩu hiệu của tam giác chiến lược Mỹ-Ấn-Trung. Liên kết kinh tế của Trung Quốc với Mỹ được gắn bó với nhau chặt chẽ như thể thống nhất không thể tách rời. Thị trường Mỹ đã mang đến những cơ hội tuyệt vời để Trung Quốc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ cũng chỉ rõ: mặc dù người Mỹ "cảnh báo sự hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, nhưng phạm vi hợp tác của họ với Trung Quốc là chưa từng có". 

Vì không nhìn ra hoặc vì chủ nghĩa cơ hội, một số nhà bình luận Ấn Độ có thể nhìn qua lăng kính màu hồng khi hướng đến quan hệ với Mỹ. Nhưng hình ảnh thực sự của mối quan hệ sâu sắc hơn của Ấn Độ với Mỹ là mơ hồ và đầy mâu thuẫn. Sự tương tác của Ấn Độ với Mỹ và Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn mới, khác nhiều so với quá khứ. Mặc dù có sự hội tụ chiến lược Mỹ-Ấn và sự hỗ trợ của Mỹ về việc tìm kiếm vai trò lớn hớn của Ấn Độ ở cấp khu vực và toàn cầu nhưng Ấn Độ không nên thể hiện sự nhiệt tình tham gia vào các hành động có nguy cơ cao và mang nhiều rủi ro có thể hủy hoại mối quan hệ với Trung Quốc.

Vinay Kaura, Khoa Quan hệ quốc tế và Nghiên cứu an ninh, Đại học Sardar Patel, Ấn Độ. Bài viết được đăng trên The Pioneer.

Văn Cường (gt)