Sau nhiều tranh cãi, Mỹ cuối cùng đã tiến hành hoạt động thực thi quyền "tự do hàng hải" đầu tiên ở Biển Đông. Đây sẽ chưa phải là hoạt động cuối cùng của Mỹ. Và Úc đang tiến nhanh đến thời điểm phải quyết định Úc cần phải làm gì, ngoài các tuyên bố cấp Bộ trưởng, để khẳng định "lợi ích chính đáng của việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại không cản trở và tự do hàng hải và bay qua ở Biển Đông ".

Trong tình hình hiện nay, điều Úc có thể làm là cử lực lượng hải quân đến hoạt dộng, cho dù chỉ là trong một thời gian ngắn, ở vùng phụ cận của một hay nhiều đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Thuật ngữ "tự do hàng hải" bao trùm nhiều hoạt động của tàu thuyền nói chung; nên sẽ chính xác hơn đối với hải quân Úc là khẳng định quyền "tự do hoạt động hải quân". Đã có nhiều lo ngại chính đáng là các tuyên bố chủ quyền ngày càng lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ mang lại ảnh hưởng lâu dài đối với việc tự do di chuyển của tàu thương mại đi qua khu vực này. Nhưng tranh chấp hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc đang làm nảy sinh câu hỏi liên quan đến quyền hoạt động tự do ngoài biển khơi của các tàu chiến. 

Các tranh luận về vấn đề Biển Đông thường bị nhầm lẫn về các va chạm trước đây giữa Mỹ và Trung Quốc. Các va chạm này xảy ra trong vùng biển được công nhận là vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Quan điểm của Trung Quốc là các hoạt động quân sự, đặc biệt là các hoạt động giám sát, không được tiến hành trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước nếu không được phép. Quan điểm của Mỹ là vùng đặc quyền kinh tế chỉ liên quan đến các quyền lợi kinh tế, không thể gây cản trở đối với hoạt động của tàu thuyền nói chung. Úc đồng quan điểm này với Mỹ.

Tuy nhiên, không có cấu trúc nào do Trung Quốc chiếm giữ hiện nay ở Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế. Đảo duy nhất ở Trường Sa có thể đòi hỏi có vùng đặc quyền kinh tế là đảo Ba Bình, do Đài Loan chiếm giữ. Như vậy, câu hỏi ở đây là việc đưa tàu vào hoạt động nên được tiến hành như thế nào? Nếu Úc quyết định đưa tàu vào phạm vi 12 hải lý, thì nên tiến hành ở các đảo nhân tạo được xây dựng trên các cấu trúc tự nhiên không nổi khi triều cao. Hoạt động của tàu cũng không được vi phạm vùng lãnh hải 12 hải lý của các cấu trúc cạn. Vì nếu giả sử Trung Quốc có tìm cách "thủ tiêu bằng chứng" thì các phán quyết sẽ phải dựa trên các hồ sơ, sơ đồ và hình ảnh về các cấu trúc này trước khi Trung Quốc tiến hành cải tạo chúng.

Điểm mấu chốt là việc thực hiện quyền "tự do hoạt động hải quân" sẽ được tiến hành bởi các tàu chiến với các hoạt động như các tàu này vẫn làm ngoài biển khơi, kể cả việc thao diễn, việc sử dụng các thiết bị định vị hay thậm chí là các máy bay trực thăng. Chỉ có một điểm cần lưu ý, đó là các tàu này không nên tiến hành "di chuyển vô hại" vì điều này chỉ liên quan đến khía cạnh an toàn hàng hải khi đi vào vùng lãnh hải của nước khác. Hơn nữa, Úc chỉ nên cử tàu hải quân của mình; không cần phải cảnh báo trước khi đưa tàu ra hoạt động, và cũng không cần phải ra thông cáo báo chí sau khi tàu hoạt động. Úc nên hạn chế việc đưa tin công khai các việc như thế này.

Việc Úc tiến hành đưa tàu đến khu vực này không chỉ đơn thuần thể hiện ủng hộ quan hệ đồng minh với Mỹ, và còn thể hiện cam kết của Úc đối với trật tự thế giới dựa vào luật pháp. Bản chất của các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là không phù hợp với Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc 1982. Úc không thể để các tuyên bố chủ quyền như vậy đứng vững. Và Úc không nên chỉ cử tàu một lần, mà nên tiến hành ít nhất hàng năm, cho đến khi Trung Quốc buộc phải thoát ra khỏi mớ hổ lốn hiện nay về luật pháp cũng như nhận thức của mình.

Theo The Lowy Interpreter

Trần Quang (gt)