Ai, điều gì, ở đâu, khi nào và làm thế nào mà giàn khoan HD 981 của Trung Quốc thực hiện hành động “cướp bóc” ngay trong vùng biển của Việt Nam lại hết sức gây chú ý đối với các nhà bình luận trên Tạp chí Nhà Ngoại giao (The Diplomat) cũng như các tạp chí khác như vậy. Những nghi vấn liên tiếp về hành động khiêu khích của Trung Quốc tại Châu Á – Thái Bình Dương vẫn dừng lại ở câu hỏi Tại sao? Sự mập mờ trong quá trình ra quyết sách trong nội bộ Trung Quốc càng khiến cho việc trả lời câu hỏi trên trở nên khó khăn hơn, tuy nhiên,đólại là minh chứng cho thấy rằng, khủng hoảng giàn khoan với Việt Nam là ý đồ mà Trung Quốc đưa ra nhằm thăm dò quyết tâm của các quốc gia ASEAN và Mỹ. Nó đem lại cơ hội cho Bắc Kinh đánh giá phản ứng của quốc tế trước sự quyết đoán của Trung Quốc trong những yêu sách lãnh thổ trên biển .

Giáo sư Carl Thayer đã viết trên blog của mình cũng như M.Taylor Fravel đã bình luận trên tờ New York Times rằng, quyết định triển khai giàn khoan HD-981 của Công ty Dầu khí Xa Bờ Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) là động thái có tính toán từ trước trong việc khẳng định yêu sách lãnh thổ. CNOOC có thể là doanh nghiệp quốc doanh, nhưng với quyết định triển khai giàn khoan trị giá 1 tỷ USD tại một khu vực mà trữ lượng khí hydrocarbon vẫn chưa chắc chắn và làm bùng phát khủng hoảng ngoại giao lại cho thấy bản chất chính trị và có chủ đích của hành động này.

Câu hỏi tại sao Trung Quốc lại chọn đối tượng là Việt Nam để gia tăng căng thẳng có lẽ không khó trả lời. Một vài nhà phân tích chỉ ra rằng Trung Quốc đã khiến  thế giới ngạc nhiên khi gia tăng căng thẳng với Việt Nam, trong khi đó, quan hệ hai nước được thúc đẩy từ mùa thu năm 2013. Hơn nữa, hai quốc gia đang duy trì tình đồng chí anh em giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việc Trung Quốc bất ngờ gây bất ổn quan hệ song phương bằng hành động mang tính đối đầu như vậy có vẻ trơ tráo và vô trách nhiệm.

Trái lại, nếu như Trung Quốc gia tăng tranh chấp tại Biển Đông nhằm thử  thách quyết tâm của Mỹ và ASEAN thì Việt Nam có lẽ là ứng cử viên hợp lý nhất. Như Tường Vũ khi trả lời tờ New York Times đã nói rằng, đang nổ ra một cuộc tranh luận chính trị ở Viêt Nam là liệu nên duy trì mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc hay theo đuổi những mối quan hệ gần gũi hơn với phương Tây. Về điểm này, Trung Quốc khá tự tin đánh cược rằng, bất chấp hành động khiêu khích triển khai giàn khoan, Việt Nam sẽ kiềm chế trong phản ứng và lời nói, Việt Nam sẽ không sử dụng vũ lực.

Cuối cùng, chỉ có tàu hải cảnh Trung Quốc đâm tàu Việt Nam và tấn công họ bằng vòi rồng – tàu hải quân chỉ hiện diện mang tính hỗ trợ và để đảm bảo mọi hành động chèn ép hoàn toàn không có sự can dự của tàu quân sự (dù Việt Nam hoàn toàn không sử dụng phương thức này). Ngoài ra, trước khi Trung Quốc bắt đầu kiểm nghiệm các mối liên minh của Mỹ trong khu vực, chẳng hạn như Philippines, quốc gia gần đây đã ký kết một thỏa thuận chia sẻ phương tiện quốc phòng có thời hạn 10 năm với Mỹ, thì Trung Quốc phải tính toán liệu Mỹ có sẵn sàng bảo vệ lợi ích của chính nước Mỹ trong khu vực hay không.

Trong khi Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ là đều là những đồng minh hiệp ước, trong trường hợp xung đột khác xảy ra ở Biển Đông, đặc biệt là ở vùng tranh chấp quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì những gì mà Mỹ phải làm là chứng tỏ rằng nước này sẵn sàng đứng lên bảo vệ những lợi ích đã xác định, bao gồm tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các xung đột và không đe dọa sử dụng vũ lực trong tranh chấp. Với giàn khoan HD-981, Trung Quốc đã thách thức Mỹ trên cả 3 phương diện trên. Hơn nũa, ExxonMobil cũng có lợi ích trong khu vực này, giàn khoan HD-981 đã cản trở lợi ích thương mại của Mỹ tại đây. Cho đến giờ, phản ứng của Mỹ - tuyên bố gọi hành vi của Trung Quốc là “khiêu khích” – vẫn chưa đủ sức nặng ngăn cản Trung Quốc thực hiện hành vi tương tự trong tương lai.

Cuối cùng, hành động chèn ép của Trung Quốc diễn ra ngay sau chuyến thăm của tổng thống Mỹ Obama tới châu Á và ngay trước thềm cuộc họp các nguyên thủ quốc gia ASEAN tại Naypyidaw, Myanmar. Trung Quốc tự gây rủi ro cho mình khi hành động như vậy: động thái đó chắc chắn sẽ gây ra sự chú ý và vấp phải những chỉ trích từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tin tưởng rằng lãnh đạo khu vực chưa đủ đoàn kết để đưa ra một bản tuyên bố chung chống lại hành vi chèn ép của nước này tại Biển Đông. Cũng cần lưu ý rằng các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra một bản tuyên bố riêng thì “quốc tế hóa” tranh chấp – điều Trung Quốc cực kỳ e ngại – vẫn chưa được thông qua (và có lẽ còn lâu nữa mới được thực hiện).

Tương tự, khi Mỹ với vai trò là cảnh sát toàn cầu đang trở nên già nua, mệt mỏi và thiếu thốn thì sự thất bại trong việc ngăn chặn giàn khoan cũng sẽ giống như thất bại trong khủng hoảng toàn cầu của Syria và Ukraina. Bằng việc tránh khiêu khích đồng minh hiệp ước với Mỹ hay với một đối tác chủ chốt, Trung Quốc đang cố khắc họa hình ảnh Mỹ như một quốc gia không thể khẳng định được lợi ích của mình trong khu vực. Hệ quả tiêu cực của nó là các quốc gia khác có tranh chấp với Trung Quốc sẽ phải tự mình phát triển sức mạnh quân sự để bù đắp cho việc dựa vào đảm bảo an ninh từ Mỹ, khả năng sẽ tạo ra vấn đề nan giải cho Trung Quốc sau này.

Quyết định triển khai giàn khoan HD-981 vào khu vực giống như quyết định của Trung Quốc khi thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông, điều này báo hiệu sự “thèm khát” của Trung Quốc trong hành động đơn phương theo đuổi các yêu sách lãnh thổ trên biển. Trung Quốc tuyên bố rằng giàn khoan sẽ vẫn hiện diện tại đây cho đến tháng 8 năm nay. Điều cuối cùng trong sự kiện này đó là lần đầu tiên Trung Quốc hạ đặt một khối tài sản lớn vào  vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một quốc gia khác. Và Việt Nam không phải là quốc gia dễ bắt nạt – năng lực trên biển của Việt Nam đủ mạnh để gây thiệt hại cho Trung Quốc nếu nổ ra một cuộc xung đột có vũ trang. Tóm lại, trong 6 tháng qua, chúng ta đã thấy Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong vấn đề yêu sách lãnh thổ.

Theo The Diplomat

Văn Cường (dịch)