Cuối tháng 11/2013, sau khi tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, Trung Quốc cho biết sẽ xem xét thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở các khu vực khác vào thời điểm thích hợp. Tuyên bố này khiến mọi người ngay lập tức liên tưởng đến khu vực Biển Đông . 

Từ đầu tháng 2/2014, dư luận về khả năng Trung Quốc sẽ lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông lại nổi sóng. Trước vấn đề này, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã trấn an bằng việc đưa ra tuyên bố tin tưởng vào sự ổn định ở Biển Đông cũng như quan hệ với các nước láng giềng, qua đó ngầm chỉ ra rằng tạm thời không vội vàng thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại Biển Đông. 

Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, có rất nhiều phân tích và bình luận về ý đồ của Trung Quốc. Nhật Bản và Mỹ chỉ trích dữ dội về hành động của Trung Quốc, một số quốc gia Đông Nam Á cũng bày tỏ lo ngại, tuy nhiên do chứng cứ không đủ và thời gian quá ngắn nên rất khó đưa ra phán đoán khách quan và chuẩn xác, vì vậy cũng khó tránh việc xuất hiện các luận điểm vội vàng. Tuy nhiên, xem xét tình hình vài tháng qua có thể thấy quyết định của Trung Quốc không chỉ "rất thận trọng" mà còn thể hiện được sự cao tay về tư duy chiến lược. 

Nhìn bề ngoài, việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông là nhằm đối phó với Nhật Bản, song mục tiêu thực sự lại là Mỹ. Mặc dù Mỹ, Nhật, Trung được xem là mối quan hệ ba bên, tuy nhiên do mối quan hệ đồng minh quân sự mật thiết Mỹ-Nhật, nên có thể kết cấu mối hệ ba bên kia thành quan hệ giữa Trung Quốc với đồng minh Mỹ-Nhật. Mỹ từ lâu đã xác lập vùng nhận dạng phòng không ở khu vực này, sau đó trên danh nghĩa chuyển lại cho Nhật trong quá trình Nhật Bản giành lại quyền kiểm soát Okinawa. Tuy nhiên điều này không ngăn cản việc Mỹ coi vùng biển rộng lớn Tây Thái Bình Dương như “hồ” riêng của mình và có những hành động tự do vượt quá mức bình thường, cho nên trên danh nghĩa vùng nhận dạng phòng không được coi là của Nhật Bản song về thực chất lại là của Mỹ. 

Trung Quốc tất nhiên hiểu rõ điều này song tại sao cuối năm 2013 mới tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông? Điều này có thể lý giải rằng trước đó Trung Quốc xác định vẫn chưa đến mức cần phát tín hiệu rõ ràng với Mỹ. Tuy nhiên, việc căng thẳng trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã tạo điều kiện cho Mỹ đẩy mạnh chiến lược quay lại châu Á. Và động thái này của Mỹ buộc Trung Quốc phải đưa ra quyết định. Mặc dù phán đoán tính hiệu quả về quyết định trên của Trung Quốc vẫn còn quá sớm, song nhìn vào kết quả hiện tại có thể thấy nó đã phát huy tác dụng nhất định trong việc răn đe Mỹ. Nhìn vào cách phản ứng khác nhau giữa Nhật Bản và Mỹ đối với hành động trên của Trung Quốc cho thấy điều đó. Trong khi phản ứng của Nhật Bản không chỉ không thừa nhận, mà còn yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ, đồng thời chỉ thị các hãng hàng không nước này không chấp hành vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc, thì Mỹ chỉ bày tỏ không thừa nhận, nhưng không yêu cầu hủy bỏ và vẫn yêu cầu các hãng hàng không của mình chấp hành vùng nhận dạng phòng không do Trung Quốc vạch ra. 

Tuy nhiên, đối với việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông lại hoàn toàn khác. Ngay sau khi có những dư luận về khả năng Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, Mỹ đã lập tức có những phản ứng mạnh mẽ. Tháng 2 năm nay, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Russell trước Quốc hội nước này đã mạnh mẽ chỉ trích dã tâm của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời cảnh báo Trung Quốc không nên có các hành động giống như vậy (lập vùng nhận dạng phòng không) ở Biển Đông. Sau đó, người phụ trách các vấn đề về châu Á thuộc Ủy ban an ninh quốc gia Mỹ đã mạnh mẽ cảnh cáo Trung Quốc không được thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Tại sao lập trường của Mỹ về các vấn đề Biển Đông lại dứt khoát như vậy, điều này được lý giải là bởi vì tiêu điểm của trò chơi trên biển giữa Mỹ và Trung Quốc là ở Biển Đông chứ không phải là biển Hoa Đông. 

Thứ nhất, so với biển Hoa Đông, Biển Đông liên quan đến lợi ích của nhiều bên và tình hình ngày càng phức tạp. Điểm khác nhau giữa Biển Đông và biển Hoa Đông ở chỗ Biển Đông là tranh chấp liên quan đến 5 nước và vùng lãnh thổ, bốn nước thuộc ASEAN, trong đó mâu thuẫn tương đối căng thẳng với Trung Quốc có hai nước là Philippines và Việt Nam. Trong khi đó, tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông chỉ có hai bên là Trung Quốc và Nhật Bản. Đối với Trung Quốc, chính đồng minh Mỹ-Nhật khiến cho những tính toán chiến lược đối với Nhật Bản càng đơn giản. Song trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cần phải tính toán kỹ trong quan hệ tổng thể với ASEAN, cũng như cần phải có chiến lược khác nhau đối với từng nước trong khối này. Đối với Mỹ, vấn đề Biển Đông cũng phức tạp như vậy. Sau Thế chiến thứ hai, trụ cột ngoại giao của Mỹ ở Đông Á là mạng lưới đồng minh song phương, song ở Đông Nam Á ngoài Thái Lan và Philippines không có đồng minh nào của Mỹ. Trung Quốc muốn thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông cần phải suy tính đến sự khác biệt về kết cấu các mối quan hệ kể trên. 

Thứ hai, không gian trò chơi ngoại giao Mỹ-Trung trong vấn đề Biển Đông lớn hơn nhiều so với biển Hoa Đông. Trong vấn đề biển Hoa Đông, Trung Quốc nhận thức rất rõ về kết cấu liên minh Nhật-Mỹ, mối quan hệ Trung-Nhật sẽ tiếp tục bế tắc và không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Trung Quốc xác định để vấn đề biển Hoa Đông có tiến triển cần phải thực hiện chiến lược kiên nhẫn và cũng chờ đợi từ những tiến triển trong mối quan hệ Trung-Mỹ. Lịch sử cho thấy việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao Trung-Nhật là dựa trên tiền đề quan hệ Trung-Mỹ được cải thiện. Tuy nhiên, không gian ngoại giao trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc lớn hơn rất nhiều. Đối với Mỹ, Philippines và Việt Nam là trọng điểm, điều này giải thích tại sao ngay sau khi Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Hoa Đông, Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã đến thăm hai nước này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố rõ ràng mong muốn nâng cấp quan hệ Mỹ-Philippines. Mặc dù chưa có ý định thiết lập căn cứ quân sự tại Philippines, song Mỹ muốn được tự do hơn khi ra vào các căn cứ của nước này. Người ngôn này cũng cho biết Mỹ muốn hỗ trợ và giúp đỡ Việt Nam nâng cao khả năng phối hợp giải quyết các vấn đề trên biển. 

Thứ ba, vấn đề Biển Đông không chỉ liên quan đến Thái Bình Dương, mà còn có cả Ấn Độ Dương, điều này cho thấy phạm vi “cuộc chiến” trên biển giữa Mỹ và Trung Quốc càng rộng lớn hơn. Tại eo biển Malacca, mỗi ngày có tới 15 triệu thùng dầu và một nửa số lượng hàng hóa của thế giới vận chuyển qua đây. Theo tin tức của tờ Financial Times, các tàu hải quân Trung Quốc hồi tháng 2 vừa qua đã đi qua eo Sunda và đây là lần đầu tiên hải quân Trung Quốc đi qua eo biển này đến Ấn Độ Dương để tham gia một cuộc diễn tập quân sự tại đây. Theo đánh giá của các nhà phân tích khoảng 5 năm nữa, hải quân Trung Quốc ra vào Biển Đông và biển Hoa Đông là chuyện rất phổ biến. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc muốn thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở khu vực Biển Đông cần phải xem xét đến việc Mỹ có phản ứng thái quá hay không, dẫn đến khả năng gây ra môi trường bất ổn. Tóm lại, Trung Quốc có thể thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, song Trung Quốc không vội vàng làm điều đó, bởi vì còn cần phải tính tới rất nhiều các yếu tố cân bằng khác.

Trương Vân, phó Giáo sư trường Đại học quốc gia Niigata Nhật Bản. Bài viết được đăng trên Báo Liên hợp Buổi sáng, Singapore.

Quốc Trung (gt)