Quan hệ Trung-Nhật đã xấu đi nhanh chóng trong những năm gần đây. Có lẽ không có tranh chấp nào thể hiện rõ nhất về mối quan hệ xấu đi này như các tranh cãi lãnh thổ đối với chủ quyền của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Cho tới thời điểm này, ngoại giao cấp cao Trung-Nhật không mang lại hiệu quả và nhiều khả năng vẫn tiếp tục như vậy chừng nào Thủ tướng Shinzo Abe còn nắm quyền. Sự nổi tiếng của ông Abe như một nhà dân tộc chủ nghĩa nhiệt thành đã gây khó chịu cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, những người coi ông là nhân vật thể hiện rõ ràng ý định sửa đổi hiến pháp hòa bình thời hậu chiến và bình thường hóa vị thế quân sự của Nhật Bản gây thiệt hại cho lợi ích của Trung Quốc tại khu vực.

Tuy nhiên trên thực tế, cuộc xung đột Senkaku/Điếu Ngư không phải do ông Abe tạo ra. Việc quốc hữu hóa các hòn đảo là một trong những hành động cuối cùng của Thủ tướng Yoshihiko Noda thuộc Đảng Dân chủ Nhật Bản trong những tháng ngày tại nhiệm cuối cùng. Ông Noda đã mua các hòn đảo này, làm xáo trộn sự cân bằng cẩn trọng trên thực tế về chủ quyền không rõ ràng mà Trung Quốc và Nhật Bản đã có được trong nhiều năm. Chắc chắn, sự cố trước đó vào năm 2010 khi một tàu đánh cá Trung Quốc va chạm với tàu tuần duyên Nhật Bản đã gây ra tranh cãi ngoại giao lớn dẫn đến một lệnh cấm vận tạm thời của Trung Quốc về xuất khẩu kim loại, đất hiếm sang Nhật Bản, song tranh cãi này không phải là nguồn gốc căng thẳng giữa hai nước. Vào thời điểm đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc và Nhật Bản đã có thể đạt được tiến bộ về các vấn đề khác mà không bị cản trở bởi các tranh chấp lãnh thổ như hiện nay.

Việc ông Noda mua các hòn đảo này đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Ông đã quốc hữu hóa quần đảo này nhằm ngăn chặn nhân vật siêu dân tộc chủ nghĩa Shintaro Ishihara, người sau đó là Thị trưởng Tokyo mua quần đảo này và thực hiện các dự án xây dựng của Nhật Bản nhằm bảo vệ chủ quyền. Ông Noda đã tin rằng việc mua lại các hòn đảo sẽ thực sự duy trì tính nguyên trạng nhưng không may ông đã sai. Việc chuyển đổi từ chủ quyền thực tế sang chủ quyền hợp pháp đã dẫn đến hơn 18 tháng căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Căng thẳng đó đã trầm trọng thêm khi ông Shinzo Abe lên nắm quyền vào tháng 12/2012.

Đã có một số giải pháp được đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Một giải pháp làm người ta phải suy nghĩ được đưa ra bởi Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng trường chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore với lập luận rằng những gì Nhật Bản phải làm là "quay trở về nguyên trạng trước đó" bằng cách bán quần đảo này cho "một quỹ hay nhóm môi trường tư nhân của Nhật Bản với bề ngoài nhằm bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên hoang dã". Có lẽ điều này sẽ dẫn đến tình trạng cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc sẽ không có một tuyên bố chủ quyền hợp pháp mạnh mẽ đối với các hòn đảo này. 

Vấn đề không đơn giản như vậy. Nó không phải chỉ là quyền sở hữu mà còn là những mong muốn của nhà nước. Nhật Bản sở hữu chúng song Trung Quốc cũng muốn có nó. Những hòn đảo này chỉ có thể tồn tại thuộc về một quốc gia nên chắc chắn sẽ có một bên thua cuộc. Điều duy nhất của nguyên trạng trước đây là sự mong muốn của các bên không phải tổng bằng không mà có tổng tích cực. Trạng thái như vậy của các hòn đảo là điều mà cả hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản có thể hài lòng hoặc nếu không thì có thể dung hòa được về tình trạng chủ quyền của các vùng lãnh thổ này mặc dù chúng còn bị tranh cãi về mặt kỹ thuật. Đã không có bên nào công khai cằn nhằn về tình trạng của quần đảo này, ít nhất là không thường xuyên như hiện nay.

Hiện nay, việc quay lại với nguyên trạng trước đây dường như rất khó xảy ra. Chính sách hiện tại của Trung Quốc đối với biển Hoa Đông trong đó có việc thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) hồi tháng 11 năm ngoái cho thấy Bắc Kinh chỉ mong muốn chiến thắng trong vụ tranh chấp này với sự công nhận của Nhật Bản và cộng đồng quốc tế rằng quần đảo Điếu Ngư là lãnh thổ có chủ quyền của Trung Quốc. Bên cạnh đó, tranh chấp này ngày nay đã trở thành một chủ đề trung tâm trong mối quan hệ Trung-Nhật. Nó được nhắc đến nhiều đến mức mà bất kỳ một sự nhượng bộ nào của cả hai phía về các đảo sẽ dẫn đến sự mất tín nhiệm trong con mắt dân chúng mỗi nước và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho quan hệ của những nước này với các quốc gia khác trong khu vực. Điều làm cho việc giải quyết cuộc xung đột này hiện nay thậm chí còn khó khăn hơn là không bên nào coi quần đảo này là vấn đề có thể phân chia được một cách công bằng, đó là cả Trung Quốc và Nhật Bản đều sở hữu các đảo. Rõ ràng không có tiếng nói chung trong vấn đề này. 

Trở lại đề xuất của ông Mahbubani về việc Nhật Bản tái tư nhân hóa các đảo, Hiệu trưởng trường Chính sách công Lý Quang Diệu cho rằng Nhật Bản có thể đưa ra một lối thoát cho Trung Quốc dưới hình thức một phán quyết cuối cùng về tình trạng của các đảo được đưa ra bởi Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Trong khi điều này không phải là lý tưởng do không bên nào muốn mất mặt trong một phán quyết như vậy, thì một giải pháp đứng vững hơn là một thỏa thuận chia sẻ chủ quyền mà cả Nhật Bản và Trung Quốc có thể tuyên bố đối với các đảo và có quyền khai thác nguồn tài nguyên của nó.

Mặc dù có nhiều mô hình giải quyết tranh chấp này, song quan hệ quốc tế trong thế giới ngày nay không diễn ra chính xác như vậy mà hầu như đều đưa đến kết quả là sẽ có người thắng và kẻ bại. Cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều chưa sẵn sàng cho bất kỳ một bước đi nào vào thời điểm này để có thể đưa ra một giải pháp được chấp nhận từ cả hai phía đối với tranh chấp. Đó là lý do tại sao Senkaku/Điếu Ngư sẽ tiếp tục nằm trong danh sách các điểm nóng hàng đầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong thời gian tới./. 

Theo The Diplomat

Thuỳ Anh (gt)