Giáo sư Clarita Carlos của Khoa Khoa học chính trị thuộc trường Đại học Philíppin, nhận định vấn đề Scarborough không thể được giải quyết thỏa đáng chừng nào hai bên vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với cùng một vùng lãnh thổ. Bà cho rằng bế tắc kéo dài hai tháng nay tại bãi đá ngầm Scarborough là một vấn đề thực sự khó giải quyết vì "chúng ta có thể tiếp tục tranh luận tại mọi khuôn khổ quốc tế về luật pháp cho tới khi chán nản, nhưng ít có khả năng vấn đề chủ quyền và lãnh thổ được giải quyết triệt để". 

Quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đã thực sự căng thẳng kể từ khi tàu Trung Quốc ngăn cản tàu hải quân Philípin bắt giữ ngư dân Trung Quốc đánh bắt tài nguyên biển tại khu vực bãi đá ngầm Scarborough giàu tài nguyên. Philíppin tuyên bố rằng đây là khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của nước này theo Công ước Luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) nhưng Trung Quốc khẳng định đây là một phần vùng lãnh thổ cố hữu của họ. Do vậy, Manila muốn có một bên thứ ba, như Liên hợp quốc, giúp giải quyết vấn đề tranh chấp nhưng Bắc Kinh lại nhấn mạnh muốn giải quyết vấn đề trên cơ sở tiếp cận song phương.

Giáo sư Harry Roque thuộc Khoa Luật của trường Đại học Philíppin giải thích có điều này là vì Trung Quốc khăng khăng rằng tranh chấp giữa họ với các quốc gia và vùng lãnh thổ láng giềng hiện vẫn chưa được giải quyết như tranh chấp với Philíppin, Việt Nam, Malaixia, Brunây và Đài Loan tại quần đảo Trường Sa, với Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, với Nhật Bản trên quần đảo Senkaku, và với Ấn Độ và Butan trên một số vùng đất. 

Chính phủ Philíppin hiện chủ trương sẽ tiếp tục tham gia đối thoại với Trung Quốc để đạt được một giải pháp hòa bình nhưng cũng không hoàn toàn loại trừ khả năng đưa vấn đề ra Tòa án quốc tế về Luật biển.

Trong một bài phát biểu ngày 8/6 tại Mỹ, Tổng thống Philíppin Benigno Aquino bày tỏ lạc quan rằng các cuộc đối thoại song phương sẽ đạt được tiến triển thuận lợi để phá vỡ bế tắc nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực nhưng vẫn đảm bảo lòng tự trọng và chủ quyền của Philíppin. Ông Aquino mới có chuyến thăm dài ngày tới Anh và Mỹ, nơi ông đã hội đàm với các nguyên thủ hai nước trên nhiều vấn đề, trong đó có tình hình hiện nay tại Biển Đông. Tại Oasinhtơn, Tổng thống hai nước đều bày tỏ sự ủng hộ tiến trình ngoại giao hợp tác giữa các bên tranh chấp để giải quyết các tranh cãi một cách phù hợp với luật pháp quốc tế và không sử dụng vũ lực. Còn Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng thông báo rằng hai nước sẽ tăng cường phối hợp và trao đổi thông tin tình báo trong lĩnh vực hàng hải, và Mỹ sẽ hỗ trợ Trung tâm giám sát bờ biển Philíppin. Về phần mình, Tổng thống Aquino bày tỏ ủng hộ chính sách chú trọng tới châu Á trong các lĩnh vực hàng hải và thương mại của Mỹ, nhưng cũng cho biết không có ý định lôi kéo Mỹ can thiệp quân sự vào khu vực. 

Bàn về cách giải quyết tranh chấp hai nước, Giáo sư Roque cho rằng các nhà hoạch định chính sách Philíppin cần phải nhận ra rằng các cuộc đàm phán với Trung Quốc sẽ không đi đến đâu vì Bắc Kinh muốn giữ nguyên hiện trạng vấn đề hơn là nhờ quốc tế phân xử khi không rõ kết quả có lợi cho họ hay không. Giáo sư Carlos cho rằng cần thiết phải có sự thay đổi trong các khuôn khổ giải quyết tranh chấp và chỉ có duy nhất khuôn khổ hợp tác sẽ thúc đẩy vấn đề bằng việc đẩy mạnh hơn nữa các lĩnh vực hợp tác phi chính trị, không sử dụng vũ lực như nghiên cứu khoa học, sinh thái, trao đổi thương mại... để tạo ra nền tảng cho sự hợp tác lâu dài trong tương lai. Ông Rommel Banlaoi thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình, bạo lực và khủng bố Philíppin kêu gọi chính quyền Manila cần giải quyết vấn đề với Bắc Kinh bằng một chủ nghĩa thực dụng thận trọng vì Trung Quốc là một đối tác lớn cung cấp viện trợ phát triển, một bạn hàng thương mại hàng đầu và có lượng du khách sang Philíppin đông đảo. Ông này cho rằng cần cảnh giác trong vấn đề tranh chấp với Trung Quốc, nhưng cũng không nên cô lập Trung Quốc trong mọi vấn đề. 

Theo Kyodo News

Trần Quang (gt)