tau ngam tq cam co.jpg

Hai tàu ngầm Trung Quốc vừa tới Malaysia đánh dấu hoạt động hợp tác hải quân đầu tiên giữa hai nước trong năm 2017. Trong một tuyên bố, Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) cho biết các tàu ngầm Xing Dao và CNS Chang Cheng của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA-N) đã đến bang Sabah của nước này. RMN mô tả chuyến thăm của các tàu ngầm trên là một phần trong hoạt động thăm viếng thường xuyên giữa hai bên nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao quốc phòng Malaysia-Trung Quốc. Đến ngày 3/1, RMN vẫn không tiết lộ bất cứ thông tin nào về chuyến thăm này. Mặc dù đây có vẻ như là một nỗ lực bình thường để củng cố quan hệ quốc phòng giữa hai nước, song chuyến thăm bao gồm cả tàu ngầm lại cho thấy điểm khác biệt so với những chuyến thăm của các tàu Trung Quốc tới Malaysia những năm qua.

Có thể đưa ra một ví dụ về chuyến thăm tới Malaysia của ba tàu hải quân Trung Quốc là CNS Xiang Tan, CNS Zhou Shan và CNS Chao Hu trong năm 2016. Các tàu này đã cập cảng Klang của Malaysia để tiến hành chuyến thăm kéo dài 5 ngày bao gồm các nội dung như giao lưu với hải quân Malaysia và thăm các căn cứ quân sự của nước này. Tại thời điểm đó, RMN cũng mô tả chuyến thăm như là một sáng kiến ngoại giao quốc phòng nhằm tăng cường hợp tác giữa hải quân hai nước.

Tuy nhiên, sự hiện diện của tàu ngầm Trung Quốc tại Malaysia vào đầu năm 2017 này đã thu hút sự chú ý của dư luận về tiến triển gần đây trong quan hệ ngoại giao quốc phòng giữa hai quốc gia, cũng như môi trường an ninh chung. Mặc dù quan hệ quốc phòng giữa Trung Quốc và Malaysia có thể nói đã phát triển chậm chưa tương xứng kể từ khi hiệp ước hợp tác quốc phòng chính thức giữa hai bên được ký kết vào năm 2005. Song, có thể thấy mối quan hệ đã được tăng cường nhanh hơn trong hai năm qua.

Năm 2015, Malaysia và Trung Quốc bắt đầu thực hiện tập trận quân sự thường niên và Trung Quốc được đảm bảo quyền đi vào cảng Kota Kinabalu (Malaysia) sau chuyến thăm của Tư lệnh Hải quân PLA Đô đốc Ngô Thắng Lợi. Đến năm 2016, trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Malaysia Najib Razak, hai nước đã ký kết một thỏa thuận hải quân lớn đầu tiên. Mặc dù tầm quan trọng của chuyến thăm cũng như thỏa thuận này đã bị thổi phồng, song nó cũng đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong quan hệ quân sự giữa hai quốc gia.

Trung Quốc đã tiếp tục gia tăng các hoạt động tại Biển Đông trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại về sự chia rẽ giữa bốn quốc gia Đông Nam Á cùng đưa ra yêu sách chủ quyền ở Biển Đông là Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines (dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte). Sự chia rẽ này liên quan đến các động thái lôi kéo của Trung Quốc và sự không chắc chắn trong chính sách của Mỹ đối với châu Á dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump.


Tuy nhiên, cần lưu ý cách tiếp cận của Chính quyền Thủ tướng Najib đối với vấn đề Biển Đông. Cách tiếp cận này dường như đang gắn vấn đề Biến Đông với mối quan hệ tổng thể của Malaysia với Trung Quốc, dựa trên sự tham gia của Bắc Kinh vào các lĩnh vực được chú ý như quốc phòng, và các lĩnh vực ít được chú ý khác, nhưng là động thái để cân bằng quan hệ giữa hai bên.

Theo “The Diplomat” (ngày 4/1)

Vũ Hiền (gt)