Lực lượng gìn giữ hòa bình khu vực, nếu thực sự được thành lập, sẽ chính thức được chỉ định thực thi các hoạt động nhân đạo ở các khu vực xung đột và thiên tai. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là lực lượng đầu tiên trong khu vực mà thông qua đó các quốc gia thành viên có thể làm việc cùng nhau trong một cơ chế quốc phòng, và nếu thành công nó có khả năng biến đổi bản chất sự can dự của các nước thành viên ASEAN với Trung Quốc. Sự quyết tâm của Malaysia trong thời gian làm Chủ tịch khối này rất quan trọng, và theo truyền thống thì Kuala Lumpur mong muốn thúc đẩy hợp tác từ kinh tế đến quốc phòng với các đối tác ASEAN.

Trong quá khứ, Malaysia từng phản đối bất kỳ chính sách nào của ASEAN được cho là "hành động tập thể" chống lại lợi ích của Trung Quốc. Sự thận trọng này phù hợp với quan điểm của các chuyên gia về Biển Đông, chẳng hạn như nhà ngoại giao hàng đầu Indonesia Hasjim Djalal đã lập luận rằng hình thành một "ASEAN thống nhất" chống lại Trung Quốc có thể phản tác dụng và gây nguy hiểm. Vì vậy, chiến lược thời gian qua của Malaysia là làm sâu sắc thêm mối quan hệ thương mại-kinh tế với Bắc Kinh. Tuy nhiên, mặc dù là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, song Malaysia đã không tránh khỏi những lời chỉ trích và khiển trách của Bắc Kinh sau vụ máy bay MH370 mất tích hồi tháng 3/2014. Rõ ràng đối với Kuala Lumpur, chiến lược này đã không còn hiệu quả nữa. Và Malaysia được cho là đang trông chờ vào các cơ chế đa phương của ASEAN với hy vọng mới.

Một lực lượng gìn giữ hòa bình khu vực, dù còn xa mới đạt tới ý nghĩa của một hiệp ước quốc phòng như NATO, sẽ gửi đi một tín hiệu rõ ràng tới Bắc Kinh rằng một phản ứng tập thể từ khối ASEAN thống nhất về các vấn đề an ninh là chính đáng. Các nước ASEAN đã chứng kiến các hành động không nhượng bộ gần đây của Trung Quốc, chẳng hạn như của Việt Nam và Philippines, chắc chắn sẽ muốn có một ASEAN phản ứng thống nhất cũng như ý tưởng thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình khu vực.

Các quốc gia thành viên khác cũng sẽ cần phải được thuyết phục về sự cần thiết của một lực lượng như vậy. Trong số bảy thành viên còn lại của ASEAN, việc Indonesia tán thành ý tưởng này sẽ rất quan trọng bởi quốc đảo là thành viên sáng lập, là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Về mặt chiến lược, việc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình ASEAN song trùng với lợi ích riêng của Indonesia. Là một quốc gia hay chịu thiên tai, Indonesia có thể mong đợi sự hỗ trợ nhanh chóng từ một lực lượng như vậy. Học thuyết "trung tâm hàng hải" của Tổng thống Joko Widodo cũng có thể được hiện thực hóa song song với một lực lượng khu vực.

Về mặt ngoại giao, sự tham gia của các nước trong khu vực trong lực lượng này có thể giảm thiểu những lo ngại về chủ nghĩa dân tộc quá mức trong cách tiếp cận của chính quyền Jokowi đối với vấn đề biên giới. Thật vậy, sự toàn vẹn lãnh thổ trên biển có thể được đảm bảo tốt hơn bằng cách hợp tác với lực lượng trong khu vực, chẳng hạn như vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp. Một quy tắc chung về hành vi đánh bắt trái phép trong vùng biển ASEAN chẳng hạn, được thực hiện với sự giúp đỡ của lực lượng khu vực, cũng có thể khiến cho những cuộc đụng độ giữa các tàu thuyền của các quốc gia thành viên giảm đến mức tối thiểu. Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích có thể, vẫn còn những nghi ngại về việc Jakarta có ủng hộ hay không ý tưởng thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình ASEAN.

Thứ nhất, kể từ khi nhậm chức vào năm ngoái, chính sách đối ngoại của Jokowi tập trung hướng nội, những thanh âm dân tộc chủ nghĩa hiện tại trong các mối quan hệ với bên ngoài có thể ngăn cản một động thái mang tính khu vực như vậy. Thứ hai, có những dấu hiệu cho thấy chính phủ hiện nay đang tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Với các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng được đề ra trong chiến dịch tranh cử vừa qua, sức hút tài chính của Bắc Kinh đơn giản là quá khó để cưỡng lại. Trong trường hợp các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc đổ vào Indonesia, Jakarta có thể ủng hộ quan hệ quốc phòng gần hơn với ASEAN khi có sự thỏa hiệp.

Sự quyết tâm của Malaysia về ý tưởng thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình ASEAN là một sự khởi đầu quan trọng xuất phát từ chính sách trước đây về hợp tác trong ASEAN. Mức độ của sự quyết tâm cần phải chờ thời gian nhưng sẽ được thử nghiệm tại ADMM. Sẽ thú vị khi chứng kiến sự thay đổi của Malaysia trong cách tiếp cận đối với ASEAN nhằm thuyết phục các nước khác làm theo.

Theo "Jakarta Globe"

Vũ Hiền (gt)