Nhìn bề ngoài, dường như chính sách đối ngoại của Trump sẽ là thứ bị hủy hoại mới đây trong một dòng những rò rỉ thông tin bất tận và những điều tra đang tiếp diễn về sự thông đồng với Nga và cản trở công lý mà sẽ dính chặt với ghế tổng thống của ông trong nhiều tháng, nếu không muốn nói là trong nhiều năm, như con hàu bám vào mạn tàu.

Trong một mục đăng trên tạp chí Foreign Policy, Micah Zenko đã đưa ra lập luận rằng những cố gắng khó nhọc của Trump ở trong nước có thể buộc vị tổng thống bị bao vây này phải ủy quyền nhiều hơn cho bộ máy quan liêu chính sách đối ngoại, do đó làm suy yếu sự tín nhiệm của Mỹ trong con mắt của các đồng minh và kẻ thù của Mỹ, những nước sẽ ngày càng hoài nghi sự đáng tin cậy và thời gian cầm quyền của vị tổng thống này. Đồng thời, Zenko nêu lên ý kiến rằng bê bối trong nước có thể đẩy Trump buộc phải tiến hành một số hoạt động quân sự rất mạo hiểm mang bản chất vũ lực theo một kiểu kịch bản cái nhỏ quyết định tổng thể, chẳng hạn nếu Triều Tiên thực hiện một vụ thử hạt nhân nữa hoặc thực hiện một vụ thử liên quan đến tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm xa.

Chúng ta không chắc chắn về kịch bản cái nhỏ quyết định tổng thể. Nhưng chúng ta được thuyết phục rằng cách tiếp cận nói chung với chính sách đối ngoại của tổng thống – 2/3 là gây rối loạn, 1/3 là theo xu thế chủ đạo – có thể tiếp tục. Và trong khi những cố gắng khó nhọc của ông ở trong nước với các cố vấn đặc biệt và các ủy ban quốc hội có thể làm xói mòn chương trình nghị sự trong nước của ông, chúng sẽ không kiềm chế những gì ông lựa chọn làm (hoặc không làm) ở nước ngoài.

Nói tóm lại, ngoại trừ việc đối phó với Nga, chính sách đối ngoại của Trump sẽ vẫn thực sự là không thể chạm tới: Trong cả phong cách lẫn bản chất, ông sẽ tương đối tự do.

Ít sự hạn chế trong nước: liệu có bất cứ ai thực sự quan tâm?

Việc thực hiện chính sách đối ngoại của Mỹ phần lớn là một vấn đề của giới tinh hoa. Việc này dễ dàng quên đi khi người ta đang sống bên trong Beltway (giới quyền uy) – dù các vị là một thành viên có uy tín trong Blob (chỉ bộ máy chính sách đối ngoại Mỹ) hay là một người thực tế - nơi mỗi tiến triển ở nước ngoài được tranh luận sôi nổi và có vẻ giống như nó nên là điểm tựa của nền văn minh phương Tây. Đối với những người chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại, điều hiển nhiên chưa bao giờ là vậy. Làm sao mọi người có thể không ám ảnh với vòng cuối trong câu chuyện dài về Qatar-Saudi Arabia?

Giống Rhett Butler trong tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió”, phần lớn người Mỹ không để tâm đến chính sách đối ngoại: Họ không xếp các vấn đề chính sách đối ngoại, ngoại trừ khủng bố, vào những quan tâm hàng đầu của họ. Ít người dành nhiều thời gian để suy nghĩ về các vấn đề quốc tế mà thu hút sự chú ý của giới tinh hoa chính sách đối ngoại khi những bước sai lầm của tổng thống bôi nhọ danh tiếng của Mỹ, khiến Mỹ trông yếu đuối, làm xói mòn sự lãnh đạo toàn cầu của nước này, hoặc trong một nỗ lực triển khai sức mạnh, khiến Washington rơi vào các cuộc chiến tranh và xung đột không thể giành chiến thắng. Tuy nhiên, đồng thời đa số người Mỹ - theo dữ liệu từ Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu – cũng ủng hộ toàn cầu hóa và thương mại tự do.

Nhưng trong một số ít năm, kết quả của các cuộc thăm dò dư luận khác, đáng chú ý nhất là cuộc thăm dò dư luận của Trung tâm nghiên cứu Pew, cho thấy rằng Trump không phải hoàn toàn không chạm tới những tình cảm của công chúng. Chẳng hạn, theo Pew, phần lớn người Mỹ muốn nước Mỹ đối phó với những vấn đề của chính mình và để các nước khác tự xoay sở một cách tốt nhất với các vấn đề của họ; họ cũng hoài nghi về sự can dự toàn cầu, tin rằng Mỹ làm quá nhiều thay vì quá ít để giải quyết các vấn đề toàn cầu, và ủng hộ một vai trò lãnh đạo có chừng mực hơn của Mỹ. Một phần lớn người Mỹ, bao gồm cựu Tổng thống Barack Obama và các vị tổng thống và bộ trưởng quốc phòng trước đây, đều tán thành rằng các đồng minh của Mỹ cần trả nhiều hơn cho quốc phòng của họ và không muốn Mỹ hành động như thể cảnh sát của thế giới.

Tất cả những quan điểm này phù hợp rộng rãi với triết lý “Nước Mỹ trước tiên” của Trump. Ở đây có một điểm mấu chốt: Trừ một sai lầm lớn đặt phúc lợi của người dân vào nguy hiểm hoặc một cuộc khủng hoảng ở nước ngoài làm Mỹ hao tiền tốn của, sẽ không có làn sóng dư luận hoặc sự phản đối từ một quốc hội Cộng hòa mà sẽ loại bỏ học thuyết gây rối loạn này. Quốc hội thỉnh thoảng sẽ có những điều chỉnh nhỏ - như nó đã làm gần đây đối với việc bỏ phiếu gần như nhất trí về việc trừng phạt Nga. Nhưng về khí hậu, nhập cư, khủng bố và chính sách Cuba, giọng điệu và hoạt động chính trị của Trump tỏ ra tác động tốt đến cơ sở ủng hộ của ông và đến đủ các đảng viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội để giúp truyền cách tiếp cận của ông với những dòng dư luận chính thống hơn. (Theo một cuộc thăm dò dư luận của Pew hồi tháng 1/2017, 38% người Mỹ được thăm dò cho rằng sự biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu). Vị tổng thống này có nhiều quyền tự do và sự xét đoán để đưa nhãn hiệu Trump vào sự tiếp cận của Mỹ với thế giới.

Tự do quyết định khi hành động ở nước ngoài

Quả thật, khi đề cập đến chính sách đối ngoại, cả Hiến pháp Mỹ lẫn thế giới thực đều đảm bảo khả năng đó. Quốc hội và các tòa án đi đến và rời khỏi phiên làm việc và phần lớn là mang tính phản ứng lại; khi đề cập đến an ninh quốc gia, đơn giản là họ không có thông tin, năng lực hoặc thậm chí là mong muốn để thâm nhập, huống hồ là thách thức Nhà Trắng. Trong 30 năm qua, chỉ có hai trường hợp trong đó Quốc hội bỏ phiếu gạt bỏ quyền phủ quyết của tổng thống về chính sách đối ngoại. Trong phần lớn trường hợp, các cơ quan lập pháp và tư pháp không can thiệp vào quyết định của cơ quan hành pháp về an ninh quốc gia. (Hai mệnh lệnh hành pháp của Trump về nhập cư là một ngoại lệ đáng chú ý và cho thấy một tập hợp hết sức bất thường của các yếu tố bao gồm việc chính quyền chính trị hóa vấn đề nhập cư, việc thể hiện sai chức năng, và những sự mâu thuẫn, phi lôgích và có thể là bất hợp pháp của bản thân những mệnh lệnh khác).

Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp, Tổng thống Trump là một tác nhân tương đối tự do định hình những cái nhìn và bản chất của chính sách đối ngoại của chính quyền ông, dù là tốt hay xấu. Hãy xem thử chuyến công du nước ngoài gần đây nhất của ông. Trong chuyến đi ngắn kéo dài 9 ngày, vị tổng thống này đã coi Saudi Arabia là điểm trung tâm trong chiến lược Trung Đông của mình và tái tiếp thêm sinh lực cho mối quan hệ Mỹ-Saudi Arabia thông qua việc bán vũ khí và các liên doanh đầu tư trị giá hàng trăm tỷ USD. Và đó mới chỉ là những điểm khởi đầu. Trump đã tiếp tục đưa ra thông điệp chống Iran mà đã làm gia tăng những căng thẳng bên trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh và đã làm cho nhiệm vụ gắn kết liên minh chống IS của ông trở nên khó khăn hơn; liên tục đăng những dòng tweet nói rằng ông muốn đứng về phía Saudi Arabia trong cuộc xung đột của nước này với Qatar, kích động thêm cuộc khủng hoảng này; làm rõ rằng nhân quyền không có vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự Trung Đông của ông; trở thành vị tổng thống tại vị đầu tiên đến thăm Bức tường phía Tây ở Jerusalem; xúc phạm và sỉ nhục các đồng minh châu Âu về các vấn đề bao gồm sự biến đổi khí hậu, thương mại và chi tiêu quốc phòng; và làm các cố vấn của ông ngạc nhiên khi ông không tái khẳng định rõ ràng cam kết của Mỹ đảm bảo phòng thủ chung của NATO.

Và tất cả những việc này diễn tra chỉ trong 9 ngày. Liệu có bất cứ điểm nào trong số này phản ánh một chiến lược chặt chẽ hay không không thực sự là vấn đề. Câu chuyện lớn hơn là vị tổng thống này có thể hành động đơn phương – như việc ông rút lui khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu bộc lộ - với những hậu quả chiến lược mang tính tàn phá. Có những vấn đề, đặc biệt là việc đối phó với Nga, mà ở đó tranh cãi trong nước hiện nay chắc chắn sẽ kiềm chế Trump. Quả thật, thật khó để tưởng tượng trong những bối cảnh này việc dỡ bỏ những sự trừng phạt đối với Vladimir Putin hay ve vãn ông trong bất cứ vấn đề đáng kể hay nhạy cảm nào. Nhưng trong hầu hết các vấn đề chính trị, và có thể cả khi đề cập đến việc triển khai sức mạnh quân sự của Mỹ ở nước ngoài, có rất ít sự kiềm chế để ngăn cản ông.

Các cố vấn của tổng thống tạo cho ông vỏ bọc và sự hợp pháp

Việc bổ nhiệm một số nhân sự có kinh nghiệm về chính phủ và thế giới – Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Cố vấn An ninh quốc gia H.R.McMaster, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng An ninh nội địa John Kelly – có thể có một tác động không thể lường trước được lên vị tổng thống không kiên định và thiếu kinh nghiệm. Và mặc dù chúng ta không biết được chính sách đối ngoại của Trump trông sẽ giống như thế nào nếu không có những nhà điều hành có kinh nghiệm này ở xung quanh, rõ ràng là về các vấn đề quan trọng đối với vị tổng thống này – chẳng hạn như biến đổi khí hậu, và biến Điều 5 của NATO thành một con bài mặc cả vì một cam kết – họ không thể kiềm chế ông. Quả thật, trong quá nhiều vấn đề, các cố vấn này dường như sẵn sàng tỏ vẻ ủng hộ nếu không muốn nói là tán thành chủ nghĩa dân tộc có ý thức bản thân tự cho mình là trung tâm của Trump. Nhà Trắng này hoạt động dựa trên giả thuyết rằng các quốc gia không có lợi ích trong việc hợp tác để giải quyết các vấn đề mà họ không thể tự giải quyết, hoặc trong thành công của một nước khác; thay vào đó, Trump sống trong một thế giới “thân ai nấy lo” nơi Mỹ cần nhìn vào những lợi ích của mình và giảm những thỏa thuận càng nhiều càng tốt – các đồng minh và các kẻ thù bị chỉ trích (có thể ngoại trừ Putin). Khi hai người được cho là có quan điểm ôn hòa trong chính quyền này – cố vấn kinh tế trưởng Gary Cohn và McMaster – về cơ bản nói nhiều như vậy trong một chuyên mục gần đây đăng trên tờ Wall Street Journal, họ cho rằng quan điểm sai lầm nghiêm trọng này là chính đáng.

Trump cũng được lợi bởi vì ở Mattis, ông đã có một cố vấn giàu kinh nghiệm, thông minh và nhanh nhạy, người hiểu và chấp nhận những trách nhiệm của Mỹ trong lãnh đạo toàn cầu và dành phần lớn thời gian của mình khuyên các đồng minh của Mỹ tảng lờ những cơn bão bình luận từ người đàn ông ở phía sau hậu trường. Phó Tổng thống Mike Pence, Tillerson và McMaster cũng giúp xoa dịu những lo sợ của các đồng minh và tái khẳng định những cam kết từ lâu của Mỹ - và trong quá trình đó, mang lại vỏ bọc và tính hợp pháp cho hành xử của Trump. Những “người lớn” này giúp thúc đẩy nhận thức rằng chính quyền này tiếp tục tuân thủ những truyền thống chính sách đối ngoại từ lâu, cho dù tổng thống nỗ lực làm xói mòn nhiều nội dung trong đó.

Chỉ đủ chính thống

Vai trò của Trump như kẻ gây rối vừa bị lăng mạ vừa được bảo vệ bởi vì trong nhiều vấn đề khác, ông lựa chọn tô vẽ giữa những đường hướng của cái đã tạo nên các mục tiêu chính sách đối ngoại truyền thống của những người tiền nhiệm thuộc đảng Dân chủ và Cộng hòa. Dòng chủ lưu này tạo ra ấn tượng và thực tế rằng Trump thực sự lắng nghe các cố vấn của ông hoặc trong các vấn đề nhất định, bản năng của chính ông thúc đẩy ông hướng tới một thái độ ít gây rối hơn.

Chẳng hạn, cho tới nay, ông lựa chọn duy trì thỏa thuận hạt nhân của Iran; chấp nhận chính sách “một Trung Quốc” và tránh gán cho Bắc Kinh cái nhãn là một nước thao túng tiền tệ hay bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại; tái đàm phán thay vì rời xa NAFTA; và hoãn lại việc dời Sứ quán Mỹ ở Israel sang Jerusalem do quan ngại rằng một động thái như vậy sẽ làm xói mòn những cơ hội của ông dàn xếp cái ông gọi là “thỏa thuận cuối cùng” giữa người Israel và người Palestine. Dòng chủ lưu này không chỉ tránh tạo ra các vấn đề lớn trên từng mặt trận chính sách đối ngoại, mà nó cũng mang lại cho chính quyền nhiều không gian để hoạt động hơn trong các lĩnh vực then chốt nơi tổng thống muốn theo đuổi nhiều hơn các chính sách không thông thường. Điểm mấu chốt: Việc Trump phá đám khi không làm vậy sẽ hoặc trực tiếp làm xói mòn những cam kết nổi bật đưa ra trong chiến dịch tranh cử làm cơ sở ủng hộ cho ông, hoặc theo quan điểm của ông, nó sẽ không lấy đi của ông bất cứ thứ gì.

Không có khủng hoảng do cẩu thả

Dường như có khả năng mô hình được bắt đầu trong những tháng đầu cầm quyền của Chính quyền Trump sẽ không làm thay đổi đột ngột bất cứ thứ gì ngoài bản thân tổng thống sẽ phải trải qua kiểu thay đổi lớn nào đó. Việc đăng những dòng tweet, mong muốn chứng tỏ sự thiếu tôn trọng (và đôi lúc sự bất cần) đối với các nhà lãnh đạo nước ngoài, và quyết định phá vỡ các vấn đề mà hoặc tạo ra tiếng vang với cá nhân Trump hoặc về chính trị với cơ sở ủng hộ ông sẽ tiếp tục. Và dường như có ít kiềm chế mà đưa ra bất cứ viễn cảnh nào về một sự thay đổi trong hành xử, đặc biệt là vì những người ủng hộ ông ưa thích việc ông gắn nó với “những người ủng hộ toàn cầu hóa” và “giới tinh hoa”, những người là chủ đề trong những lời nói khoa trương của ông. Sự từ chức của một hoặc hai trong số các quan chức chính sách đối ngoại hoặc an ninh quốc gia cấp cao của ông có thể làm cho ông ngập ngừng – cũng như một cuộc khủng hoảng lớn mà buộc phải có một sự sảy chân hoặc thất bại là hậu quả nhiều hơn. Nhưng một sự sảy chân không có khả năng xảy ra và một thất bại là không thể dự đoán.

Cho tới nay, những gì người ta nhìn thấy trong chính sách đối ngoại của Trump hiện nay có thể còn hơn cả những gì người ta sẽ thấy trong tương lai: một cách tiếp cận với thế giới mà về quá nhiều vấn đề đang bôi nhọ các thể chế quốc tế, các thỏa thuận đa phương, và các liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ. Nó xác định “Nước Mỹ trước tiên” có nghĩa là chỉ có Mỹ và làm phương hại những lợi ích quốc gia của Mỹ và các khả năng tạo ra một thế giới ổn định và thịnh vượng hơn. Đây không chỉ là một tiêu đề, nó cũng có thể là một trào lưu. Vì vậy, đối với tất cả những người ủng hộ toàn cầu hóa, các nhân vật tinh hoa và các độc giả trung thành với tạp chí này (như chúng tôi), những người hy vọng hão huyền rằng các vị sẽ gây ảnh hưởng lên chính sách đối ngoại của chính quyền này, đây là lời khuyên của chúng tôi: Hãy ngồi xuống và kiên nhẫn chờ đợi cho tới khi cảm giác này – và Chính quyền Trump – qua đi.

Aaron David Miller là phó chủ tịch về các sáng kiến mới, học giả ưu tú tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế dành cho các Học giả Woodrow Wilson . Ông là tác giả cuốn The End of Greatness: Why America Can't Have (and Doesn't Want) Another Great President. Richard Sokolsky là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment. Từ 2005 đến 2015, ông là thành viên Văn phòng Hoạch định Chính sách Bộ Ngoại giao Mỹ. Bài viết được đăng trên Foreign Policy.

Trần Quang (gt)