comm_crisis.jpg

Tại New York, đối với đa phần người Mỹ, cuộc khủng hoảng Hy Lạp là một hiện tượng mà họ hầu như không quan tâm... vì họ không hiểu chuyện gì đang xảy ra. 
Đối với giới tài chính Mỹ, Hy Lạp đã gây ra một loạt biến động tạo điều kiện cho các hoạt động đầu cơ. Song, cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp gây ra ít lo ngại hơn nhiều so với sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán Thượng Hải.

Đối với giới chính trị Mỹ, cuộc khủng hoảng Hy Lạp là một phần của bản sắc châu Âu, cả về mặt văn hóa lẫn việc thiếu khả năng tổ chức. Họ cho rằng đó là một dấu hiệu của sự yếu kém và bất lực, và điều đó lại bất ngờ mang lại lợi ích cho họ. Việc châu Âu không có khả năng quản trị hóa ra lại là một điều tốt đối với họ. 
Thái độ thờ ơ của người Mỹ không có gì đáng ngạc nhiên. 90% người Mỹ chưa bao giờ rời khỏi đất nước của họ và họ cho rằng châu Âu được tổ chức gần giống như Mỹ... song dĩ nhiên là kém hiệu quả hơn nhiều. Người dân Mỹ cho rằng các nước châu Âu tồn tại với tư cách là những chủ thể bảo vệ các công trình lịch sử. Theo họ, những nước này thuộc về cùng một không gian chính trị duy nhất, nhưng dường như được tổ chức rất kém. Châu Âu có một đồng tiền duy nhất, nhưng sẽ không bao giờ tạo được lòng tin như đồng USD. Điều này không sai.

Nhìn từ New York, cuộc khủng hoảng Hy Lạp chẳng khác gì một "cơn sốt cao" bộc lộ rõ việc thiếu năng lực tổ chức của EU. Từ một tháng qua, các thể chế tài chính quốc tế như IMF đã không bỏ lỡ việc công bố tất cả những con số làm giảm bớt mức độ nghiêm trọng của việc Hy Lạp vỡ nợ: với 10 triệu người dân, chiếm chưa đầy 2% GDP châu Âu và 0,5% GDP toàn cầu. Nhà kinh tế trưởng của IMF, ông Olivier Blanchard, nhận định: "Nền kinh tế Hy Lạp không có tác động cơ học nào đối với nền kinh tế của Eurozone, và còn ít gây tác động hơn đối với nền kinh tế toàn cầu". Tất cả các thể chế tài chính quốc tế đều rút ra kết luận rằng số phận của Hy Lạp sẽ không gây ra tác động nào đối với phần còn lại của châu Âu, dù Hy Lạp ở lại hay rời khỏi Eurozone".

Mức độ căng thẳng của các cuộc tranh luận chính trị ở các thủ đô chính của châu Âu dường như rất khó hiểu đối với người Mỹ. Họ biết rằng bà Merkel phải xử sự khéo léo với phe cánh hữu của bà và kêu gọi thực hiện chính sách khắc khổ, nhưng họ cũng biết rằng chính bà là "người có sổ séc, và sau cùng, cũng là người thanh toán hóa đơn". Để thanh toán được hóa đơn, bà cần có những két sắt đầy tiền, vì thế đòi hỏi tăng khả năng cạnh tranh, đầu óc tổ chức và áp dụng biện pháp khắc khổ. Tóm lại, đó là tất cả những gì người dân châu Âu chê trách ở bà Merkel.

Người Mỹ hiểu rõ rằng ông Francois Hollande đã phải xử sự khéo léo với cánh tả của ông, nhưng họ cũng hiểu rằng Pháp có cả núi nợ khó hoàn trả, và việc quản trị châu Âu giống như "một sân chơi", kéo dài 50 năm và sẽ còn kéo dài một thời gian nữa.

Khi một nước nhỏ như Hy Lạp tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để xem người dân Hy Lạp có chấp nhận tôn trọng quy định của liên minh mà họ là thành viên hay không, người Mỹ đã tự nhủ: "Tại sao lại không, sau tất cả những gì đã xảy ra?". Nhưng khi thấy người dân Hy Lạp từ chối quy định được đặt ra, người Mỹ đã hết sức ngạc nhiên.

Đằng sau sự ngạc nhiên có phần thích thú của đa số người dân Mỹ, đó là sự hài lòng hầu như không giấu giếm của giới lãnh đạo Mỹ. Lý do rất đơn giản: bất cứ điều gì làm suy yếu EU đều tốt cho Mỹ.

Mất đoàn kết chính trị làm suy yếu sự gắn kết và sự gắn bó chặt chẽ, do đó làm giảm sút lòng tin của thị trường vào đồng euro. Tuy nhiên, đồng euro là đồng tiền đứng thứ hai thế giới sau đồng USD.

Sự sa sút kinh tế của châu Âu, tầm quan trọng của mô hình xã hội ở châu Âu, cái giá phải trả để duy trì những nước nhỏ yếu kém, không tôn trọng những nguyên tắc chung, ngang bướng và "nhiều chuyện" trong EU đã làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các sản phẩm châu Âu và do vậy làm gia tăng năng lực cạnh tranh của Mỹ.

Việc thiếu ngân sách chung, chế độ thuế khóa và chế định về xã hội ở châu Âu đã cho phép người Mỹ tận dụng mọi cơ hội và, do vậy, thâm nhập vào các thị trường châu Âu mà không phải chịu bất cứ phí tổn nào.

Cuộc khủng hoảng Hy Lạp là một hiện tượng nhỏ bé so với nền kinh tế toàn cầu, nhưng người Mỹ cho rằng nó vẫn là dấu hiệu nổi bật nhất đánh dấu những yếu kém mang tính cơ cấu trong cách thức tổ chức của EU.

Bản thân giới lãnh đạo Mỹ cũng biết rằng Mỹ tạo được sức mạnh của họ nhờ vào sự hỗn loạn của thế giới và đặc biệt của châu Âu. Họ bình thản theo dõi "màn trình diễn" của châu Âu chừng nào "màn trình diễn" đó không ảnh hưởng đến họ./.

Theo Alantico

Thùy Anh (gt)