rising china.jpg

Tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Trung Đông, trong đó có cả Saudi Arabia và Ai Cập. Đây là hai nước có quan hệ truyền thống lâu đời với Trung Quốc ở khu vực này, nhưng đây cũng không phải là hai nước duy nhất mà ông Tập Cận Bình đến thăm. Chủ tịch Trung Quốc sẽ thăm Iran từ ngày 22- 23/1 và trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của Trung Quốc tới thăm nước này kể từ khi cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân tới đây vào năm 2002. Không phải ngẫu nhiên mà ông Tập Cận Bình lại tới Iran, sau một tuần Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) chính thức có hiệu lực. Ngày 16/1 vừa qua, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IEA) xác nhận Iran đã tuân thủ các điều khoản của Thỏa thuận Hạt nhân quốc tế bằng cách hạn chế chương trình hạt nhân của mình và đề nghị cộng đồng quốc tế rút lại các biện pháp trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã chúc mừng tất cả các bên "có bước tiến vững chắc trong các giải pháp chính trị và ngoại giao cho vấn đề hạt nhân của Iran" và không quên nhắc nhở thế giới rằng Trung Quốc "đóng vai trò xây dựng trong suốt quá trình đàm phán". JCPOA là một con dao hai lưỡi đối với quan hệ Trung Quốc- Iran. Nó mở rộng cánh cửa cho các mối quan hệ sâu sắc hơn mà Bắc Kinh không có nguy cơ phải đối mặt với các vấn đề rắc rối của dư luận quốc tế. Nhờ vậy, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng thỏa thuận này để theo đuổi mối quan hệ kinh tế và quân sự sâu sắc hơn với Tehran. Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất tìm cách xâm nhập vào các thị trường mới của Iran, có nghĩa là Bắc Kinh có thể sẽ mất vị trí đặc quyền do các công ty châu Âu cũng đang tăng cường để tham gia vào sân chơi này.

Chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình đến Iran sẽ khiến ông trở thành vị lãnh đạo đầu tiên trên thế giới đến thăm Tehran từ khi "Ngày Thực hiện" Thỏa thuận JCPOA có hiệu lực. Đó là một "thông điệp" nhắc nhở với Iran rằng Trung Quốc là một người bạn "chung thủy" trong lúc khó khăn khi nước này đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế và cũng là một tín hiệu gửi đến các nước còn lại trên thế giới rằng Trung Quốc đã sẵn sàng trong cuộc đua giành lợi ích từ các thỏa thuận với Iran. Nhà kinh tế học Iran, ông Saeed Laylaz đã nói với Hãng thông tấn Tân Hoa Xã (Trung Quốc) trong một cuộc phỏng vấn mới đây rằng, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình "sẽ giúp Trung Quốc duy trì vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Iran...", đồng thời Bắc Kinh cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các quốc gia châu Âu. Ông Laylaz cũng lập luận rằng tập trung dựa vào sức mạnh kinh tế của Trung Quốc khi Iran đang trong đà hồi phục sau các biện pháp trừng phạt sẽ rất có lợi cho nền kinh tế Iran thời gian tới và gọi đó là "giải pháp Trung Quốc cho nền kinh tế Iran". Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Iran, ông Pang Seng đã ca ngợi sự phát triển kinh tế và thương mại của Trung Quốc với Iran, với kim ngạch buôn bán đạt 50 tỷ USD trong năm 2014. Ông Pang cũng cho biết trong chuyến thăm Iran đầu tiên của ông Tập Cận Bình, hai bên sẽ ký hàng loạt thỏa thuận hợp tác về công nghiệp, dầu khí và đầu tư. Sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc sẽ giúp nâng quan hệ song phương lên một tầm cao mới và Iran là một trong những "đối tác rất quan trọng" trong chiến lược này. Theo Trung Quốc, chiến lược "Một vành đai, một con đường" nhằm mục đích tạo ra một mạng lưới kinh doanh và cơ sở hạ tầng kết nối giữa Trung Quốc với châu Âu và hướng tới các quốc gia khác bằng việc quá cảnh thông qua Iran.

Trung Quốc có thể phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt hơn tại Iran vào năm 2016, nhưng nước này cũng đã có một sự khởi đầu tương đối suôn sẻ tại các thị trường tiềm năng này. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ không thỏa mãn với thành quả đó mà sẽ tận dụng chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với một trong những nguồn cung dầu mỏ lớn nhất của Trung Quốc.

Theo: Why China's President Is Heading to Iran (The Diplomat)

Mỹ Anh (gt)