Trong vòng 6 tháng qua, lãnh thổ của Trung Quốc trên thực tế đã được mở rộng hơn với chiến dịch bồi lấp các bãi cạn, bãi đá và rạn san hô trên Biển Đông thành các đảo nhân tạo với diện tích tăng lên gấp nhiều lần. Các kỹ sư Trung Quốc, với sự hỗ trợ của các xà lan, cần trục và máy hút cát khổng lồ, đang hàng ngày mở rộng diện tích các bãi cạn và bãi đá ở Biển Đông mà nước này tuyên bố chủ quyền. Chiến dịch ráo riết xây dựng các cơ sở cảng và đường băng trên các đảo nhân tạo này vẫn đang diễn ra với tốc độ kinh ngạc, trước mắt là vì mục đích dân sự, nhưng cuối cùng sẽ sử dụng vào mục đích quân sự. Năm 2009, Trung Quốc nộp lên Liên hợp quốc tấm bản đồ có “đường đứt khúc 9 đoạn” bao trùm hơn 90% diện tích Biển Đông, nơi Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Singapore và Brunei đều có tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần. Bắc Kinh nói rằng cơ sở của yêu sách chủ quyền “đường đứt khúc 9 đoạn” là thuộc về các tấm bản đồ và các tuyên bố từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Trung Quốc một mặt khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của họ đối với quần đảo Trường Sa, mặt khác luôn tuyên bố vấn đề tranh chấp này cần được giải quyết thông qua tham vấn và thương thảo giữa các bên có tranh chấp trực tiếp, phản đối sự can thiệp của bên thứ ba.

Năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu chiến dịch bồi lấp để mở rộng các bãi đá, rạn san hô trên Biển Đông. Các bức ảnh vệ tinh của Mỹ cho thấy tiến trình xây dựng này diễn ra với tốc độ rất nhanh, với một số đảo nhân tạo đã hình thành, điển hình là trên bãi đá Fiery Cross Reef (Đá Chữ Thập) giờ đây đã xuất hiện một đường băng dài khoảng 3.000 mét, dài hơn 1/3 so với điều kiện hoạt động của phần lớn các loại máy bay. Ít nhất có hai địa điểm khác cũng đang trong quá trình mở rộng để xây dựng thành các đường băng cho máy bay.

Ngày 8/4, phát biểu trong một diễn đàn về hải quân ở Australia, Đô đốc Harry Harris Jr., Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cáo buộc Bắc Kinh đã và đang tiến hành chiến dịch cải tạo đất chưa từng có và đang tạo ra một “Vạn lý trường thành cát" trên Biển Đông. Viên Đô đốc đứng đầu lực lượng Mỹ trong khu vực này cho biết bằng việc bơm cát và bê tông lên các rạn san hô và bãi đá ngầm, Trung Quốc đã tạo ra một đảo nhân tạo rộng hơn 4 km2. Theo ông Harris “điều thực sự gây nhiều lo ngại ngay trước mắt là hoạt động cải tạo đất chưa từng có mà Bắc Kinh đang làm", nhưng “mối lo chính của quân đội Mỹ cùng các nước khác trong khu vực là mục đích sử dụng bởi chúng có thể được dùng để xây dựng cơ sở quân sự, củng cố tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc” tại vùng biển có tầm quan trọng chiến lược này. Đô đốc Harris cho rằng cách thức mà Trung Quốc đang theo đuổi là dấu hiệu cho thấy khu vực Biển Đông “đang hướng tới đối đầu hay hợp tác”. Tiếp đó, ngày 15/4, phát biểu trong một cuộc điều trần tại Ủy ban Quân lực Hạ viện, Đô đốc Sammuel Locklear, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cũng cảnh báo về tốc độ Trung Quốc cải tạo các cấu trúc ở Biển Đông với mục đích “tăng cường ảnh hưởng tại khu vực có tranh chấp và điều động khí tài quân sự, thiết lập vùng nhận dạng phòng không”. Đô đốc Locklear cho biết Trung Quốc hiện đang tiến hành cải tạo đất và xây dựng tại ít nhất 8 nơi thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có việc xây dựng một đường băng ở bãi đá Chữ Thập. Theo Đô đốc Sammuel Locklear, các đảo nhân tạo đang được ráo riết xây dựng tại Biển Đông sẽ cho phép Trung Quốc có thể thiết lập các căn cứ tiền đồn, cơ sở hậu cần cho các đội tàu hải giám quy mô lớn và đang phát triển của nước này. Đô đốc Locklear cảnh báo Bắc Kinh thậm chí có thể triển khai các hệ thống tên lửa và radar làm nền tảng cho việc thiết lập một ADIZ trên Biển Đông, nếu muốn, giống như họ từng làm với vùng biển Hoa Đông có tranh chấp với Nhật Bản. Thượng nghị sỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, mô tả các động thái mà Trung Quốc đang hành xử ở Biển Đông là hung hăng, kêu gọi Chính quyền Barack Obama đưa thêm khí tài quân sự và tăng cường hợp tác với các nước châu Á để ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc. Ông McCain cho rằng việc Trung Quốc cải tạo đất, xây dựng các đường băng và có thể đưa thiết bị quân sự ra vùng biển quốc tế “sẽ là một mối đe dọa rõ ràng đối với khu vực mà kinh tế thế giới đã, đang và sẽ phụ thuộc trong tương lai". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phải lên tiếng cảnh báo rằng quy mô hoạt động cải tạo và xây dựng mà Trung Quốc đang thực hiện trên Biển Đông làm gia tăng lo ngại trong khu vực về ý định của Bắc Kinh thiết lập các tiền đồn và quân sự hóa vùng biển này, đe dọa tự do hàng hải và an ninh quốc gia của Mỹ trong khu vực.

Một trong những lý do thúc đẩy các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông là chiếm cứ vùng biển này để làm vùng đệm an ninh cho Đại lục, làm nơi an toàn cho các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo cũng như các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đặt tại các căn cứ ở Hải Nam. Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật “cắt lát salami”, nghĩa là tiến hành một loạt hành động nhỏ lẻ không đủ dẫn tới một cuộc xung đột lớn, thậm chí một cuộc chiến tranh. Với chiến thuật này, mỗi lát cắt lại tiến gần hơn tới mục tiêu cho tới khi miếng salami biến mất. Xét ở mọi góc độ, các hành vi hiện nay của Trung Quốc ở Biển Đông là không thể chấp nhận. Trung Quốc đang ở thế chủ động và sử dụng mọi hình thức chưa tới mức vũ lực để đạt tới cái mà họ muốn. Cách hành xử này đặt các nước láng giềng và các đối thủ cạnh tranh vào tình thế phải phản ứng như thế nào để không làm leo thang tình hình. Phản ứng là đương nhiên, cho dù làm leo thang căng thẳng. Nó phải được phối hợp giữa các nước láng giềng hữu quan và được hậu thuẫn bởi các cường quốc như Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Một tuyến trước thống nhất sẽ củng cố xương sống cho những quốc gia yếu hơn và làm cho Trung Quốc khó khăn hơn trong việc trả đũa từng nước đơn lẻ. Chiến dịch bồi lấp, xây dựng đảo của Bắc Kinh ở Biển Đông không đủ lý do để bắt đầu một cuộc chiến tranh, nhưng nó là một điển hình của thái độ ngày càng quyết đoán và ngạo mạn của một quốc gia đối với các nước khác mà nếu thành công, sẽ dẫn tới một thái độ hiếu chiến hơn nữa. Bắc Kinh cần phải biết rằng mọi hành động đơn phương đều dẫn tới các hậu quả, do vậy tốt hơn hết nên tuân thủ các luật lệ thay vì chà đạp lên các quy định.

Cũng trong ngày 20/4, tác giả Robert Williams, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc, Trường Luật Yale Law School của Mỹ, đăng bài viết cho rằng cộng đồng thế giới đã tốn nhiều giấy bút để gióng lên hồi chuông xung quanh quy mô và tốc độ bồi lấp gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông. Các quốc gia hữu quan đang bị áp lực để tìm ra các giải pháp cho vấn đề này. Chưa một ai nghiêm túc nói tới các biện pháp quân sự và các đòn trừng phạt kinh tế trong khi Trung Quốc liên tục bác bỏ lời cáo buộc họ đang ăn hiếp các nước láng giềng. Nỗ lực ngoại giao lâu dài mà Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) theo đuổi là thương lượng một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đã bị tổn thương do các bên tiếp tục không tuân thủ bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà họ đã nhất trí năm 2002. Kết quả dẫn tới là Trung Quốc đang đẩy nhanh chiến dịch bồi lấp, xây dựng các bãi đá, các rạn san hộ ở Trường Sa, nơi giờ đây đã xuất hiện các đường băng và các cơ sở khác tại những nơi có ít nhất 4 quốc gia có tuyên bố chủ quyền. Đối với Trung Quốc, việc xây dựng các đảo nhân tạo có lẽ là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm củng cố các yêu sách chủ quyền ở các vùng biển có tranh chấp với các nước láng giềng, một bước đi mà Lầu Năm Góc mô tả là “làm thay đổi các thực tế” của vùng biển này. Biển Đông là vùng biển có nguồn dầu khí lớn tiềm năng, cũng là nơi có nguồn hải sản phong phú. Lợi ích chiến lược của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên này được bổ sung và càng được thúc đẩy bởi sự mở rộng các khả năng của lực lượng hải quân. Nước Mỹ, quốc gia thường tuyên bố không đứng về một bên trong cuộc xung đột, có lợi ích trực tiếp và gián tiếp tại vùng biển này, trong đó có quyền tự do hàng hải. Các nỗ lực san phẳng sân chơi ở Biển Đông đã diễn ra với việc năm 2013 Phillipines bắt đầu vụ kiện bản đồ “đường đứt khúc 9 đoạn” ra Tòa án quốc tế. Việt Nam mới đây cũng tuyên bố ủng hộ lập trường của Philippines. Mặc dù cho tới nay Tòa án quốc tế chưa ra phán quyết chính thức về vụ kiện này, nhưng chiến lược của Manila sử dụng luật pháp quốc tế để thúc đẩy các lập luận của mình, thay vì thông qua thương lượng tay đôi với Trung Quốc, có thể mở ra một con đường ngăn chặn các hành động bồi lấp đảo gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông. Các hành động này của Bắc Kinh đang làm thay đổi hệ sinh thái của vùng biển này. Giống như tất cả các nước tham gia UNCLOS, Trung Quốc phải có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái biển của Biển Đông. Đây là cơ sở để Philippines hoặc một nước hữu quan nào đó có thể khởi kiện Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, sử dụng góc độ vi phạm các điều khoản bảo vệ môi trường của UNCLOS. Lời cáo buộc ngày 13/4 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phillipines rằng việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông đang phá hủy hệ sinh thái của vùng biển này và gây thiệt hại mỗi năm khoảng 100 triệu USD đối với các nước ven biển. Việc khởi kiện “đường đứt khúc 9 đoạn” của Trung Quốc ra Tòa án quốc tế có thể kéo dài nhiều năm trong lúc Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh các dự án xây dựng các đảo nhân tạo. Trung Quốc một mực khẳng định rằng hầu hết vùng Biển Đông trong phạm vi “đường 9 đoạn” là thuộc chủ quyền “không thể tranh cãi của Trung Quốc”. Theo dự kiến, Tòa án quốc tế sẽ ra phán quyết trong vòng 6 tháng nữa hoặc vào đầu năm tới. Tuy nhiên, Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện này, và có phần chắc sẽ không chấp nhận phán quyết của Toà án quốc tế. Theo các chuyên gia, có một thực tế là, nếu tìm kiếm được một phán quyết của tòa án về sự tổn hại đối với hệ sinh thái và môi trường thì có thể dẫn ngay tới việc Trung Quốc phải lập tức ngừng các hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo ở Biển Đông. Đưa ra tòa án quốc tế, sử dụng vấn đề môi trường là một hướng đi có thể ngăn chặn được chiến dịch xây lấp ồ ạt hiện nay của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngoài các hoạt động trên đây, có hai sự kiện cũng được quan tâm liên quan tới cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Thứ nhất là việc ngày 20/4 Mỹ và Philippines bắt đầu cuộc tập trận chung lớn nhất trong vòng 15 năm qua, đặt trọng tâm tăng cường khả năng sẵn sàng trong khu vực. Cuộc diễn tập Balikatan (Vai kề vai) thường niên 2015 kéo dài 10 ngày và lớn gấp đôi cuộc tập trận năm ngoái, với sự tham gia của 11.000 binh sĩ từ cả hai nước. Cuộc tập trận này nằm trong khuôn khổ nỗ lực của Chính quyền Barack Obama đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương trước đà bành trướng chủ quyền nhanh chóng của Trung Quốc ở Biển Đông. Sự kiện đáng chú ý thứ hai là báo “Japan Times” số ra ngày 20/4 dẫn các nguồn tin về các vấn đề Biển Đông cho biết Chính phủ Mỹ và Nhật Bản đang nghiên cứu khả năng thực hiện các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông, giữa lúc Trung Quốc đang ngày càng tăng cường hoạt động trong vùng biển này. Bài báo nói rằng mục tiêu của sáng kiến này là nhằm đảm bảo sự ổn định của các tuyến hàng hải thiết yếu cho thương mại quốc tế, và để buộc Trung Quốc phải tự kiềm chế trong các hành động có tính khiêu khích trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, trong cuộc họp báo chung ngày 8/4 tại Tokyo sau hội đàm, tuyên bố Tokyo và Washington phản đối mọi âm mưu thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông bằng vũ lực.

Theo "The Week

Thuỳ Anh (th)