(Bài viết của Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Philippines Erlinda F. Basilio )

Tôi chia sẻ bài viết này để thông báo với người dân Philippines tình hình thực tế của các cuộc thảo luận trong thời gian diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 vào ngày 9/7, tại Phnom Penh. Tôi đã có mặt trong các phiên thảo luận khác nhau. Tôi thấy mình có nghĩa vụ phải thông báo với tất cả người dân Philippines việc Đoàn Philippines đã nỗ lực ra sao để tìm kiếm sự ủng hộ của ASEAN đối với vấn đề Biển Tây Philippines, vấn đề không chỉ ảnh hưởng tới các thành viên ASEAN mà tới cả khu vực nói chung. Qua bài viết này, tôi hy vọng cung cấp một bức tranh thực tế từ góc nhìn của một người dân Philippines đối với Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, qua đó đính chính lại những ấn tượng u ám không có thật mà một số kẻ không tham dự các cuộc thảo luận đã tạo ra.

Việc không đưa ra được Tuyên bố chung sau Hội Nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 (AMM) ở Phnom Penh, Campuchia, đúng như dự đoán, đã tạo ra nhiều phản ứng và bình luận vì đây là việc chưa từng có tiền lệ trong 45 năm tồn tại của ASEAN.

Tuy nhiên, nhiều phản ứng/bình luận lại dựa trên những thông tin sai lệch. Do đó, cần phải đưa sự thực.

1. Giả định: ASEAN không đưa được Tuyên bố chung vì khối thất bại trong việc thống nhất về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC).

ASEAN chưa bao giờ ở trong tình trạng căng thẳng như hiện nay - và phần lớn các ý kiến chỉ trích đều dồn về phía Philippines.

Thực tế: ASEAN đã thống nhất trên những yếu tố chính của Bản Dự thảo COC để đem ra thảo luận với Trung Quốc. Đoàn Philippines đã thành công trong việc góp phần đưa ra những yếu tố chính trong COC.

Sự căng thẳng trong ASEAN không thể bị quy lỗi cho Philippines mà do thất bại của Chủ tọa trong việc tìm kiếm đồng thuận.

Trong khuôn khổ ASEAN, hành động cương quyết của Philippines là cần thiết vì phải ưu tiên cho lợi ích quốc gia.

2. Giả định: Bộ trưởng Ngoại giao Philippines đã tố cáo sự “đe dọa” và “lá mặt lá trái” của Trung Quốc trên Biển Đông, tạo nên căng thẳng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao trong khi Hội nghị nhóm họp là nhằm làm dịu căng thẳng.

Thực tế: Việc “gây căng thẳng” bị mọi người có mặt tại Hội nghị quy cho thất bại của ASEAN trong việc đưa ra Tuyên bố chung, do thái độ cứng rắn của Chủ tọa không phản ánh những diễn biến gần đây trên Biển Đông bất chấp quan điểm của đa số các nước thành viên cho rằng những diễn biến này có tác động đến an ninh chung của khu vực.

Dẫn chứng cho nhận định Trung Quốc “đe dọa và lá mặt lá trái” là việc thực hiện thỏa thuận giữa Philippines với Trung Quốc hướng đến rút tất cả các tàu ra khỏi bãi cạn, mà chúng tôi đã thiện chí cam kết vào ngày 4/6. Mặc dù quốc gia láng giềng còn đồng ý di dời chướng ngại vật khỏi lối vào bãi cạn, song cho tới ngày hôm nay, quốc gia này vẫn chưa thực thi những nghĩa vụ đã cam kết và tiếp tục cho tàu neo đậu bên trong và bên ngoài bãi cạn, cũng như những chướng ngại vật, nhằm thiết lập quyền kiểm soát thực tế và quyền tài phán đối với bãi cạn và vùng nước lân cận.

3. Giả định: Philippines “đơn phương làm gia tăng căng thẳng đối với vấn đề các đảo và bãi cạn đang tranh chấp - sau đó kêu gọi cả cộng đồng ASEAN đứng lên đối đầu”.

Thực tế: Philippines đã tiếp cận vấn đề một cách kiên nhẫn và chịu đựng khi nỗ lực sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình nhằm giải quyết vấn đề phù hợp với luật pháp. Tuy nhiên, quốc gia láng giềng đã quyết định làm gia tăng căng thẳng, dẫn đến việc triển khai nhiều tàu, có thời điểm lên đến 96 chiếc, so với một tàu của Philippines. Philippines không thể mãi im lặng trước các hành động xâm phạm lãnh thổ trơ tráo và hành vi hăm dọa của một cường quốc.

4. Giả định: “Các cuộc tham vấn thận trọng và kín đáo với các đối tác khu vực không có ảnh hưởng tới các tuyên bố công khai của Philippines”.

Thực tế: Ngay từ năm 2010, Philippines đã tiến hành các cuộc tham vấn song phương với các đối tác ASEAN đối với vấn đề tranh cãi về tuyên bố chủ quyền ở Biển Tây Philippines. Năm 2011, Philippines đề xuất một khuôn khổ giải quyết tranh chấp trong diễn đàn ASEAN. Quá trình tham vấn này đã dẫn đến việc ASEAN quyết định chuyển đề xuất của Philippines cho các chuyên gia luật pháp hàng hải nghiên cứu.

5. Giả định: “Theo quan điểm của một số nước láng giềng, Philippines đã không kiên nhẫn khi xây dựng đồng thuận, điều thiết yếu đối với ASEAN, nhằm đạt được một quan điểm chung và rõ ràng về vấn đề tranh chấp lãnh thổ phức tạp”.

Thực tế: Hết sức lưu tâm đến quá trình ra quyết định dựa trên sự đồng thuận của ASEAN, Philippines đã tiến hành tham vấn liên tục với các đối tác ASEAN để đưa ra Bản Dự thảo của các quan chức cấp cao ASEAN về “Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đối với tình tình trên bãi cạn Scarborough” vào ngày 24/5. Ngày 25/5, BTNG del Rosario cho biết Chủ tọa ASEAN yêu cầu rằng Tuyên bố như thế cần phải được chuyển cho các Bộ trưởng Ngoại giao xem xét. Một số Bộ trưởng Ngoại giao đã xác nhận có một Tuyên bố như thế. Đặc biệt, có một Bộ trưởng Ngoại giao, trong bức thư ngày 1/6 gửi Chủ tọa ASEAN, nhấn mạnh “ASEAN cần phải ra một tuyên bố kịp thời của các Bộ trưởng Ngoại giao (về vấn đề đã nêu) như là nỗ lực chung của chúng ta góp phần duy trì môi trường có lợi trong khu vực, cũng là vì lợi ích của tất cả chúng ta”.

Tại Hội Nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45, Bộ trưởng del Rosario đã thảo luận về tình hình tại bãi cạn Scarborough. Nội dung các điều khoản/tiểu đề của Bản Tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông đã được các Bộ trưởng Ngoại giao dự thảo và nhiều lần duyệt xét được đưa ra, làm sao để nội dung Bản Tuyên bố có thể chấp nhận được đối với tất cả các nước thành viên.

Tuy nhiên, Chủ tọa Campuchia kiên quyết bác bỏ bất cứ phần nội dung được kiến nghị nào có nhắc đến bãi cạn Scarborough. Trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Singapore, BTNG Singapore K. Shanmugan cho biết uy tín của ASEAN đã bị hoen ố khi mà “khối không thể giải quyết được vấn đề trong khu vực và không có ý kiến gì về vấn đề này”. Ông cho biết thêm: “Không cần phải giấu giếm chuyện này. Đã có đồng thuận giữa đa số các nước thành viên. Vai trò của Chủ tọa trong bối cảnh này là thúc đẩy sự đồng thuận hoàn toàn giữa tất cả các nước thành viên. Nhưng điều đó đã không xảy ra”.

6. Giả định: Quan điểm cứng rắn của Campuchia đối với Philippines trong ASEAN được các nước như Thái Lan, Malaysia, Singapore và Brunei âm thầm chia sẻ.

Thực tế: Như đã được giải thích trong điểm 5, quan điểm của Philippines được nhiều nước hậu thuẫn mạnh mẽ, bao gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Ngay cả Tổng Thư ký ASEAN cũng bày tỏ hậu thuẫn.

7. Giả định: “Khi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao không đưa ra được Tuyên bố chung, phía Philippines đã cay đắng tố cáo Campuchia làm theo mệnh lệnh của Trung Quốc”.

Thực tế: Philippines không tố cáo Campuchia làm theo mệnh lệnh của Trung Quốc, mà chọn cách giữ im lặng; trong các vấn đề khác thì Philippines lại không im lặng.

8. Giả định: “... chiến lược của chúng ta bị xáo trộn. Sau kết quả gây bối rối tại Hội nghị tại Phnom Penh, chúng ta chắc chắn không còn một lá bài ASEAN nào để chơi trong cuộc đối đầu chúng ta lựa chọn đối với Trung Quốc”.

Thực tế: Philippines có cách tiếp cận 3 kênh để tăng cường lợi ích của mình đối với vấn đề Biển Đông - chính trị, ngoại giao và luật pháp. ASEAN là một phần của kênh chính trị.

Philippines đã tranh thủ được sự ủng hộ của đa số các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN để đề cập đến bãi cạn Scarborough trong Bản Dự thảo Tuyên bố chung.

Trong tất cả các Hội nghị ASEAN và các diễn đàn khác, Philippines luôn chủ trương cách tiếp cận hòa bình và dựa trên luật pháp để giải quyết các tranh chấp lãnh hải, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) và lôi kéo Trung Quốc tiếp tục các cuộc đối thoại và tham vấn.

Philippines luôn kiên quyết trong cách tiếp cận 3 kênh chiến lược này.

9. Giả định: Đại sứ mới của Philippines tại Trung Quốc hăm họa rằng một trong những khó khăn mà bà phải đối phó trong nhiệm kỳ của mình là quan điểm của cấp trên, nhìn nhận Trung Quốc như kẻ thù.

Thực tế: Câu trích dẫn trên đây rõ ràng là sai lệch. Bộ Ngoại giao Philippines có nhiệm vụ phải tái khẳng định rằng Philippines đang tìm kiếm quan hệ tích cực với Trung Quốc như một người bạn và một đối tác, chương trình nghị sự song phương cần phải được theo đuổi trong khi tách các vấn đề gây tranh cãi để giải quyết một cách riêng biệt.

10. Giả định: Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, trong cơn phẫn nộ, đã bỏ rời cuộc họp.

Thực tế: Bộ trưởng del Rosario đã ở lại cho đến khi kết thúc cuộc họp và kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia của Philippines.

Thực ra, ngay cả khi micro của ông bị tắt ngay khi ông bắt đầu nói về vấn đề bãi cạn Scarborough, Bộ trưởng vẫn mạnh mẽ tuyên bố quan điểm của Philippines và đưa ra những bình luận của mình./.

Theo Inquirer (ngày 19/7)

Mỹ Anh (gt)