Trong bối cảnh Mỹ đăng tăng cường hiện diên ở Châu Á – Thái Bình Dương thì khả năng bá chủ của Trung Quốc ở châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á là mối lo ngại chủ yếu của Mỹ. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa hai quốc gia không bảo đảm một mối quan hệ cộng sinh, trong khi các mâu thuẫn lợi ích ở Đông Nam Á đã tạo ra các vấn đề trong quan hệ hai nước.

Về mặt địa lý, có 3 vòng cung bao vây đe dọa Trung Quốc: (i) vòng cung Nhật - Hàn - Diego Garcia; (ii) vòng cung Guam - Australia; (iii) vòng cung Hawaii - Midway – đảo Aleutian - Alaska.

Ưu tiên của TQ là phá thế ngăn chặn địa lý này. Các lựa chọn mà TQ quan tâm là: (i) đi qua cảng Rajin của Bắc Triều Tiên, (ii) phát triển căn cứ quân sự ở đảo Hải Nam; (iii) củng cố cơ sở hạ tầng ở Hoàng Sa; (iv) triển khai các tàu giám sát tới Trường Sa để hỗ trợ tàu đánh cá; (v) tiếp tục con đường thống nhất Đài Loan. Sách trắng quốc phòng Trung Quốc 2008 nói rõ: bước đầu tiên, Trung Quốc sẽ triển khai hải quân hiện đại có khả năng can thiệp vào chuỗi đảo thứ nhất (Nhật – Đài Loan – Philippin); đến 2020, Trung Quốc phát triển sức mạnh hàng hải khu vực có thể vươn tới chuỗi đảo thứ hai. Đến 2040, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc toàn cầu.

Chiến lược nêu trên của Trung Quốc đe dọa sự thống trị của Mỹ ở Thái Bình Dương, hạn chế không gian hành động của Mỹ. Để giải quyết mối lo ngại trên, Mỹ đang củng cố thế đứng chiến lược tại Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Thái Bình Dương. Cụ thể:

- Ở Đông Bắc Á, Mỹ điều chỉnh quan hệ đồng minh truyền thống với Nhật, Hàn, Australia, Philippin, Thái Lan cho phù hợp với tình hình mới.

- Ở Đông Nam Á: Mỹ tăng cường can dự với ASEAN, vừa đa phương, vừa song phương với các nước thành viên nhằm giúp củng cố dự hiện diện quân sự của Mỹ, qua đó giúp Mỹ kiểm soát khu vực chung và dải đất bao quanh châu Á ở phía Nam. Các nước ASEAN vì vậy dễ hoán đổi từ vòng ảnh hưởng của nước này sang nước khác. ASEAN giống như con thiên nga trên hồ với gấu và sói ở hai bên có thể vồ lấy nếu thiên nga bơi tới gần.

- Ở Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ: Australia là hòn đá tảng của chính sách an ninh Mỹ ở Nam Á và Mỹ tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ.

Chính sách của Mỹ ở Thái Bình Dương sẽ tiếp tục dựa trên tiền đề của nhà địa chính trị Alfred Thayer Mahan: có các căn cứ hoạt động ở tiền phương, đặt các cơ sở (assets) quanh các điểm nghẽn và các tuyến hàng hải; triển khai sự hiện diện của hải quân ở khắp các biển, duy trì khả năng can dự ở các vị trí địa chính trị then chốt. Thực tế, Mỹ đã triển khai các tam giác chiến lược, trong đó Guam sẽ là trung tâm chủ yếu, như các tam giác Guam - Nhật - Hàn, Guam - Darwin - Trân Châu Cảng; Guam – Đài Loan -  Nhật… Thông qua các quan hệ ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á, Mỹ tìm cách đa dạng sự hiện diện và kiểm soát tốt hơn các khu vực và các tuyến hàng hải.

Tóm lại, Mỹ vẫn là cường quốc Thái Bình Dương, dựa trên không chỉ các cơ sở và nguồn lực hiện tại của Mỹ mà còn dựa trên thỏa thuận khu vực và song phương để bảo vệ các lợi ích của mình trong khi duy trì sự linh hoạt chiến lược và triển khai sức mạnh qua các căn cứ triển khai thành mạng lưới giống như lá cây súng. Hiện nay Mỹ đang có kế hoạch tăng cường khả năng thông qua các “căn cứ nổi” để sẵn sàng khi đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra. Mô hình 3 vòng cung và các tam giác sẽ bảo đảm sự linh hoạt và cho Mỹ các sự lựa chọn quân sự và giảm mức độ rủi ro khi đối phó với chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc. Thực tiễn chính trị mới đòi hỏi Mỹ không chỉ nghĩ đến lợi ích của Mỹ mà của cả các đồng minh.  

Theo Parameters

Văn Cường (gt)