Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đã tập trung vào việc làm sâu rộng các quan hệ kinh tế và thương mại của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á và nói rộng hơn là với vành đai Thái Bình Dương, cũng như tạo đà cho vòng ảnh hưởng chiến lược và ngoại giao mới sau các chuyến công du trước đó của ông tới Nga, châu Phi, châu Mỹ và Trung Á.

Trong chặng dừng chân đầu tiên của chuyến công du tại Indonesia, quốc gia lớn nhất và đông dân nhất thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông Tập Cận Bình trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên phát biểu tại Hạ viện Indonesia (Hội đồng đại diện nhân dân). Sự đối xử đặc biệt này đối với ông Tập Cận Bình tại Indonesia phản ánh cả tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-Indonesia lẫn vị thế của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Indonesia, với kim ngạch hai chiều trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt hơn 33,84 tỷ USD và đầu tư đạt gần 2,2 tỷ USD. Hai bên đã ký một loạt thỏa thuận trị giá hơn 30 tỷ USD. Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Lưu Kiến Siêu đã ca ngợi rằng quan hệ song phương đã được nâng lên một tầm cao mới.

Malaysia, quốc gia ASEAN đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, là điểm dừng chân thứ hai trong chuyến công du của ông Tập Cận Bình. Malaysia cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Malaysia và Trung Quốc đã quyết định nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược của họ trở nên toàn diện hơn, đòi hỏi cả hai bên phải làm sâu rộng sự hợp tác về lâu dài.
Sự xuất hiện của ông Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh APEC đã được hoan nghênh nồng nhiệt và ông là nguyên thủ đầu tiên phát biểu tại hội nghị. Vì Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc đang có ảnh hưởng lớn đối với các thị trường đang trỗi dậy và các nước kém phát triển; một số chuyên gia về Trung Quốc còn quan ngại về khả năng kinh tế Trung Quốc có thể "hạ cánh cứng" trong tương lai. Báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2013 xuống còn 7,5% và năm 2014 là 7,7%. 

Tại Hội nghị cấp cao APEC, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố quan điểm của ông về triển vọng kinh tế Trung Quốc, thẳng thừng vạch ra những khó khăn và rủi ro của những điều chỉnh và chuyển đổi cơ cấu. Nhưng ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh rằng mức tăng trưởng 7% năm là đủ để đạt được mục tiêu chiến lược là tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Trung Quốc vào năm 2020. Ông Tập Cận Bình cũng nhắc lại rằng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc dự kiến vượt 10.000 tỷ USD và nước này có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài 500 tỷ USD trong 5 năm tới, ngầm ám chỉ rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang có những cơ hội được lợi lớn từ sự tăng trưởng tương lai của Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình cũng nói rằng Trung Quốc đang đóng góp hơn 50% tăng trưởng của châu Á. Bài phát biểu của ông là rất thẳng thắn, hợp lý và thuyết phục. Thêm vào đó, bài phát biểu này giúp tăng cường lòng tin của các nước láng giềng vào triển vọng kinh tế của Trung Quốc, cũng như lòng tin toàn cầu vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại là một ưu tiên nữa của hội nghị cấp cao APEC. Với việc Trung Quốc đang là quốc gia xuất khẩu số một thế giới, quốc gia nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 120 nước, hầu hết ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự mở cửa, tính bao trùm, minh bạch và linh hoạt trong bất kỳ thỏa thuận thương mại nào, nhưng cũng phản đối mạnh mẽ bảo hộ thương mại và đầu tư. Trung Quốc đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 20 quốc gia trong khu vực, và đang thương thuyết 6 FTA. 

Chỉ vài ngày sau sự ra mắt thành công của ông Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh APEC, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tham dự các hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc (10+1), hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc-Hàn Quốc-Nhật Bản (10+3) và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) trước các chuyến công du Brunei, Thái Lan và Việt Nam. Nếu 10 năm vừa qua của quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-ASEAN được miêu tả là thập kỷ vàng trong quan hệ song phương, thì ban lãnh đạo mới của Trung Quốc đang tìm cách tạo nên một thập kỷ kim cương trong những năm tới. 

Theo mạng tin chinausfocus.com 

Thùy Anh (gt)