Vào thời điểm đỉnh cao hồi đầu tháng 6, chỉ số của thị trường chứng khoán Thượng Hải đã tăng tới 150% so với thời điểm cuối năm 2014. Sau khi tụt dốc mất 30% trong vòng vài tuần, các biện pháp hỗ trợ mà chính phủ đưa ra đã giúp bình ổn được thị trường. Tuy nhiên, tới ngày 27/7, việc "bán lúa non" cổ phiếu lại xuất hiện, và chỉ số của thị trường Thượng Hải giảm 8,5% - mức giảm lớn nhất trong ngày kể từ tháng 2/2007 tới nay. Vậy việc "bán lúa non" cổ phiếu có ý nghĩa như thế nào đối với kinh tế Trung Quốc và các nước khác?

Người dân Trung Quốc lo ngại như thế nào? Chủ đề phổ biến ở các quán nước chè chủ yếu xoay quanh câu chuyện về giá cổ phiếu, song chỉ một phần nhỏ người dân Trung Quốc bị ảnh hưởng trực tiếp. Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã thu hút hàng triệu nhà đầu tư mới tập sự kéo nhau tới thị trường. Tuy nhiên, dù có thêm nhiều người mới, thì theo một cuộc khảo sát do Trường Đại học Tài chính Tây Nam tiến hành, tỷ lệ số hộ gia đình tham gia vào thị trường mới chỉ ở mức 8,8% trong quý II năm nay. Con số này thấp hơn so với con số trên 1/3 hộ gia đình ở Mỹ hay các nước phương Tây khác nắm giữ các cổ phiếu.

Ai được và ai mất? Người được bao gồm các công ty nhỏ thuộc các lĩnh vực công nghệ, công nghiệp ô tô và các ngành khác, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nhờ sự tăng vọt về giá ngay từ sớm và càng hưởng lợi khi có nhiều nhà đầu cơ lao vào. Công ty TNHH Công nghiệp Thông tin Sugon, nhà sản xuất thiết bị máy tính, thu được nhiều lợi nhuận nhất trên thị trường Thượng Hải khi giá cổ phiếu công ty tăng tới 270% từ ngày 1/11/2014 đến nay. Đứng vị trí thứ 2 là Công ty Nội thất Ue, chuyên sản xuất ghế văn phòng công nghệ cao, với mức tăng 240%. Các công ty xây dựng của Nhà nước cũng thành đạt sau khi Bắc Kinh công bố những sáng kiến mở rộng liên kết thương mại với các nền kinh tế châu Á láng giềng - những kế hoạch dự đoán sẽ dẫn tới việc chi hàng tỷ đôla vào xây dựng hạ tầng. Những người được lợi khác bao gồm các công ty chứng khoán, nhận được rất nhiều tiền từ phí giao dịch và lợi nhuận từ các khoản cho vay để mua cổ phiếu. Giá chứng khoán tăng nhiều nên những thiệt hại do sụt giảm là không đáng kể. Trong số những người bị thiệt hại lớn nhất có Công ty Điện tử Trung Quốc Hải ngoại Xiamen, chuyên sản xuất máy truyền hình, với mức giảm 27%.

Liệu sự chao đảo của thị trường có dẫn tới sự sụp đổ nền kinh tế Trung Quốc? Thị trường chứng khoán Trung Quốc thực tế có ít sự kết nối trực tiếp với kinh tế. Kể từ khi mở cửa giao dịch năm 1990, hai thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến của đại lục chủ yếu gom tiền cho các công ty nhà nước. Các nhà điều hành đã nới lỏng sự tiếp cận cho các công ty tư nhân song việc giao dịch vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước. Các nhà đầu tư phản ứng trước những thay đổi về quy định và nguồn cung tín dụng cho giao dịch tài chính nhiều hơn là các nguyên tắc kinh tế cơ bản. Điều đó có nghĩa là giá cổ phiếu chuyển động theo hướng ngược lại với hiệu quả kinh tế. Sự gia tăng bùng nổ trong năm qua diễn ra khi các chỉ số sản xuất và kinh tế khác giảm xuống.

Chính phủ can thiệp như thế nào? Bắc Kinh đã đưa ra một hàng rào các biện pháp ngăn chặn sự sụt giảm. Các biện pháp này bao gồm sự đe dọa xử lý những ai "bán lúa non", hoãn phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu và cấm các cổ đông đông chính bán cổ phần của mình trong vòng 6 tháng. Chính phủ đã ủy thác quỹ lương hưu chính dành cho công nhân viên chức của mình để đầu tư tới 30% tài sản vào chứng khoản, tương đương 900 tỷ nhân dân tệ (145 tỷ đôla Mỹ). Các công ty môi giới trong lĩnh vực chứng khoán do nhà nước chi phối đã tăng ngân quỹ mua cổ phần của mình lên 260 tỷ nhân dân tệ (42 tỷ đôla Mỹ). Công ty TNHH Đầu tư Huijin, một đơn vị thuộc quỹ đầu tư quốc gia có vốn 750 tỷ đôla Mỹ, cho biết công ty sẽ không bán bất cứ cổ phiếu Trung Quốc nào.

Liệu có ảnh hưởng tới các nước khác? Trung Quốc giữ các thị trường tài chính của mình khá tách biệt khỏi dòng vốn toàn cầu. Tuy nhiên, do quy mô của nền kinh tế Trung Quốc, các nhà giao dịch nước ngoài theo dõi sát sao thị trường Trung Quốc và phản ứng trước những biến động mạnh. Từ năm 2002, Bắc Kinh đã cho phép nhiều nhà quản lý quỹ nước ngoài được mua cổ phiếu Trung Quốc theo các quy định hạn chế việc giao dịch ngắn hạn. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài tăng lên sau khi một chương trình cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu đại lục thông qua các nhà môi giới Hong Kong được khởi động vào ngày 17/11/2014. Chương trình Kết nối Chứng khoán Thượng Hải-Hong Kong hạn chế người nước ngoài chỉ được mua 568 cổ phiếu "blue chip" trên thị trường Thượng Hải, tức là khoảng 1/2 số công ty giao dịch. Những hạn chế này có nghĩa là tiền không thể chảy nhanh vào hay ra khỏi thị trường Trung Quốc. Song sự chao đảo của giá cổ phiếu Trung Quốc đã gây ra việc "bán lúa non" ở các thị trường nước ngoài.

Nền kinh tế Trung Quốc sẽ mất gì? Trung Quốc chỉ được chút ít "lợi lộc" khi thị trường đi lên, nên theo giới phân tích, tác động của việc đi xuống cũng sẽ hạn chế. Các cổ đông bán trước khi giá lên đỉnh đã kiếm được lợi nhuận "trời cho". Tuy nhiên, sự đi lên quá ngắn để có thể khuyến khích việc chi tiêu dùng vào thời điểm tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Tác động đáng chú ý là: Gia tăng doanh thu đối với các công ty chứng khoán lớn tới mức nó giúp bù đắp sự yếu kém trong các ngành khác và duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao bất ngờ là 7% trong quý II. Các nhà môi giới được lệnh xiết chặt kiểm soát đối với việc cho vay cho giao dịch tài chính, nhằm hạn chế tác động tài chính đối với ngành tài chính của nhà nước trong trường hợp các nhà giao dịch không thể trả nợ.

Chuyên gia Evans-Pritchard thuộc Công ty Capital Economics nói: "Với một tỷ lệ nhỏ các hộ gia đình tham gia thị trường chứng khoán, chúng tôi không phải quan ngại gì. Do thị trường không gây nên bất cứ cú huých nào đáng kể cho chi tiêu khi đi lên nên không có lý do gì phải nghĩ là nó ngáng trở khi đi xuống".

Theo “AP

Hương Trà (gt)