Tập đoàn Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã hoàn thành việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt từ Mianma tới Trung Quốc vào ngày 28/5 và sắp hoàn thành việc xây dựng một đường ống dẫn dầu. Đường ống vừa được hoàn thành sẽ bắt đầu vận chuyển khí đốt từ bờ biển phía Tây Mianma, bên Vịnh Bengal tới Côn Minh (thủ phủ của tỉnh Vân Nam) từ ngày 1/7 tới, trong khi đường ống dẫn dầu sẽ vận chuyển dầu thô của Trung Quốc mua từ vùng Vịnh Pécxích và châu Phi, khi đường ống này được hoàn thành vào cuối năm nay.

Đường ống dẫn dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình địa chính trị trong khu vực và tạo ra một yếu tố chủ chốt trong tính toán chiến lược của các cường quốc lớn. Những đường ống này cũng là các dấu hiệu đầu tiên của việc Trung Quốc đang thực hiện mở cửa các tỉnh Tây Nam của họ với Ấn Độ Dương. Trung Quốc đang tiến gần hơn đến việc thiết lập một "chiến lược hai đại dương", giành quyền kiểm soát hàng hải tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Những đường ống này đang được hoàn thành vào thời điểm mà an ninh năng lượng đang ngày càng chi phối tình hình địa chính trị trong khu vực và đường ống dẫn dầu này sẽ cho phép 1/3 lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc có thể tránh được Eo biển Malắcca. Bắc Kinh đang coi Eo biển hẹp này là một tuyến đường biển do Mỹ kiểm soát và cho rằng sự phụ thuộc vào Eo biển Malắcca trong việc nhập khẩu các nguồn tài nguyên đang khiến Trung Quốc dễ tổn thương trước một cuộc xung đột. Hiện nay, khoảng 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua Eo biển này.

Vị trí của các đường ống dẫn dầu khí trên là quan trọng vì những lý do khác. Mianma đang trở thành một tiêu điểm để các cường quốc lớn cạnh tranh giành ảnh hưởng. Những thay đổi gần đây tại quốc gia Đông Nam Á này đang tạo ra những thách thức đối với Bắc Kinh, buộc họ phải đối diện với một "Mianma mới", và phải điều chỉnh lại chính sách để chống lại ảnh hưởng của Mỹ và Nhật Bản ở Mianma.

Trung Quốc đang phát triển các mối quan hệ chính trị, kinh tế và quân sự mạnh mẽ đối với tất cả các nước ven Vịnh Bengal, chủ yếu là để đảm bảo đường tiếp cận năng lượng từ Trung Đông và châu Phi. Trong số tất cả những nước này, Mianma là quan trọng nhất đối với các tham vọng chiến lược của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. Trong khi Trung Quốc chính thức hoan nghênh sự tái hội nhập của Mianma đối với cộng đồng quốc tế, họ cũng mong muốn đảm bảo những lợi ích chiến lược lâu dài.

Bắc Kinh xem xét việc xây dựng các đường ống dẫn năng lượng này trong bối cảnh những tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Các đường ống dẫn dầu Mianma-Trung Quốc đang tạo cho Bắc Kinh cơ hội tiến vào Ấn Độ Dương và tạo một động lực mới cho cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á.

Tuy nhiên, Bắc Kinh không còn "đơn độc" tại Mianma. Chuyến thăm Mỹ hồi tháng 5 vừa qua của Tổng thống Mianma Thein Sein diễn ra chỉ 6 tháng sau chuyến thăm Mianma lịch sử của Tổng thống Barack Obama. Sự tăng cường trao đổi các chuyến thăm cấp cao cho thấy Mỹ ngày càng quan tâm đến Mianma, một nhân tố mà Mỹ coi là hữu ích cho chiến lược "trở lại châu Á" của Mỹ. Các học giả Trung Quốc đang coi việc lập lại quan hệ hữu nghị Mianma-Mỹ là một phần nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Nhật Bản cũng đang khôi phục các dự án ở Mianma. Trong chuyến thăm Mianma hồi tháng 5 vừa qua của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tôkiô đã đề xuất các khoản vay mới trị giá 500 triệu USD và xóa số nợ trị giá 1,74 tỷ USD mà Mianma đang nợ Nhật Bản. Theo "Thời báo Nhật Bản", một trong những mục tiêu của Nhật Bản với Mianma là nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Mianma.

Các đường ống dẫn dầu khí trên sẽ là tuyến đường thay thế để Bắc Kinh nhập khẩu các nguồn năng lượng. Điều này là quan trọng đối với Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ đang chiếm ưu thế về hải quân trong khu vực. Nhưng lợi thế chiến lược mà Bắc Kinh giành được từ các đường ống này về lâu dài còn phụ thuộc vào những diễn biến ở bên trong Mianma và các quan hệ của Trung Quốc với Mianma.

Tiến sĩ K. Yhome là nghiên cứu sinh Quỹ Nghiên cứu Observer Research Foundation, New Delhi. Bài viết được đăng lần đầu trên “Diễn đàn Đông Á”.

Văn Cường (gt)