20121217103410_Japan_ShinzoAbe.jpg

Một số nhà ngoại giao nước ngoài tại Bắc Kinh đã bày tỏ quan ngại về khả năng cầm quyền trọn đời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cảnh báo Bắc Kinh sẽ có cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với các nước châu Á nhỏ hơn để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Họ cho rằng hầu hết các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang có các quan hệ gần gũi với Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 2 châu Á sau Trung Quốc, nhưng các nước này có thể phải giữ khoảng cách với Tokyo để bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình trong 2 thập kỷ tới.

Ngày 20/3, kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc đã bế mạc, sau khi đặt ra nền tảng để đạt được mục tiêu của Tập là biến Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại vĩ đại vào giữa thế kỷ 21. Trước đó, ngày 11/3, Hiến pháp Trung Quốc đã được sửa đổi để hủy bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ đối với Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước Trung Quốc, mở đường cho việc ông Tập cầm quyền trọn đời. Hạn chế nhiệm kỳ được nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đưa vào Hiến pháp năm 1982, bởi vì Đặng muốn ngăn chặn việc lặp lại những hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa, kéo dài 10 năm (1966-1976). Tư tưởng chính trị của Tập cũng được đưa vào Điều lệ Đảng CS Trung Quốc, làm dấy lên quan ngại rằng sửa đổi Hiến pháp mới nhất báo trước sự quay lại sự độc tài cá nhân, chứ không phải độc tài của đảng tại Trung Quốc.

Truyền thông phương Tây lưu ý rằng mục tiêu tối thượng của Tập là quảng bá tư tưởng chính trị của ông ta ra toàn thế giới. Tuần trước, Newsweek đã viết: "Điều không còn nghi ngờ là Tập mong muốn tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc để chứng tỏ với thế giới rằng mô hình chính phủ Bắc Kinh là một thay thế giá trị so với mô hình chính phủ phương Tây. Tập tin rằng thế giới nên thích nghi, chứ không phải vòng tránh Trung Quốc."

Quả thực, trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp Quốc hội, ông Tập đã nhấn mạnh rằng Bắc Kinh "sẽ tiếp tục tích cực tham gia vào việc cải cách và xây dựng hệ thống quản trị toàn cấu", tỏ ý rằng ông muốn xây dựng một trật tự quốc tế do Bắc Kinh lãnh đạo. Theo tờ Global Times, Bắc Kinh mong muốn tư tưởng Tập Cận Bình lan ra khắp toàn cầu và chỉ trích những giá trị phương Tây dựa trên dân chủ và chủ nghĩa tư bản.

Việc Trung Quốc sẵn sàng một cách rõ rệt nhắm mở rộng ảnh hưởng trong khu vực đang khiến các nước láng giềng nhỏ hơn quan ngại. Một nhà ngoại giao ASEAN tại Bắc Kinh yêu cầu giấu tên nói: "Do Tập Cận Bình sẽ tiếp tục làm Chủ tịch trong 20 năm tới, làm thế nào để những nước nhỏ như chúng tôi có thể hành động chống lại Trung Quốc? Chúng tôi không thể khiến Trung Quốc phật lòng để bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình."

Giữa lúc có những quan ngại về quyết tâm ngày càng tăng của Trung Quốc tại các vùng biển gần nước này, Ngoại trưởng Vương Nghị đã duy trì một lập trường cứng rắn, nhắc đi nhắc lại quyết tâm của Trung Quốc "nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Trên mặt trận kinh tế, Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng các mạng lưới cơ sở hạ tầng của họ tại châu Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi nhằm đạt được mục tiêu gắn kết các quốc gia nằm dọc Con đường Tơ lụa cổ đại chặt chẽ hơn trong sáng kiến "Một vành đai, một con đường".

Trong một động thái rõ ràng phản đối dự án trên, mà một số nước phương Tây cho rằng sẽ giúp Trung Quốc tăng cường sự thống trị và ảnh hưởng của họ trên toàn thế giới, Nhật Bản đang có những nỗ lực nhằm thúc đẩy "chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dường tự do và mở cửa". Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố rằng chiến lược trên nhằm đảm bảo sự ổn định từ Đông Á tới châu Phi thông qua hợp tác với các nước có chung các giá trị như tự do lưu thông trên biển và pháp trị.

Một nhà ngoại giao từ một nước châu Á khác cho biết nhiều nước thành viên ASEAN tuyên bố ủng hộ kế hoạch của Abe, nhưng họ đang bắt đầu xem xét rằng liệu họ nên ủng hộ sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc hay "chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dường tự do và mở cửa" của Nhật Bản. Ông nói: "Chúng tôi sẽ không hoàn toàn hợp tác trong sáng kiến vành đai và con đường, nhưng khó để nói chúng tôi ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi tính đến Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng nhiều nước nhỏ trong khu vực có chung quan điểm này".

Còn Malcolm Cook, một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore nói: "Một số nước Đông Nam Á đã cúi đầu trước sức ép của Trung Quốc". Một số chuyên gia ngoại giao đang kêu gọi Thủ tướng Abe bắt đầu vạch ra một chính sách chiến lược nhằm gắn kết với ASEAN càng sớm càng tốt để ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh và bảo vệ các lợi ích của Nhật Bản trong khu vực.

Theo “Kyodo

Anh Thư (gt)