Mối quan hệ Trung Quốc-Iran đang tạo ra thách thức quan trọng cho các nỗ lực quốc tế nhằm cô lập Iran và ép các nhà lãnh đạo Têhêran từ bỏ chương trình hạt nhân. Trung Quốc tiếp tục phát triển các mối quan hệ chặt chẽ với Iran kể cả khi các loại vũ khí của Iran giết hại người Mỹ tại Irắc và Ápganixtan; Têhêran ủng hộ các hoạt động khủng bố của Hamas và Hezbollah đe dọa Ixraen và các máy li tâm của Têhêran tiếp tục làm giàu urani. Trung Quốc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Iran, duy trì quan hệ kinh tế rộng rãi và bảo vệ chế độ Iran ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tất cả những hành động đó đã góp phần vô hiệu hóa các chính sách của Mỹ đối với Iran . Mặc dù sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với chế độ Iran chắc chắn làm các nhà lãnh đạo Mỹ thất vọng, nhưng điều đó không ảnh hưởng mấy đến quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Trung Quốc dường như coi Iran như "một công cụ hữu ích để chống lại Mỹ". Đó là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Nền kinh tế cũng như các mục tiêu chính trị và chiến lược của Iran trong khu vực vẫn được củng cố. Trong khi đó, Bắc Kinh có thể sử dụng Têhêran để khiến Mỹ sa lầy trong khu vực và thể hiện khả năng của Bắc Kinh trong việc làm thất bại chính sách của Mỹ bên ngoài châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc không muốn đồng hành với Mỹ. Sử dụng Iran, Bắc Kinh có thể khẳng định sự lãnh đạo của mình. Mối quan hệ Trung Quốc-Iran gây khó khăn cho Mỹ không những vì mối quan hệ đó làm thất bại chính sách Iran của Oasinhtơn, mà còn vì thách thức Iran sẽ gây hậu quả cho uy tín và vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.

Nhiều lý do thực tế và tình cảm dẫn đến mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và Iran. Có xu hướng ngầm trong các mối liên hệ lịch sử quan hệ của hai nước, từ đó tạo cơ sở cho hai nước phát triển hơn nữa các mối quan hệ. Hai nước là quê hương của các nền văn minh lâu đời nhất trên thế giới: các nền văn minh đã kết nối thành một hình thái kể từ khi mở ra Con đường Tơ lụa trong thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Hai nước không những có lịch sử chung mà còn cùng là nạn nhân bị phương Tây "làm nhục" và "bị các nước lớn loại khỏi thể chế chính trị cường quốc khu vực hoặc toàn cầu". Câu chuyện của nạn nhân tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các tuyên bố của giới lãnh đạo mỗi nước và vì vậy tạo nên một quan điểm chung cho các mối quan hệ Trung Quốc-Iran. Trung Quốc và Iran luôn nghi ngờ Mỹ thống trị trật tự thế giới và hai nước này cùng nỗ lực thúc đẩy một thế giới đa cực để xóa bỏ ảnh hưởng của Mỹ. Trong chuyến thăm Iran năm 1991, Thủ tướng Lý Bằng tuyên bố trước các phương tiện truyền thông Iran: "Chúng tôi sẽ chống lại sự thống trị của Mỹ hoặc của một thiểu số đối với thế giới và chống lại việc tạo ra một trật tự mới của Mỹ trong các mối quan hệ quốc tế và chúng tôi nhất trí hoàn toàn với Iran về vấn đề này". Tháng 6/2009, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tái khẳng định quan điểm này, dù có vẻ nhẹ nhàng hơn: "Têhêran và Bắc Kinh nên giúp đỡ nhau để quản lý sự phát triển toàn cầu có lợi cho hai nước. Nói cách khác, hai nước là những nhân tố của các vấn đề quốc tế hiện nay sẽ thống trị thế giới". Về phần mình, các nhà lãnh đạo Iran bày tỏ những tình cảm tương tự. Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đề cập đến việc xây dựng một trật tự thế giới mới trên cơ sở nhiều cơ hội. Những năm gần đây, mục tiêu chiến lược chung này đã thúc đẩy Bắc Kinh và Têhêran nhanh chóng trở thành những người bạn thân thiết. Tất nhiên, mối quan hệ không chỉ đơn giản dựa trên những lời nói hoặc quan điểm giống nhau mà còn trên cơ sở đáp ứng các lợi ích thực dụng. Năm 2009, Trung Quốc nhập khẩu hơn 50% dầu lửa tiêu thụ trong nước. Iran trở thành một trong các nước cung cấp dầu lửa nước ngoài lớn nhất, chiếm 11% nhập khẩu dầu lửa của Trung Quốc năm 2009. Trung Quốc tăng cường quan hệ thương mại với Arập Xêút (hiện là nước cung cấp dầu lửa số một của Bắc Kinh) chẳng qua là đề phòng Iran mất ổn định hoặc cuộc khủng hoảng Trung Đông tập trung vào Iran . Mỹ có thể lo ngại về mối quan hệ đối tác năng lượng của Trung Quốc với Iran, bởi vì Mỹ coi Iran là một chế độ "không lương thiện", nhưng Bắc Kinh cho rằng họ không có lựa chọn nào khác. Bà Susan Shirk, cựu Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương, giải thích: Là người đến chậm trên các thị trường năng lượng quốc tế, Trung Quốc phát hiện ra rằng hầu hết nguồn khí đốt và dầu lửa ở các nước không còn nhiều nữa, bởi vì chúng đã nằm trong tay các công ty quốc gia của các nước sản xuất dầu lửa hoặc các công ty dầu lửa phương Tây. Vì vậy Trung Quốc buộc phải quay sang các nước đang bị Mỹ áp dụng các biện pháp cấm vận như Xuđăng và Iran . Trung Quốc đã bảo vệ các nước này bởi vì Trung Quốc rất lo ngại vấn đề an ninh năng lượng của họ. Lo sợ sự gián đoạn nguồn cung cấp dầu lửa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế và dẫn đến mất ổn định trong nước, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng họ cần kiểm soát các nguồn khí đốt và dầu lửa bằng cách mua cổ phần hoặc ký các hợp đồng cung cấp dài hạn ở các nước sản xuất dầu để bảo đảm nguồn cung cấp. Hơn nữa, nếu giữa Trung Quốc và Mỹ xảy ra một cuộc xung đột về vấn đề Đài Loan, thì chắc chắn Mỹ sẽ cắt đứt con đường tiếp cận nguồn dầu lửa của Trung Quốc. Do đó, một mối quan hệ chặt chẽ với Iran sẽ bảo đảm rằng Têhêran sẽ không ngừng vận chuyển dầu lửa của họ đến Trung Quốc. 

 

Trung Quốc chuyển giao các loại vũ khí cho Iran

 Trung Quốc bán các loại vũ khí cho Iran từ cuộc Chiến tranh Iran-Irắc (1980-1988). Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, từ năm 1980-1987, Trung Quốc bán cho Iran các loại vũ khí trị giá trên 3 tỷ USD. Sau đó khối lượng mua bán vũ khí giữa hai nước giảm khi cuộc chiến tranh kết thúc, nhưng trong thập kỷ 1990 lại tiếp tục tăng: Trung Quốc cung cấp cho Iran các loại vũ khí trị giá 400 triệu USD từ năm 1993-1996, và 600 triệu USD trong giai đoạn từ năm 1997-2000. Ngoài các loại vũ khí nhỏ, Bắc Kinh còn cung cấp cho Têhêran các loại pháo, tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm thấp chống tàu, tên lửa đất đối không, máy bay chiến đấu, xe tăng, xe thiết giáp chở quân và tàu tuần tiễu tấn công tốc độ cao. Từ năm 2000 đến nay, giá trị vũ khí chuyển giao cho Iran của Trung Quốc có thể giảm nhưng vẫn ở mức 100 triệu USD từ năm 2002-2005. Mặc dù Trung Quốc phủ nhận, nhưng việc mua bán các loại vũ khí chắc chắn tiếp tục tăng, bởi vì Iran đang cung cấp các loại vũ khí của Trung Quốc như súng trường bắn tỉa, tên lửa chống tàu, tên lửa phòng không HN-5 vác vai, tên lửa 107 mm, pháo cối 60mm và 82 mm, súng phóng lựu, pháo phòng không... cho các chiến binh và bọn khủng bố tại Irắc, Ápganixtan và Libăng. Theo yêu cầu của khách hàng Iran , Trung Quốc đồng ý xóa bỏ nhãn hiệu sản xuất trên các loại vũ khí. 

 

Hợp tác hạt nhân Trung Quốc-Iran

 Bên cạnh đó Trung Quốc cũng cung cấp cho Iran các loại hàng hóa lưỡng dụng và sự hiểu biết kỹ thuật để phát triển các công nghệ tên lửa và vũ khí hạt nhân. Hợp tác hạt nhân Trung Quốc-Iran bắt đầu từ thập kỷ 1980, khi đó Trung Quốc bắt đầu huấn luyện các nhân viên kỹ thuật hạt nhân Iran ở Trung Quốc theo một thoả thuận hạt nhân bí mật, giúp Iran xây dựng cơ sở nghiên cứu hạt nhân cơ bản tại Isfahan và đồng ý cung cấp cho Iran nhiều lò phản ứng hạt nhân. Sau đó Mỹ ép Trung Quốc không được cung cấp cho Iran một lò phản ứng nghiên cứu, các lò phản ứng hạt nhân được làm nguội bằng nước nén, và một nhà máy sản xuất chất flo 6 nguyên tử urani (UF6). Nhưng Iran có khả năng xây dựng nhà máy UF6 nhờ mua được các trang thiết bị từ Trung Quốc. Năm 2006, Iran tuyên bố đã làm giàu thành công urani nhờ sử dụng lò phản ứng và chất UF6 do Trung Quốc cung cấp. Dù ủng hộ hay không các biện pháp cấm vận, Trung Quốc vẫn tiếp tục vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu trong những năm gần đây, cung cấp cho Iran các công nghệ liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo, các loại vũ khí hoá học và hạt nhân. Mùa hè năm 2007, Trung Quốc cung cấp cho Iran các công nghệ quân sự nhạy cảm, trong đó có các danh mục hàng hóa lưỡng dụng nằm trong danh sách kiểm soát quốc tế. Tháng 1/2008, Iran cho biết có ý định mua các nguồn sử dụng lưỡng dụng liên quan đến sản xuất tên lửa từ Trung Quốc. Tháng 10/2010, các công ty Trung Quốc vi phạm các biện pháp cấm vận và bán cho Iran các công nghệ lưỡng dụng. Hiện nay hợp tác hạt nhân Trung Quốc-Iran dường như ít công khai hơn trước đây.

 

 Trung Quốc trong một cuộc xung đột có thể xảy ra giữa Mỹ và Iran

Têhêran tiếp tục nỗ lực để có một vũ khí hạt nhân và sự ổn định ở khu vực Trung Đông đang bị đe dọa vì loại vũ khí đó. Một cuộc tấn công Iran của Ixraen có thể gây nên cuộc xung đột không mong muốn và lúc đó Mỹ khó có thể đứng ngoài. Vị thế của Trung Quốc trong cuộc xung đột như vậy chưa rõ ràng. Bắc Kinh cung cấp các nguồn quan trọng cho Iran chủ yếu để chống lại ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Trường hợp xảy ra cuộc xung đột Mỹ-Iran, liệu Trung Quốc có tiếp tục hoặc tăng cường bán các loại vũ khí cho Iran ? Liệu Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có sử dụng các khả năng chiến tranh mạng và chiến tranh vũ trụ để ngăn chặn các hoạt động quân sự của Mỹ? Bắc Kinh có thể coi ảnh hưởng ngày càng tăng của Mỹ ở Trung Đông là trở ngại cho các lợi ích lâu dài của Trung Quốc, nhưng trong kịch bản này các lợi ích ngắn hạn lại rất quan trọng vì vừa phải bảo an ninh năng lượng vừa tránh cuộc xung đột quân sự với Mỹ. Mặc dù Bắc Kinh ủng hộ ngoại giao, nhưng sự giúp đỡ vật chất của PLA cho Iran khó có thể xảy ra. Hiện nay, gần 40% thương mại dầu lửa của thế giới đi qua eo biển Hormuz và năm 2003 khoảng 24% dầu lửa đi qua eo biển này đến châu Á. Năm 2009, Iran cung cấp cho Trung Quốc 11% tổng số dầu lửa nhập khẩu, quan trọng hơn các số liệu gần đây cho biết gần 1/3 lượng nhập khẩu dầu lửa của Trung Quốc đi quan eo biển Hormuz. Việc đóng cửa eo biển-có thể xẩy ra trong trường hợp xung đột Mỹ-Iran bùng nổ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Trung Quốc. Quan tâm chủ yếu của Trung Quốc là mở lại hoặc tiếp tục khai khai thông eo biển Hormuz và duy trì nguồn dầu lửa đi qua eo biển. Việc hỗ trợ vật chất cho Têhêran sẽ kéo dài cuộc chiến tranh và như vậy sẽ khiến việc nhập khẩu dầu lửa của Bắc Kinh bị ngưng trệ. Bắc Kinh sẽ không sẵn sàng chấp nhận một chính sách như vậy. Bắc Kinh cũng tìm cách tránh một cuộc đối đầu quân sự với Oasinhtơn. Mặc dù PLA đang tăng tường hiện đại hóa quân đội nhằm mục tiêu đánh bại quân đội Mỹ, nhưng Trung Quốc sẽ tìm cách tránh né xung đột vũ trang với Mỹ. Chính sách đó có thể tiếp tục được duy trì trong tương lai gần, bởi vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức rõ rằng đó là cuộc chiến tranh họ không thể giành thắng lợi. Khả năng đánh bại quân đội Mỹ của PLA ở trong và ngoài Vùng Vịnh là con số không. Sử dụng các loại vũ khí vũ trụ và vũ khí mạng chống các tài sản của Mỹ có thể hấp dẫn về chính trị, bởi vì chúng sẽ không trực tiếp gây thương vong cho quân đội Mỹ. Nhưng các cuộc tấn công mạng và vũ trụ nhằm ngăn chặn các chiến dịch quân sự của Mỹ hoặc đe dọa công dân Mỹ, chắc chắn bị coi là những hành động thù địch và khi đó Mỹ sẽ sử dụng các phương tiện sẵn có để phản ứng. Trong giai đoạn ngắn hạn, sự dính líu của Trung Quốc vào bất cứ cuộc xung đột tương lai nào giữa Mỹ và Iran là rất ít. Ngoài những lời kêu gọi chấm dứt sự thù địch của hai bên hoặc lên tiếng ủng hộ Iran mạnh mẽ, Bắc Kinh không thể giúp đỡ vật chất cho Iran . Tuy nhiên, về lâu dài không ai có thể bảo đảm điều đó. Trong hai thập kỷ tới, do PLA đạt được những tiến bộ về tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân tầm ngắn và tên lửa đạn đạo chống tàu, lực lượng hải quân, phòng thủ tên lửa quốc gia, sức mạnh trên không, phòng không, Trung Quốc có thể ngăn chặn được sự xâm lược của nước ngoài. Lúc đó, tin tưởng vào khả năng ngăn chặn mọi âm mưu xâm lược của Mỹ, Trung Quốc có thể sử dụng các khả năng vũ trụ và mạng để hỗ trợ Têhêran, từ đó gây khó khăn cho các kế hoạch quân sự của Mỹ. 
Quan hệ Trung Quốc-Iran, ngoài vấn đề dầu lửa

 Nếu trong giai đoạn ngắn hạn, Trung Quốc không đứng về bên nào trong một cuộc xung đột, tại sao hiện nay Bắc Kinh lại đẩy mạnh quan hệ với Têhêran mà không tăng cường hợp tác với Mỹ, châu Âu hay Ixraen? Tình hình chính trị quốc tế và quan điểm chiến lược của Trung Quốc chủ yếu là mối quan tâm kinh tế. Trước những năm 1800, Trung Quốc là cường quốc thống trị châu Á và tự coi mình là Vương quốc Trung tâm. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy việc Trung Quốc bị người châu Âu chia cắt, thất bại trong cuộc Chiến tranh Trung Quốc-Nhật Bản và sự bất lực trong thế kỷ 20 là một điều nhục nhã đối với Trung Quốc và họ tiếp tục coi sự thống trị ở châu Á là vấn đề tất yếu lịch sử. Mặc dù quan điểm đó không có gì mới, nhưng nó bắt đầu trỗi dậy trong hai thập kỷ qua. Trung Quốc đang tìm cách thay đổi cán cân sức mạnh ở châu Á và nỗ lực xóa bỏ sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Trung Quốc nhiều lần tìm cách thành lập các tổ chức Đông Á để loại bỏ Mỹ và các đối tác của Mỹ như Ấn Độ và Ôxtrâylia. Nói chung, Bắc Kinh tìm mọi cách để chia rẽ Mỹ và các nước đồng minh và bạn bè châu Á lâu đời của Mỹ. Quan trọng hơn, PLA tăng cường xây dựng lực lượng hơn 20 năm qua không những từ việc phát triển các học thuyết và công nghệ mạng cũng như vũ trụ mới mà từ việc còn hiện đại hóa các lực lượng thông thường. Lực lượng không quân PLA đang đẩy mạnh phát triển để có phi đội không quân lớn nhất trong khu vực trong 10 năm tới. Lực lượng hải quân PLA đang phát triển các khả năng trên biển, triển khai nhiều tàu ngầm mới và quyết tâm tăng thêm nhiều hàng không mẫu hạm. PLA cũng hiện đại hóa và phát triển lực lượng tên lửa hạt nhân và thông thường chiến lược. Rõ ràng, Trung Quốc đang phát triển các khả năng sức mạnh đáng kể để đối phó với các mối đe dọa bên ngoài, đặc biệt vũ khí vũ trụ và mạng của Trung Quốc nhằm tấn công điểm yếu của Mỹ. Mặc dù các kế hoạch chiến lược của Trung Quốc không được công bố công khai, nhưng bản chất xây dựng PLA cho thấy Trung Quốc đang có ý đồ tái khẳng định họ là cường quốc thống trị ở châu Á.

Xem xét những phát triển đó, mối quan hệ của Trung Quốc với Iran nhằm 3 mục đích, không kể các nguồn cung cấp năng lượng: Thứ nhất, nếu Trung Quốc muốn thay Mỹ là cường quốc thống trị châu Á, Trung Quốc phải tìm cách làm cho Mỹ chú trọng đến các nơi khác. Bằng cách không hợp tác với Mỹ và phương Tây về vấn đề Iran và thực tế là bảo vệ Têhêran trong Hội đồng Bảo an qua việc làm suy yếu các nghị quyết cấm vận, Bắc Kinh cho rằng Oasinhtơn sẽ phải tiêu tốn năng lượng và bị sa lầy ở Trung Đông. Lúc đó Trung Quốc sẽ từng bước thống trị châu Á mà không có sự can thiệp quan trọng của Mỹ. Một Trung Quốc dần dần nổi lên sẽ không thu hút sự quan tâm của Mỹ như một Iran chuẩn bị có vũ khí hạt nhân. Khi sự quan tâm của Mỹ không còn nhiều ở châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc sẽ hưởng lợi. Thành công hay thất bại của Mỹ về vấn đề Iran cũng có thể ảnh hưởng đến uy tín của Mỹ ở châu Á cũng như ưu thế riêng của Trung Quốc. Các nước châu Á rất lo ngại trước sự phát triển của Trung Quốc, đặc biệt sự phát triển quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh, và không chắc chắn về cam kết của Mỹ đối với khu vực. Một ngày nào đó các nước này có thể phải đáp ứng các yêu cầu của Trung Quốc về quan hệ thương mại và các bất đồng lãnh thổ hoặc từ chối những thỏa hiệp đó do có sự ủng hộ của Mỹ. Nếu Mỹ không ngăn chặn nổi Iran đạt được khả năng vũ khí hạt nhân và Trung Quốc được coi là góp một phần vào thất bại đó, châu Á có thể gánh chịu nhiều hậu quả. Mỹ có lợi ích ở Trung Đông trong nhiều thập kỷ qua, nhưng Trung Quốc gần đây mới trở thành một đối thủ trong khu vực (năm 1998, giá trị thương mại của Trung Quốc với Trung Đông chỉ đạt 7,4 tỷ USD; năm 2007 tăng gấp 12 lần đạt 93,7 tỷ USD). Nếu Bắc Kinh chống lại Oasinhtơn ở đó, các nước châu Á có thể bắt đầu tin rằng chắc chắn Trung Quốc sẽ chống lại Mỹ ở châu Á. Uy tín của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng và các nước châu Á có thể thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Cuối cùng, Trung Quốc có thể sử dụng việc ủng hộ Iran như một con bài trong các cuộc đàm phán tương lai với Mỹ. Ví dụ, khi các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn các hoạt động hạt nhân của Iran trở nên bất lực, Trung Quốc có thể đề nghị ủng hộ Mỹ để đổi lấy việc Mỹ ngừng bán các loại vũ khí cho Đài Loan. Thực tế, trước đây Trung Quốc đã gắn việc ủng hộ Iran của họ với việc Mỹ ủng hộ Đài Loan: Trong chuyến thăm Trung Quốc năm 1998 của Clinton, Bắc Kinh đã đề nghị và Mỹ đã xem xét nhưng không chấp nhận đề nghị của Trung Quốc đòi Mỹ cam kết từ bỏ chương trình phòng thủ tên lửa bảo vệ Đài Loan để đổi lấy việc Trung Quốc cam kết ngừng hợp tác tên lửa với Iran. Trong các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí Mỹ-Trung Quốc tháng 2/2002, một quan chức Trung Quốc cho biết Mỹ không thể tố cáo Trung Quốc vi phạm các cam kết đối với Iran trong khi bản thân Mỹ đang bán rất nhiều vũ khí cho Đài Loan. Quan chức Trung Quốc này cho rằng Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan cũng là một kiểu phổ biến vũ khí hạt nhân. Và hành động bán vũ khí như vậy sẽ phá hoại vị thế của Mỹ ở châu Á và ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Mỹ trong khu vực. 

 

Quan điểm của Têhêran

Lợi ích của Têhêran trong quan hệ với Bắc Kinh là rõ ràng. Iran được lợi về kinh tế, chính trị và quân sự. Nhờ mối quan hệ với Bắc Kinh (cũng như với Mátxcơva), Têhêran có thể theo đuổi chương trình hạt nhân và tiến hành những hành động khiêu khích khác mà không sợ các phản ứng của Mỹ và quốc tế. Song điều này không có nghĩa là Iran có thể hoàn toàn tin tưởng - bởi vì Trung Quốc không phải là một đồng minh hiệp ước và không thể hành động ngược lại các lợi ích riêng của Bắc Kinh. Trong những năm 1980, Iran hy vọng xây dựng quan hệ đối tác với Trung Quốc và các nước khác nhằm chống lại Mỹ, nhưng Bắc Kinh không quan tâm đến việc thành lập một tổ chức như vậy. Rõ ràng Têhêran hiểu những hạn chế trong việc ủng hộ của Trung Quốc và hiểu các lợi ích của Trung Quốc với Mỹ lớn hơn lợi ích của Trung Quốc với Iran . Các lợi ích của Iran với Trung Quốc sẽ trở nên tốt hơn nếu căng thẳng Iran-Mỹ ngày càng tăng. Nguyên tắc của lợi ích và bình đẳng đôi bên yêu cầu bỏ qua những mặt trái: Hợp tác Trung Quốc- Iran sẽ tiếp tục bất chấp những xung đột Mỹ-Trung Quốc. Về bản chất, Iran sẽ tiếp nhận những gì Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ. Uy tín quốc tế của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng vì duy trì quan hệ thân thiện với Iran . Iran bị thiệt thòi đôi chút trong quan hệ với Trung Quốc. Trung Quốc phát triển các giếng dầu của Iran, cung cấp cho Iran các loại vũ khí và ủng hộ Iran tại Hội đồng Bảo an. Têhêran có thể mong muốn hơn nữa nhưng phải chấp nhận sự ủng hộ hiện tại của Trung Quốc. 

Những phát triển gần đây 

Ngày 9/6/2010, được sự ủng hộ của Trung Quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết 1929 nhằm áp đặt thêm các biện pháp cấm vận chống Iran, kể cả cấm vận bán các loại vũ khí và tiến hành thương mại với các công ty dưới quyền quản lý của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran. Bắc Kinh chỉ đồng ý ủng hộ sau khi nghị quyết đưa thêm những từ "cho phép đầu tư nước ngoài tiếp tục vào khu vực khí đốt và dầu lửa của Iran ". Phản ứng ban đầu của Iran đối với Trung Quốc tỏ ra thất vọng. Ông Ali Akbar Salehi, Phó Tổng thống Iran phụ trách cơ quan hạt nhân, lúc đó bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy Trung Quốc chấp nhận sự thống trị của Mỹ và cho biết, thái độ của Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thế giới Hồi giáo và suy nghĩ của người Hồi giáo... Điều đó sẽ dần dần làm giảm bớt sự kính trọng đối với Trung Quốc trong thế giới Hồi giáo. Nhưng các quan chức Iran đã không còn những suy nghĩ như vậy ngay sau khi nghị quyết được thông qua. Ngày 11/6, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad có mặt tại Triển lãm Xuất khẩu Thế giới Thượng Hải và phát biểu về mối quan hệ Trung Quốc-Iran: "Chúng tôi có quan hệ rất tốt với Trung Quốc và không có lý do gì để làm suy yếu mối quan hệ này". Các quan chức Trung Quốc cũng khẳng định tầm quan trọng của các mối quan hệ Trung Quốc với Iran . Ngày 10/6/2010, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói: "Sự phát triển của mối quan hệ Trung Quốc - Iran không những là mối quan tâm của hai nước mà còn có lợi cho nền hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Chúng tôi cũng cho rằng mối quan hệ hai nước dựa trên cơ sở đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau và hợp tác có thể vượt qua thử thách và tiếp tục hướng về phía trước". Tháng 8/2010, Phó Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố với Bộ trưởng Dầu lửa Iran Masoud Mir-Kazemi rằng mục tiêu cơ bản trong mối quan hệ Trung Quốc-Iran là "thúc đẩy các dự án hợp tác hiện có và làm sâu sắc mối quan hệ thực tiễn song phương". Thực tế Trung Quốc khẳng định tầm quan trọng của các mối quan hệ với Iran và chống lại bất cứ biện pháp cấm vận nào ngoài những yêu cầu đưa ra trong nghị quyết 1929 của Hội đồng Bảo an. Trung Quốc phản đối các biện pháp cấm vận bổ sung của Mỹ, Ôxtrâylia và Liên minh châu Âu kể từ khi áp đặt. Trung Quốc không những phản đối các biện pháp cấm vận mà còn hành động phá hoại các biện pháp đó. Các biện pháp cấm vận bổ sung cấm các nước bán xăng dầu cho Iran , nhưng Trung Quốc và một số nước khác thân thiện với Iran , vẫn tiếp tục. Theo một số báo cáo, Iran mua một nửa số xăng dầu nhập khẩu từ các công ty Trung Quốc, tổng số gần 45.000 thùng/ngày. 

Tác động đối với Mỹ

 Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải chấp nhận rằng các lợi ích của Trung Quốc ở Iran không thể ngang bằng các lợi ích của Mỹ. Mặc dù Bắc Kinh nhất trí với một nghị quyết của Hội đồng Bảo an, nhưng nghị quyết đó sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến Iran. Ngược lại, Bắc Kinh mong muốn Mỹ tiếp tục sa lầy ở Trung Đông, tiêu tốn nhiều nguồn lực và không để ý đến châu Á-Thái Bình Dương. Sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Iran sẽ có lợi, nhưng Mỹ không hy vọng có được. Nhận thức được điều đó, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên chú trọng đề ra các giải pháp lôi kéo Trung Quốc tham gia. Cuối cùng, khi xem xét khả năng của một cuộc xung đột quân sự giữa Oasinhtơn và Têhêran, các nhà hoạch định kế hoạch quân sự Mỹ phải tính đến các khả năng của Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh không muốn chứng kiến một tình huống như vậy và tất nhiên không muốn can dự, nhưng lịch sử cho thấy các nước lớn không thể lúc nào cũng kiểm soát các nước đối tác của họ và có thể rút khỏi các cuộc chiến tranh mà họ không có ý định tham gia. Do Bắc Kinh tiếp tục gắn kết với Têhêran về kinh tế và ngoại giao, những phát triển ở Iran có thể ảnh hưởng bất lợi đến uy tín riêng của Trung Quốc. Trong tình huống đó, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ can thiệp vào một cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran.


Theo Irantracker

Đinh Anh (gt)