US_Navy_project_superlaser.jpg

Sau khi Washington đột ngột đổi tên "Bộ chỉ huy Thái Bình Dương" thành "Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", FOIP bây giờ là một khái niệm có sức sống và một chiến lược địa lý được tính toán nghiêm túc, được dẫn dắt bởi một "nhóm tứ giác" (Bộ Tứ) gồm Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Mỹ. Mặc dù là một cụm từ viết tắt mới trong kiến trúc khu vực châu Á và trật tự khu vực đang có nhiều tranh chấp nhưng FOIP được cho là đã xuất hiện từ hơn một thập kỷ trước, khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe mời Ấn Độ tham gia một cuộc đối thoại chiến lược ba bên.

Mặc dù vẫn còn sớm để xem Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như là một khuôn khổ cạnh tranh, nhưng ý nghĩa và tác động của nó đã vươn đến Trung Quốc, ASEAN và tất cả các bên có liên quan đến tương lai đang phát triển của châu Á. Trung Quốc sẽ không hài lòng với việc Mỹ tập trung vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nên việc Washington thêm từ "Ấn Độ Dương" vào Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương có khả năng sẽ "đánh động" các nhà hoạch định chính sách an ninh ở Bắc Kinh. Còn với Ấn Độ, đấu trường với Trung Quốc phần lớn giới hạn ở Nam Á, đặc biệt Pakistan là mối quan tâm an ninh trực tiếp của Ấn Độ. Đối với Mỹ, cạnh tranh địa chính trị và địa lý kinh tế với Trung Quốc kéo dài trên 2 dải đất trên cả hai bờ của Thái Bình Dương. Do đó, Mỹ đang đồn trú 375.000 nhân viên dân sự và quân sự tại trụ sở chỉ huy ở Hawaii. Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể dẫn đến sự dịch chuyển trọng tâm sang Nam Á với sự hợp tác chặt chẽ hơn với Ấn Độ. Đối với Nhật Bản và Úc, sự thay đổi mới nhất về Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ có thể sẽ được coi là điều "đáng khích lệ".

Tuy nhiên, vấn đề then chốt sẽ là cách Trung Quốc nhìn nhận FOIP. Nếu Trung Quốc xem đây là một mặt trận mới của cuộc tấn công từ Bộ Tứ, Bắc Kinh có thể bị kích động phản kháng và chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều căng thẳng hơn trong khu vực. Điều này đã xảy ra trong quá khứ với chiến lược "xoay trục" và "tái cân bằng" của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama. Đối với ASEAN, các hành động mà Trung Quốc tự cho là "có cơ sở lịch sử", bao gồm hoạt động bồi đắp, xây dựng và "quân sự hóa" các đảo nhân tạo ở Biển Đông, diễn ra ngay sát các quốc gia thành viên có biển của ASEAN, đặc biệt là Philippines và Việt Nam. Bắc Kinh trên thực tế đang vận hành những hòn đảo nhân tạo này như những căn cứ quân sự và gần đây được củng cố bởi một cuộc tập trận hải quân với sự hiện diện của tàu sân bay Liêu Ninh, nhóm tàu tấn công duy nhất của Trung Quốc vào thời điểm hiện tại.

Đối với lục địa Đông Nam Á, Trung Quốc đã xây dựng các đập trên thượng nguồn sông Mekong gây thiệt hại cho các cộng đồng dân cư hạ nguồn ở Campuchia và Việt Nam. Cũng như với Biển Đông, Trung Quốc đưa ra các quy tắc riêng của mình xung quanh sông Mekong thông qua Hợp tác Lan Thương-Mekong. Và khi chính quyền Mỹ Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Trung Quốc đã sốt sắng hơn với việc thúc đẩy RCEP như một nền tảng thương mại tự do khu vực và cũng là để loại trừ Mỹ. Có thể nói, ASEAN đã bị Trung Quốc áp đảo.

Bây giờ FOIP đặt ra nhiều thách thức khác nhau. Thứ nhất, đối với các cường quốc lớn và trung bình trong Bộ Tứ, Trung Quốc có khả năng sẽ tăng cường căng thẳng địa chính trị, đặc biệt nếu Bắc Kinh nhận thấy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như một sự bao vây và ngăn chặn mang tính khiêu khích. Lý do chính cho sự tồn tại của ASEAN là giữ cho các cường quốc chủ chốt ở thế kiềm chế và cân bằng, không thể áp đảo và thống trị Đông Nam Á. Mục tiêu này sẽ khó đạt được hơn nếu các cường quốc lớn lao vào cuộc đối đầu địa chiến lược.

Thứ hai, việc Mỹ mở rộng sự hiện diện quân sự tại các khu vực rộng lớn có nguy cơ dẫn tới leo thang căng thẳng. TPP đã khởi đầu như một sự hợp tác nhỏ giữa Brunei, Chile, New Zealand và Singapore, đến khi Mỹ "nhảy vào", chiếc xe tự do hóa thương mại đó đã cất cánh và được hoàn thiện mặc dù không có Mỹ. Nếu Mỹ tham gia FOIP, kịch bản tương tự có thể xảy ra và chắc chắn sẽ gây tổn hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực bởi Trung Quốc chắc chắn sẽ phản ứng.

Cuối cùng, FOIP là một thách thức đối với vai trò trung tâm của ASEAN. Các thành viên Bộ Tứ sẽ nhấn mạnh rằng ASEAN vẫn đi đầu và đóng vai trò trung tâm trong các hành động và hoạt động xây dựng kiến trúc khu vực. Tuy nhiên, FOIP có khả năng che mờ, và bỏ qua ASEAN bằng cách thực hiện hành động cấp khu vực theo những phương cách không yêu cầu ASEAN đóng vai trò chủ đạo tại thời điểm nhóm 10 thành viên Đông Nam Á không tìm được giải pháp cho các đảo nhân tạo và các đập trên thượng lưu, hoặc thậm chí là cuộc khủng hoảng Rakhine ở Myanmar.

Theo “Bangkok Post

Viết Tuấn (gt)