08902358558c39b12f059f9130a3e2bb.jpg

Những minh chứng rõ ràng nhất được thể hiện ở châu Á. Mỗi quan hệ của Pakistan với Mỹ đã bị suy giảm trong những năm gần đây vì nhiều lý do, và sự ấm lên trong quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tạo ra cho chính phủ và quân đội Pakistan một lý do chính đáng để đầu tư mạnh mẽ vào mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc. Đổi lại, sự đầu tư của Bắc Kinh vào Pakistan cũng tạo ra những lực đẩy mạnh. Dự án phát triển cơ sở hạ tầng, Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan trị giá 55 tỷ USD, một phần trong tham vọng lớn hơn của Trung Quốc mang tên Sáng kiến Vàng Đai và Con đường, đang thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm nhiều việc làm - điều đang rất cần thiết tại Pakistan. Đổi lại, Trung Quốc được phát triển Cảng Gwadar – giúp Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của mình ở Ấn Độ dương.

Trong khi đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không thích thái độ chỉ trích của Mỹ và châu Âu, còn Bắc Kinh lại cam kết sẽ giúp ông Duterte cải thiện cơ sở hạ tầng kém phát triển của nước ông. Đến nay, Trung Quốc chưa làm được gì nhiều, song chỉ riêng lời hứa của họ cũng đủ thuyết phục Tổng thống Philippines không mạnh mẽ phản đối những yêu sách chủ quyền quá mức của Trung Quốc tại Biển Đông. Ông Duterte thậm chí còn tăng cường tiếng nói của Philippines trong lập trường thân Trung Quốc của ASEAN – tổ chức gồm 10 quốc gia thành viên của Đông Nam Á.

Về phần mình, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng hùa thêm vào xu thế hướng sang Trung Quốc của ASEAN và vì thế không gây áp lực với những yêu sách đối lập của Trung Quốc ở Biển Đông nữa, bởi quốc gia của ông cũng cần những khoản đầu tư vào cầu đường và đặc biệt là tuyến đường sắt - và cũng bởi vụ bê bối liên quan đến sự tham ô các quỹ từ 1MDB, một ngân quỹ dồi dào, khiến chính phủ của ông Najib cạn tiền.

Nguồn tài chính dồi dào của Trung Quốc từ lâu đã mang lại cho họ sự ảnh hưởng ở châu Phi, nơi Chủ tịch Tập Cận Bình hứa hẹn đổ thêm hàng tỷ USD đầu tư trong những năm tiếp theo. Trung Quốc cũng đang khuếch trương tiếng nói của mình trên khắp châu Phi thông qua StarTimes, một công ty truyền thông và viễn thông tư nhân nhưng được nhà nước chống lưng của Trung Quốc luôn phát sóng các nội dung liên quan đến Trung Quốc, và thế giới quan của Trung Quốc. Là một thành viên của nhóm BRICS kể từ năm 2010, Nam Phi đã mở cho Trung Quốc một cánh cửa vào Cộng đồng Phát triển Nam Phi, giúp họ tiếp cận được các nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể thúc đẩy sự tăng trưởng của Trung Quốc và tăng cường ảnh hưởng chính trị của họ trên khắp khu vực.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nam Phi, là hai quốc gia đã ký những thỏa thuận thương mại trị giá 6,5 tỷ USD vào năm 2015. Chính phủ Nam Phi đã đền đáp “tấm lòng” của Trung Quốc trong các khoản đầu tư bằng cách 3 lần không cho Dalai Lama của Tây Tạng, người bị liệt vào dạng không được chấp nhận tại Trung Quốc, được vào Nam Phi kể từ năm 2009, mặc dù các quan chức Nam Phi phủ nhận điều này. Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta từng là một trong số vỏn vẹn hai lãnh đạo châu Phi được tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh hồi đầu năm nay, và Kenya có thể kỳ vọng là quốc gia chính được Trung Quốc đầu tư cơ sở hạ tầng như một phần của dự án Con đường Tơ lụa trên biển.

Trung Quốc cũng đã xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc nối các thành phố Nairobo và Mombasa của Kenya, và chính phủ Kenya đã bày tỏ sự biết ơn bằng cách ủng hộ các yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thuyết phục Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa đồng tiền của nước này vào Rổ Tiền tệ Quốc tế (SDR). Tại khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc cũng dành tương đối nhiều thời gian và tiền bạc để tạo dựng ảnh hưởng của mình. Họ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với các nước Brazil, Chile, Cuba, Peru và Uruguay. Tuy nhiên, đó không chỉ đơn thuần là một câu chuyện Trung Quốc mua hàng hóa. Các quốc gia này, cùng với Bolivia, hiện đang nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nhiều hơn bất cứ đâu.

Panama cũng trở thành một phần trong câu chuyện này, phần nào bởi sự đầu tư của Trung Quốc trong việc mở rộng Kênh đào Panama đã giúp các tàu chở hàng khổng lồ của Trung Quốc tiếp cận được Biển Atlantic và vùng ven biển phía Đông của Mỹ. Hồi đầu năm nay, Panama tuyên bố không công nhận Đài Loan nữa, góp phần trong một chiến thắng ngoại giao khác của Trung Quốc. Bắc Kinh còn mở rộng chiến lược sang châu Âu, nơi các lãnh đạo vẫn hành động như thể cả thế giới đang hy vọng đi theo sự dẫn dắt của họ. Khoản đầu tư mới nhất của Trung Quốc là vào đất nước Hy Lạp đang trong cảnh túng quẫn, vốn đã quá mệt mỏi với chính sách khắc khổ từ châu Âu. Hy Lạp đã giành được sự đầu tư của Trung Quốc thông qua dự án Vành đai và Con đường. Đặc biệt, các công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc hiện đang điều hành cảng thương mại Hy Lạp tại Piraeus, bến cảng sầm uất nhất ở Địa Trung Hải. Hồi đầu năm nay, Hy Lạp đã phản đối một tuyên bố của Liên minh châu Âu (EU) tại hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhằm chỉ trích việc ông Tập Cận Bình đàn áp các nhân vật bất đồng chính kiến, và cùng Hungary lên tiếng ủng hộ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông tại tòa trọng tài ở La Hay.

Ở đây có một bài học dành cho Mỹ, Liên minh châu Âu và bất kỳ đối tác quốc tế nào, đó là có thể tác động vào cách hành xử chính trị bên trong một quốc gia bằng các khoản đầu tư đang là tối cần thiết đối với họ. Trump thường khoe khoang về sức mạnh của Mỹ, nhưng ông đã nói rõ rằng ông không có lợi gì khi ký những tấm séc lớn. Nhưng, giờ hãy nhìn Trung Quốc bằng con mắt của những nước được nhận viện trợ. Trung Quốc mời chào các thỏa thuận có lợi cho các chính phủ và các quốc gia cần chúng – và họ còn không yêu cầu sự đáp trả. Câu hỏi duy nhất về tương lai của chiến lược này là tiếp theo nó sẽ tiếp tục gặt hái thành công tại đâu?

Theo “Philstar

Vũ Hiền (gt)