Trung Quốc mới đây đã cho chạy thử nghiệm chiếc tàu sân bay đầu tiên, đây là chiến hạm lớn nhất ở châu Á tính đến thời điểm hiện nay, nó có khả năng làm thay đổi thái độ của Trung Quốc trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên, chiếc tàu sân bay này lại không thể giúp Trung Quốc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, đây cũng là vấn đề Trung Quốc đau đầu nhất; chiếc tàu sân bay này được đánh giá là thiên về mục đích ngoại giao, không có trang bị quân sự. 

Theo “Thời báo châu Á”, ngoài chiếc tàu sân bay Chakri Naruebet của Thái Lan, các nước khác trong khu vực vẫn chưa có chiếc chiến hạm nào có thể cho máy bay cất và hạ cánh. Tuy nhiên, chiếc tàu sân bay của Thái Lan chỉ bằng 1/5 so với chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, một khi chiếc Varyag hoàn thành công tác chuẩn bị, nó có thể mang 40 máy bay tiêm kích J-15 và 20 máy bay trực thăng (bao gồm cả máy bay trực thăng chống tàu ngầm K-28). Trên mặt biển, lực lượng này đủ để làm thay đổi cán cân sức mạnh giữa các nước xung quanh Biển Đông. Trung Quốc luôn tuyên bố có chủ quyền đối với Biển Đông bao gồm các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, song các nước xung quanh đều hiểu rằng vùng nước lân cận các quần đảo này có nguồn tài nguyên dầu khí phong phú nên đã đua nhau xây dựng các cơ sở nghiên cứu trên các đảo bãi. 

Nếu Trung Quốc đưa chiếc tàu sân bay (đã hình thành được sức chiến đấu) đến “Tam Á” ở Biển Đông, nó sẽ có ưu thế cục bộ về không quân và hải quân tại các điểm tranh chấp. Điều này có thể làm điều kiện tiên quyết giải quyết vấn đề Biển Đông bằng ngoại giao cứng rắn và hành động quân sự, dễ dàng hơn trong việc bảo vệ chủ trương chủ quyền của Trung Quốc; đồng thời, ép các đối thủ hủy bỏ các hoạt động thương mại ở Biển Đông cũng như việc xây dựng các cơ sở trên các đảo. Sức mạnh này còn có thể giúp Trung Quốc làm giảm nguồn nhiệt huyết của các nước khác trong tranh chấp Biển Đông. Trung tuần tháng 6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích tàu khai thác Việt Nam có hoạt động khảo sát dầu khí bất hợp pháp ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa và quấy nhiễu tàu cá của Trung Quốc, hành động này gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích trên biển của Trung Quốc. 

Theo “Thời báo châu Á”, điều có thể thấy rõ là chiếc tàu sân bay mới của Trung Quốc sẽ thực thi chức năng chiến lược nhất định. Trong một bài bình luận không lâu trước khi Varyag được chạy thử, Tân Hoa xã cho rằng việc đóng tàu sân bay là một hành động tất yếu để hải quân viễn dương xứng tầm với vị trí của Trung Quốc, cũng là sự lựa chọn không thể nào khác để bảo vệ lợi ích quốc gia ngày càng lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi chưa hình thành được sức chiến đấu, chiếc tàu sân bay này cũng như đội máy bay mà nó chuyên chở sẽ cực kỳ yếu ớt; Trung Quốc không thể mạo hiểm đối kháng với đối thủ ở Biển Đông. Một khi chưa có hệ thống phóng và hãm (máy bay), chiếc tàu sân bay này không thể dùng cất và hạ cánh máy bay cảnh báo sớm trên không, loại trang bị có thể phủ sóng rađa toàn diện cho tàu sân bay. Điều này có nghĩa rằng khả năng giám sát khu vực xung quanh của tàu sân bay sẽ bị hạn chế, không thể phát hiện các mối đe dọa ngoài cự ly dò tìm của rađa trên tàu. Đồng thời, việc bảo đảm hậu cần không đủ cũng sẽ hạn chế thời gian hoạt động trên biển của tàu sân bay: Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) chỉ có 5 tàu tiếp tế trên biển, trong đó không có chiếc nào vượt quá 22.000 tấn. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là ở chỗ sự bảo vệ không đủ. Trung Quốc mới chỉ có 2 chiếc tàu khu trục loại 052C, chúng được trang bị rađa giống như rađa E2 của Mỹ, có thể theo dõi nhiều tên lửa và máy bay cùng lúc. Hiện nay, 4 chiếc khác đang được đóng. Tuy nhiên, sẽ là một thách thức rất lớn nếu đem loại rađa này kết hợp với tên lửa HHQ do Trung Quốc sản xuất để đánh chặn các loại tên lửa siêu âm. Ngoài ra, chiếc tàu sân bay này không thể dựa vào sự bảo vệ dưới nước, không có hệ thống thông tin vô tuyến điện siêu thấp; trong khi tàu ngầm tuần tiễu của Trung Quốc chỉ có thể tiến hành các hoạt động chiến thuật khi chiến đấu bảo vệ tàu sân bay. 

Trong lúc tàu sân bay Trung Quốc còn tồn tại những khiếm khuyết này, các nước xung quanh cũng có thể phát triển lực lượng đủ sức để phản công, không để cho tàu sân bay Trung Quốc hoạt động tại khu vực Biển Đông. Hồi đầu tháng 6, một phụ chương báo “Nhân dân” của Việt Nam đã cho đăng bức ảnh về Brahmos, loại tên lửa chống hạm có tốc độ nhanh nhất trên thế giới. Rất rõ ràng là Việt Nam cho thấy họ đang có ý định mua loại tên lửa này, đồng thời ngầm biểu thị rằng Hải quân Việt Nam đã làm tốt công tác chuẩn bị trước sự “xâm lược” của Trung Quốc đối với vùng được cho là đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tốc độ của tên lửa chống hạm Brahmos đạt tới 2,8 mach (khoảng 3.430 km/h), gấp 4 lần tốc độ của tên lửa Tomahawk, sẽ là mối đe dọa chết người đối với bất kỳ chiến hạm nào trong phạm vi bán kính 300 km. Việc mua Brahmos cần được Nga và Ấn Độ phê chuẩn, trong khi Việt Nam đang nhanh chóng cải thiện quan hệ với hai nước này. Cuối tháng 6, Tư lệnh Hải quân Việt Nam tiến hành chuyến thăm hợp tác tới Niu Đêli. Trong thời gian chuyến thăm, Chính phủ Việt Nam đã cho phép Hải quân Ấn Độ cập bến ở Nha Trang. Từ năm 2003 đến nay, đây vẫn luôn là khu vực cấm hải quân nước ngoài cập bến. Tiếp đó, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh vào ngày 6/6 tuyên bố quân cảng Cam Ranh sẽ cung cấp kỹ thuật và hỗ trợ hậu cần cho tàu chiến nước ngoài. Để Trung Quốc hiểu ý đồ của mình, quan chức cấp cao Chính phủ Việt Nam ngày 14/8 đã lên thăm tàu sân bay USS George Washington, chuyến thăm như vậy trước đây chưa hề có. Việt Nam còn tăng cường mua trang bị quân sự của Nga. Phía Nga mới đây chứng thực rằng Việt Nam đã ký hợp đồng mua của Nga 6 tàu ngầm diesel lớp Kilo 636. Được biết, các tàu ngầm này sẽ chính thức được giao trong năm 2014. Các tàu ngầm có lượng giãn nước 2.300 tấn này rất thích hợp với vùng biển nước nông, có thể hoạt động cực kỳ yên tĩnh; chúng không cần rời cảng vẫn có thể tạo ra sự kinh hoàng lớn đối với Trung Quốc, khiến nước này không dám điều động tàu sân bay khi Biển Đông xảy ra đối kháng. 

Ngoài ra, Malaixia cũng đã có lực lượng tàu ngầm mạnh, mới đây đã đưa vào phục vụ hai chiếc tàu ngầm do Pháp thiết kế; Inđônêxia và Philíppin có thể cũng đang tăng tốc phát triển lực lượng hải quân của các nước này, đồng thời bố trí các tên lửa chống hạm tại các cơ sở trọng yếu. Inđônêxia đã thảo luận với Ấn Độ các công việc liên quan tới việc mua tên lửa chống hạm Brahmos; Philíppin có thể mua các tên lửa hiện có của Mỹ, hoặc có thể đàm phán mua tên lửa chống hạm “Hùng phong III’ của Đài Loan. Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc hết sức được hoan nghênh, nó đã trở thành biểu tượng của vị trí cường quốc. Tuy nhiên, Biển Đông sẽ lại là một nơi nguy hiểm nhất đối với chiếc tàu sân bay này./.

  Theo Atimes (Hồng Công) ngày 17/8

Hương Trà (gt)