“Trước đây chúng ta đã nghe tất cả những điều này về sự suy thoái của Mỹ”

Lần này thì khác. Chắc chắn sự thật là Mỹ đã trải qua các chu kỳ suy thoái trong quá khứ. Chạy đua trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 1960, John F.Kennedy đã than phiền: “Sức mạnh Mỹ so với sức mạnh Liên Xô đang sa sút, và chủ nghĩa cộng sản đang tiến một cách vững chắc ở mọi khu vực của thế giới”. Cuốn sách “Nhật Bản là số một” của Ezra Vogel được xuất bản vào năm 1979, dự báo một thập kỷ của chứng hoang tưởng ngày càng tăng về các công nghệ sản xuất và chính sách thương mại của Nhật Bản.

Dĩ nhiên, cuối cùng thì các mối đe dọa từ Liên Xô và Nhật Bản đối với ưu thế của Mỹ tỏ ra là hão huyền. Chính vì vậy, người Mỹ có thể được khoan dung nếu họ tiếp nhận việc nói về một thách thức mới từ Trung Quốc chỉ như là một trường hợp điển hình khác về một cậu bé cứ kêu gào nguy hiểm có chó sói khi chẳng có gì xảy ra. Nhưng một thực tế thường bị bỏ qua về câu chuyện ngụ ngôn đó là cuối cùng thì đứa trẻ đó tỏ ra là đúng. Con chó sói đã đến – và Trung Quốc là con chó sói đó.

Thách thức của Trung Quốc đối với Mỹ nghiêm trọng hơn vì cả lí do kinh tế lẫn dân số. Liên Xô đã sụp đổ bởi vì hệ thống kinh tế của họ hết sức kém hiệu quả, một nhược điểm chết người đã được che giấu trong một thời gian dài bởi vì Liên Xô chưa bao giờ nỗ lực cạnh tranh trên các thị trường thế giới. Ngược lại, Trung Quốc đã chứng tỏ khả năng kinh tế của mình trên vũ đài toàn cầu. Nền kinh tế của nước này tăng trưởng trung bình 9-10%/năm trong gần 3 thập kỷ. Trung Quốc hiện nay là nước xuất khẩu dẫn đầu thế giới và là nhà sản xuất lớn nhất thế giới, và nước này đang ngồi trên hơn 2,5 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối. Hàng hóa của Trung Quốc cạnh tranh với tất cả hàng hóa trên khắp thế giới. Đây không phải là trường hợp rổ kinh tế theo kiểu Liên Xô.

Nhật Bản dĩ nhiên cũng đã trải qua nhiều năm tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và vẫn là một nước xuất khẩu chính. Nhưng nước này chưa bao giờ là ứng cử viên đáng tin cậy cho vị trí số 1 thế giới. Dân số Nhật Bản chưa bằng 1/2 dân số Mỹ, có nghĩa là người Nhật Bản trung bình sẽ phải giàu gấp đôi người Mỹ trung bình trước khi nền kinh tế của Nhật Bản vượt qua nền kinh tế của Mỹ. Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Ngược lại, dân số Trung Quốc gấp hơn 4 lần dân số Mỹ. Dự đoán nổi tiếng rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ lớn hơn nền kinh tế Mỹ vào năm 2027 đã được Goldman Sachs đưa ra trước cuộc khủng hoảng kinh tế 2008. Với tốc độ hiện nay, Trung Quốc hoàn toàn có thể là số 1 thế giới trước thời điểm đó.

Tài năng kinh tế của Trung Quốc đang cho phép Bắc Kinh thách thức ảnh hưởng của Mỹ trên toàn thế giới. Người Trung Quốc là đối tác được ưa thích của nhiều chính phủ châu Phi và là đối tác thương mại lớn nhất của các cường quốc đang nổi lên khác, như Braxin và Nam Phi. Trung Quốc cũng tiếp tục mua trái phiếu của các thành viên bị lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính của khu vực đồng euro, như Hy Lạp và Bồ Đào Nha.

Và Trung Quốc chỉ là phần lớn nhất trong câu chuyện lớn hơn về sự trỗi dậy của các nước tham gia mới về kinh tế và chính trị. Các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Âu – Anh, Pháp, Italia, thậm chí là Đức – đang trượt dốc trên bảng xếp hạng kinh tế. Các cường quốc mới đang nổi lên là Ấn Độ, Braxin, Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi nước đều có những ưu tiên về chính sách đối ngoại của chính họ, cùng kiềm chế khả năng của Mỹ định hình thế giới. Hãy thử suy nghĩ về việc Ấn Độ và Braxin ủng hộ Trung Quốc như thế nào tại các cuộc đàm phán toàn cầu về biến đổi khí hậu. Hay việc Thổ Nhĩ Kỳ và Braxin tại Liên Hợp Quốc bỏ phiếu phản đối Mỹ trừng phạt Iran . Đó chỉ là khởi đầu cho những gì sắp xảy ra.

“Trung Quốc không sớm thì muộn sẽ nổ tung từ bên trong”

Đừng có trông chờ vào điều đó. Có một sự thật chắc chắn là khi người Mỹ đang lo lắng về sự suy thoái của quốc gia, thì họ có xu hướng không để ý đến những điểm yếu của đối thủ trông có vẻ đáng sợ nhất của họ. Những nhược điểm trong các hệ thống của Liên Xô và Nhật Bản chỉ trở nên rõ ràng khi nhìn lại. Những người tự tin rằng sự bá quyền của Mỹ sẽ được kéo dài đến tương lai chỉ ra những trách nhiệm tiềm tàng của hệ thống Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Tờ Thời báo Luânđôn, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush cho rằng các vấn đề nội bộ của Trung Quốc có nghĩa là nền kinh tế của nước này sẽ không thể cạnh tranh với nền kinh tế của Mỹ trong một tương lai có thể dự đoán trước. Ông đặt câu hỏi: “Liệu tôi có còn nghĩ rằng Mỹ sẽ vẫn là một siêu cường duy nhất không? Có, tôi vẫn nghĩ vậy”.

Nhưng những dự đoán rằng sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc sắp chấm dứt đã là một đặc trưng thường thấy trong phân tích của phương Tây ngay từ khi Trung Quốc bắt đầu phát triển vào cuối những năm 1970. Vào năm 1989, Đảng Cộng sản dường như chao đảo sau vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn. Vào những năm 1990, các nhà quan sát kinh tế thường chỉ ra tình thế bấp bênh của các ngân hàng và các doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng, quy mô tăng gấp đôi cứ gần như trong khoảng 7 năm một lần.

Dĩ nhiên sẽ là vô lý nếu như cho rằng Trung Quốc không phải đương đầu với các thách thức lớn. Trong ngắn hạn, có rất nhiều bằng chứng cho thấy bong bóng bất động sản đang hình thành ở các thành phố lớn như Thượng Hải, và lạm phát đang gia tăng. Trong dài hạn, Trung Quốc có những sự quá độ về chính trị và kinh tế đáng lo ngại phải chèo lái. Đảng Cộng sản không thể có khả năng duy trì mãi mãi sự độc quyền về quyền lực chính trị. Và sự phụ thuộc lâu đời của đất nước này vào các sản phẩm xuất khẩu và một đồng tiền được định giá thấp đang diễn ra dưới sự chỉ trích ngày càng tăng từ Mỹ và các bên tham gia quốc tế khác đòi hỏi “một sự cân bằng lại” nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Trung Quốc. Đất nước này cũng đương đầu với các thách thức lớn về dân số và môi trường: dân số đang già đi nhanh chóng do chính sách một con, và Trung Quốc bị đe dọa bởi sự thiếu nước sạch và tình trạng ô nhiễm.

Tuy nhiên, cho dù bạn tính đến tình trạng bất ổn kinh tế và chính trị đáng kể trong tương lai, thì sẽ là một sai lầm lớn nếu cho rằng thách thức của Trung Quốc đối với sức mạnh Mỹ đơn giản là sẽ biến mất. Một khi các nước nắm được bí quyết phát triển kinh tế, thì rất khó có thể loại họ ra khỏi tiến trình. Suy luận từ với sự nổi lên của Đức từ giữa thế kỷ 19 trở đi đem lại thông tin bổ ích. Đức đã trải qua hai thất bại quân sự thảm họa, tình trạng lạm phát phi mã, cuộc Đại suy thoái, sự sụp đổ của chế độ dân chủ, và các trận đánh bom của quân đồng minh tàn phá các thành phố chính và cơ sở hạ tầng nước này. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1950, Tây Đức một lần nữa lại là một trong những nền kinh tế hàng đầu của thế giới, cho dù bị tước đi những tham vọng đế quốc của mình.

Trong thời đại hạt nhân, Trung Quốc không có khả năng bị vướng vào một cuộc chiến tranh thế giới, chính vì vậy, nước này sẽ không phải đương đầu với tình trạng hỗn loạn và mất trật tự ở quy mô mà Đức phải gánh chịu trong thế kỷ 20. Và cho dù trải qua những khó khăn về kinh tế và chính trị như thế nào đi nữa thì cũng sẽ không đủ để ngăn sự trỗi dậy của nước này lên địa vị siêu cường. Quy mô tuyệt đối và động lực kinh tế có nghĩa là cỗ xe lớn Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến về phía trước, bất chấp trở ngại như thế nào trên đường đi của nó.

“Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới”

Cho đến nay thì là như vậy. Khi mọi thứ không thay đổi, Mỹ có nền kinh tế lớn nhất của thế giới, có các trường đại học hàng đầu của thế giới và nhiều công ty lớn nhất thế giới. Quân đội Mỹ cũng có sức mạnh vô song mạnh hơn bất cứ đối thủ nào. Mỹ chi tiêu vào quân đội gần như bằng tổng chi tiêu vào quân sự của phần còn lại của thế giới. Ngoài ra, cần cộng thêm các tài sản vô hình của Mỹ. Sự kết hợp giữa tài kinh doanh nhanh nhạy và kỹ năng công nghệ của đất nước này cho phép nó dẫn đầu cuộc cách mạng công nghệ. Những người tài năng di cư từ nước ngoài vẫn lũ lượt kéo đến các bờ biển của Mỹ. Và hiện nay, khi mà Barack Obama đang ở trong Nhà Trắng, quyền lực mềm của nước này đã nhận được một sự thúc đẩy lớn. Mặc dù các rắc rối của ông, các cuộc thăm dò cho thấy Obama vẫn là nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn nhất trên thế giới; Hồ Cẩm Đào thậm chí cũng chưa gần được như vậy. Mỹ cũng khoe khoang về sức lôi cuốn toàn cầu của các ngành công nghiệp sáng tạo ( Hollywood ), các giá trị của nó, việc tiếng Anh ngày càng phổ biến, và sự hấp dẫn của Giấc mơ Mỹ.

Tất cả là sự thực – nhưng tất cả dễ bị tổn hại hơn là người ta có thể tưởng tượng. Các trường đại học Mỹ vẫn là một tài sản lớn. Nhưng nếu nền kinh tế Mỹ không tạo công ăn việc làm, thì một số lượng lớn các sinh viên châu Á giỏi đã tốt nghiệp xuất hiện đầy ở các khoa kỹ thuật công trình và khoa học máy tính tại Trường đại học Stanford và MIT sẽ trở về nước họ. Trong bảng xếp hạng mới nhất các công ty lớn nhất thế giới của Tạp chí Fortune, chỉ hai công ty của Mỹ đứng ở top 10 – Walmart ở vị trí số 1 và ExxonMobil ở vị trí thứ 3. Đã có 3 công ty của Trung Quốc ở trong top 10: Sinopec, State Grid, và China National Petroleum. Sức hấp dẫn của Mỹ cũng có thể sa sút nếu đất nước này không còn gắn chặt với cơ hội, sự thịnh vượng và sự thành công nữa. Và cho dù nhiều người nước ngoài bị hấp dẫn một cách sâu sắc với Giấc mơ Mỹ, cũng có một cái hố sâu tư tưởng bài Mỹ trên thế giới mà al-Qaeda và các tổ chức khác đã khai thác một cách khéo léo, có Obama hay không có Obama.

Về phía quân đội Mỹ, bài học về các cuộc chiến tranh Irắc và Ápganixtan là tài quân sự của Mỹ không hữu ích như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donal Rumsfeld và những người khác hình dung. Quân đội, các máy bay và tên lửa của Mỹ có thể lật đổ một chính quyền ở phía bên kia của thế giới chỉ trong vài tuần, nhưng lập lại hòa bình và bình ổn một đất nước bị chinh phục là một vấn đề khác. Những năm sau chiến thắng rõ ràng, Mỹ vẫn bị sa lầy do cuộc nổi dậy thấy rõ là không bao giờ kết thúc ở Ápganixtan.

Không chỉ người Mỹ đang không còn thấy hào hứng với các chuyến viễn chinh, mà ngân sách quân sự Mỹ rõ ràng là đang phải chịu áp lực trong kỷ nguyên khắc khổ mới. Tình trạng tê liệt hiện nay ở Oasinhtơn hầu như chẳng cho thấy một hy vọng nào rằng Mỹ sẽ đối phó với các vấn đề ngân sách của mình một cách nhanh chóng hay hiệu quả. Việc Chính phủ Mỹ tiếp tục dựa vào nguồn vay nước ngoài khiến cho đất nước này trở nên dễ bị tổn hại, như lời đề nghị nhún nhường của Ngoại trưởng Hillary Clinton năm 2009 yêu cầu Trung Quốc tiếp tục mua trái phiếu kho bạc của Mỹ để lộ ra. Mỹ đang tài trợ cho ưu thế quân sự của mình thông qua bị chi tiêu thâm hụt, có nghĩa là cuộc chiến ở Ápganixtan đang được thanh toán một cách có hiệu quả bằng chiếc thẻ tín dụng của Trung Quốc. Hầu như không ai băn khoăn về việc Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân xác định nợ quốc gia đang gia tăng là mối đe dọa duy nhất lớn nhất đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Trong khi đó, chi tiêu của Trung Quốc cho quân đội tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Không lâu nữa, đất nước này sẽ tuyên bố chế tạo tàu sân bay đầu tiên của mình và đang có mục tiêu chế tạo tổng cộng 5 hay 6 chiếc. Có lẽ nghiêm trọng hơn, việc Trung Quốc phát triển công nghệ tên lửa và chống vệ tinh mới đe dọa quyền chỉ huy vùng biển và các vùng trời mà ưu thế ở Thái Bình Dương của Mỹ dựa vào đó. Trong thời đại hạt nhân, quân đội Mỹ và Trung Quốc không có khả năng xung đột. Quan điểm chung của Trung Quốc là thay vào đó cuối cùng Mỹ sẽ nhận thấy không còn có thể duy trì được vị thế quân sự của mình ở Thái Bình Dương nữa. Các đồng minh của Mỹ ở khu vực này – Nhật Bản, Hàn Quốc và ngày càng có khả năng là Ấn Độ - có thể hợp tác với Oasinhtơn nhiều hơn để nỗ lực chống lại sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc. Nhưng nếu Mỹ phải giảm sự hiện diện của mình ở Thái Bình Dương vì các lý do ngân sách, thì các đồng minh của nước này sẽ bắt đầu điều chỉnh cho thích nghi với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Ảnh hưởng của Bắc Kinh sẽ mở rộng, và khu vực châu Á-Thái Bình Dương – một trung tâm đang nổi lên của nền kinh tế toàn cầu – sẽ trở thành sân sau của Trung Quốc.

“Toàn cầu hóa đang hướng thế giới theo con đường của phương Tây”

Không thực sự như vậy. Một lý do giải thích tại sao Mỹ bớt căng thẳng về sự trỗi dậy của Trung Quốc trong những năm sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh là sự tin tưởng ăn sâu bén rễ rằng toàn cầu hóa đang truyền bá các giá trị của phương Tây. Một số người thậm chí còn nghĩ rằng toàn cầu hóa và Mỹ hóa gần như đồng nghĩa với nhau.

Học giả Fareed Zakaria tỏ ra biết trước khi ông viết rằng “sự trỗi dậy của phần còn lại” (tức là các cường quốc không phải Mỹ) sẽ là một trong những đặc điểm chính của một “thế giới hậu Mỹ”. Nhưng ngay cả Zakaria cũng lập luận rằng xu hướng này về cơ bản là có lợi cho Mỹ: “Sự chuyển đổi sức mạnh ... là tốt đối với Mỹ, nếu được thực hiện một cách thích hợp. Thế giới đang vận hành theo con đường của Mỹ. Các nước đang trở nên cởi mở, gần gũi với thị trường và dân chủ hơn”.

Cả George W.Bush lẫn Bill Clinton đều có một quan điểm tương tự nhau rằng toàn cầu hóa và thương mại tự do sẽ là phương tiện để xuất khẩu các giá trị của Mỹ. Vào năm 1999, 2 năm trước khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, Bush đã lập luận: “Sự tự do về kinh tế tạo ra các thói quen tự do. Và các thói quen tự do tạo ra những sự mong đợi về chế độ dân chủ... Thương mại tự do với Trung Quốc, và thời gian đang đứng về phía chúng ta”.

Có hai sự hiểu lầm quan trọng được chôn vùi trong sự phát triển lý thuyết này. Thứ nhất là cho rằng sự phát triển kinh tế sẽ tất yếu – và tương đối nhanh chóng – dẫn đến sự dân chủ hóa. Thứ hai là cho rằng các chế độ dân chủ mới chắc chắn là thân thiện hơn và có ích hơn đối với Mỹ. Cả hai giả định này đều không tiến triển.

Vào năm 1989, sau vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn, có ít nhà phân tích phương Tây tin rằng 20 năm sau Trung Quốc vẫn còn là nhà nước một đảng – và rằng nền kinh tế của Trung Quốc cũng vẫn sẽ phát triển với tốc độ phi thường. Một giả định chung của phương Tây là Trung Quốc sẽ phải lựa chọn giữa tự do hóa chính trị và thất bại về kinh tế. Chắc chắn một nhà nước một đảng được kiểm soát chặt chẽ sẽ có thể không thành công trong thời đại điện thoại di động và mạng internet toàn cầu chứ? Như Clinton đã nói trong một chuyến thăm Trung Quốc vào năm 1998, “Trong thời đại thông tin toàn cầu này, khi sự thành công về kinh tế được xây dựng dựa trên các ý tưởng, thì quyền tự do cá nhân là ... cần thiết đối với tính vĩ đại của bất cứ quốc gia hiện đại nào”.

Trên thực tế, Trung Quốc đã tìm cách kết hợp sự kiểm duyệt và sự cai trị một đảng với sự thành công liên tục về kinh tế trong thập kỷ tiếp theo. Sự đối đầu giữa Chính phủ Trung Quốc và Google vào năm 2010 là một bài học. Google, biểu tượng của kỷ nguyên số hóa, đe dọa rút khỏi Trung Quốc để phản đối sự kiểm duyệt, nhưng rốt cuộc trang mạng này phải lùi bước để đáp lại những sự nhượng bộ chiếu lệ. Hiện nay, hoàn toàn có thể thấy được rằng khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới – chúng ta hãy cho là vào năm 2027 – thì nước này vẫn sẽ là nhà nước một đảng được điều hành bởi Đảng Cộng sản.

Và cho dù Trung Quốc dân chủ hóa, thì tuyệt đối không có một sự đảm bảo nào rằng việc này sẽ khiến cuộc sống trở nên dễ dàng hơn đối với Mỹ, chứ chưa nói đến kéo dài sự bá quyền toàn cầu của Mỹ. Ý tưởng rằng các chế độ dân chủ có bổn phận phải tán thành các vấn đề lớn toàn cầu hiện nay đang bị xói món dần trên cơ sở thường xuyên. Ấn Độ không đồng ý với Mỹ về sự biến đối khí hậu hay vòng đàm phán thương mại Doha . Braxin không đồng ý với Mỹ về cách đối xử với Vênêxuêla hay Iran . Một Thổ Nhĩ Kỳ dân chủ hơn ngày nay cũng là một Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi hơn, hiện nay đang không chịu đi theo đường lối của Mỹ về cả vấn đề Ixraen lẫn Iran . Trong tình trạng tương tự, một Trung Quốc dân chủ hơn cũng có thể là một Trung Quốc dễ tức giận hơn, nếu sự ưa thích các cuốn sách theo đường lối dân tộc chủ nghĩa và các địa chỉ Internet ở Trung Quốc là bất cứ sự chỉ dẫn nào.

“Sự toàn cầu hóa không phải là một trò chơi được mất ngang nhau”

Không quá chắc chắn. Các vị tổng thống Mỹ kế tiếp nhau, từ Bush cha đến Obama, rõ ràng là hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ngay trước chuyến công du đầu tiên của mình đến Trung Quốc, Obama đã tóm tắt đường hướng truyền thống này khi ông nói: “Quyền lực không nhất thiết phải là một trò chơi được mất ngang nhau, và các quốc gia không cần phải lo sợ trước sự thành công của quốc gia khác ... Chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực của Trung Quốc đóng một vai trò lớn hơn trên vũ đài thế giới”.

Nhưng cho dù nói gì trong các bài diễn văn chính thức, thì các nhà lãnh đạo Mỹ rõ ràng là đang bắt đầu có những hoài nghi. Một nguyên lý trung tâm của kinh tế học hiện đại nói rằng thương mại có lợi cho cả hai bên tham gia, giống trò chơi cả hai cùng thắng hơn là trò chơi được mất ngang nhau. Nhưng điều đó bao hàm các quy tắc của trò chơi này không được gian lận. Phát biểu trước Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2010, Larry Summers, khi đó là cố vấn chính về kinh tế của Obama, đã bình luận thẳng thừng rằng các quy tắc thông thường về những lợi ích thương mại đôi bên cùng có lợi không nhất thiết áp dụng khi một đối tác thương mại thi hành các chính sách theo chủ nghĩa trọng thương hay bảo hộ. Chính phủ Mỹ rõ ràng là nghĩ rằng việc Trung Quốc định giá thấp đồng tiền của mình là một hình thức bảo hộ đã dẫn đến những sự mất cân bằng kinh tế toàn cầu và tình trạng mất việc làm ở Mỹ. Các nhà kinh tế hàng đầu, như nhà bình luận của tờ Thời báo Niu Yoóc Paul Krugman và C.Fred Bergsten thuộc Viện Peterson, có một quan điểm tương tự, lập luận rằng thuế quan và các biện pháp trả đũa khác sẽ là một sự phản ứng chính đáng. Quá nhiều cho một thế giới tất cả cùng thắng.

Và khi đề cập đến bức tranh địa chính trị rộng lớn hơn, thế giới trong tương lai thậm chí có vẻ giống trò chơi được mất ngang nhau hơn, bất chấp lối nói mềm mỏng về sự toàn cầu hóa đã an ủi thế hệ các nhà chính trị gần đây nhất của Mỹ. Bởi vì Mỹ đang hành động như thể các lợi ích chung do sự toàn cầu hóa tạo ra đã hủy bỏ một trong những quy tắc chính trị thế giới lâu đời nhất: quan điểm rằng các bên tham gia đang nổi lên cuối cùng sẽ xung đột với các cường quốc có từ lâu.

Trên thực tế, sự kình địch giữa Trung Quốc đang trỗi dậy và Mỹ đang suy yếu hiện nay có thể thấy rõ trong một loạt vấn đề, từ các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở châu Á đến vấn đề nhân quyền. Không có khả năng Mỹ và Trung Quốc rốt cuộc sẽ đi đến chiến tranh, nhưng đó là bởi vì cả hai phía có vũ khí hạt nhân, chứ không phải bởi sự toàn cầu hóa đã làm biến mất một cách thần kỳ những sự bất đồng của họ.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tháng 11/2010, nỗ lực của Mỹ đối phó với “những sự mất cân bằng kinh tế toàn cầu” về cơ bản đã bị cản trở bởi việc Trung Quốc kiên quyết từ chối thay đổi chính sách tiền tệ của nước này. Các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu vào năm 2009 ở Côpenhaghen đã kết thúc trong lộn xộn sau sự đối đầu Mỹ-Trung nữa. Ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc rõ ràng là gây ra một mối đe dọa trong dài hạn cho sự bá quyền của Mỹ ở Thái Bình Dương. Người Trung Quốc miễn cưỡng tán thành các hình phạt cả gói mới của LHQ áp dụng với Iran, nhưng cái giá của việc đảm bảo sự đồng ý của Trung Quốc là một thỏa thuận yếu kém mà không có khả năng làm chệch hướng chương trình hạt nhân của Iran. Cả hai bên đều tham gia các cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên, nhưng một sự kình địch gần như ngấm ngầm ngăn chặn sự hợp tác Trung-Mỹ thực sự hiệu quả. Trung Quốc không thích chế độ của Kim Jong Il, nhưng nước này cũng hết sức thận trọng với một Triều Tiên tái thống nhất ở biên giới của mình, đặc biệt là nếu nước Triều Tiên mới này vẫn tiếp đón quân đội Mỹ. Trung Quốc cũng đang cạnh tranh quyết liệt để được tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu lửa, mà đang đẩy giá cả toàn cầu lên.

Các nhà lãnh đạo Mỹ đúng đắn khi công khai bác bỏ lô gích được mất ngang nhau. Làm bất cứ thứ gì khác sẽ gây mối thù địch một cách không cần thiết với Trung Quốc. Nhưng điều đó không che khuất được một thực tế không thể tránh khỏi: khi sức mạnh kinh tế và chính trị chuyển từ phương Tây sang phương Đông, thì những sự kình địch quốc tế mới chắc chắn sẽ nổi lên.

Mỹ vẫn có những sức mạnh ghê gớm. Nền kinh tế Mỹ cuối cùng sẽ phục hồi. Quân đội Mỹ có sự hiện diện toàn cầu và lợi thế công nghệ mà không một nước nào có thể sánh kịp. Nhưng Mỹ sẽ không bao giờ lại có được sự chi phối toàn cầu mà nước này đã có trong 17 năm từ lúc Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Những ngày tháng đó đã qua đi./. 

Theo Foreign Policy