Sự tham gia nổi bật của Trung Quốc trong cuộc tập trận hải quân đa phương Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) mới kết thúc ở Hawaii đã được mô tả là một bước ngoặt. Công bằng mà nói sự kiện này cũng là một bước ngoặt cho ASEAN khi Brunei lần đầu tiên tham gia. Hai tàu chiến của nước này là tàu tuần tra biển xa KD Darussalam và KDB Darulaman đã được triển khai và lần đầu tiên thể hiện năng lực chiến đấu của mình khi phóng thành công tên lửa hành trình chống hạm.

RIMPAC 2014 là một thí dụ cho thấy sự nổi lên thầm lặng của “lực lượng hải quân nhỏ” ở Đông Nam Á, đặc biệt là Brunei, Myanmar và Philippines. Không như Nhóm 5 lực lượng hải quân “lớn hơn” trong khu vực là Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, các lực lượng hải quân nhỏ vốn ít được biết đến này đã thực hiện những bước tiến nhỏ song không kém phần quan trọng để cải thiện năng lực và khả năng hiện diện quốc tế của mình. Xét trên tổng thể, nó hoàn toàn phù hợp với ASEAN.

Không như các thương vụ tàu chiến và tàu ngầm mới của Nhóm 5 nước, nỗ lực xây dựng năng lực của “lực lượng hải quân nhỏ” hầu như không gây sự chú ý, ngoại trừ Hải quân Philippines nhận được quan tâm lớn hơn với kế hoạch hiện đại hóa đầy tham vọng của họ. Hải quân Hoàng gia Brunei (RBN) là một lực lượng có những bước nâng cấp năng lực “dần dần” rất lớn. Họ đã thay thế hạm đội tàu tuần duyên nhỏ và tàu tấn công nhanh mang tên lửa truyền thống bằng một loạt tàu tuần tra biển xa do Đức đóng từ năm 2009.

Một lực lượng hải quân nhỏ khác mà chương trình xây dựng năng lực cũng ít được truyền thông chú ý là Myanmar. Những năm gần đây, các xưởng đóng tàu của Myanmar, được cho là với sự trợ giúp kĩ thuật của Trung Quốc, đã có thể đóng và đưa vào biên chế một đội tàu tuần tra tàng hình và tàu khu vực nhỏ mang tên lửa. Đây là một bước nhảy vọt về lượng so với các tàu tuần duyên và ven bờ được cho mua từ các nguồn nước ngoài của Myanmar. 

Đáng nói hơn, tạp chí quốc phòng "IHS Jane’s" hồi tháng 7 cho hay Hải quân Myanmar đang trong quá trình “đàm phán sơ bộ” về việc mua một vài tàu từ tập đoàn đóng tàu PT PAL của Indonesia, dựa trên tàu đổ bộ LPD lớp Makassar mà Hải quân Indonesia đang sử dụng. Nếu thương vụ này được hoàn tất, Hải quân Myanmar sẽ trở thành lực lượng hải quân thứ 5 trong ASEAN, sau Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan, sử dụng tàu đổ bộ lớn kiểu LPD mà cho đến nay đã chứng tỏ được khả năng trong các sứ mệnh hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR) trong các sự cố thiên tai gần đây. Việc phiên chế tàu đổ bộ có cự li hoạt động xa và lâu hơn trên biển cho phép những lực lượng hải quân nhỏ này tham gia các sáng kiến hoạt động và diễn tập đa quốc gia lớn ở vùng biển xa.

Sự can dự của các lực lượng này trong những sáng kiến như vậy là đáng chú ý. Chẳng hạn, Hải quân Myanmar đã tham gia cuộc tập trận Milan do Ấn Độ đăng cai vào năm 2003 - thời điểm Naypyidaw bắt đầu phiên chế tàu hộ tống nhỏ mang tên lửa. Đây cũng là lần đầu tiên Myanmar tham gia một cuộc diễn tập đa quốc gia. Nếu Hải quân Myanmar thành công trong thương vụ tàu LPD, trong tương lai họ có thể mở rộng sự tham gia vào các sáng kiến HADR và ứng phó tình huống khẩn cấp khác trong khu vực.

Trước RIMPAC 2014, Hải quân Hoàng gia Brunei cũng có bước ngoặt lớn hồi tháng 10/2013 khi tàu KDB Darulaman tham gia cuộc diễn tập huấn luyện thực địa an ninh biển của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) tại Australia. Hải quân Philippines cũng nhận được sự chú ý với thương vụ mua các tàu khu trục tuần tra từ Mỹ cũng như có tin cho hay hồi tháng 1/2014 đã mua của PT PAL một cặp tàu vận tải chiến lược dựa trên lớp Makassar. Nhiều khả năng Hải quân Philippines sẽ cử tàu chiến tham gia các cuộc diễn tập đa quốc gia lớn như RIMPAC.

Các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng nổi bật hiện nay khiến nhu cầu hợp tác trong nội khối ASEAN và với các cường quốc bên ngoài trở nên cấp thiết hơn. Nỗ lực xây dựng năng lực tập thể đang cấu thành điều kiện tiên quyết để ASEAN trở nên tự tin hơn để ứng phó nhanh chóng mỗi khi xảy ra thiên tai hay tình huống khẩn cấp. Dù nỗ lực của nhóm “lực lượng hải quân nhỏ”, vốn kín tiếng và khiêm tốn về quy mô khi so với Nhóm 5 nước, sẽ còn cả một chặng đường dài, song nó đã biến trách nhiệm chung về an ninh toàn diện của các nước ASEAN thành thực tế. Đây là một mục tiêu nằm trong Kế hoạch chi tiết Chính trị-An ninh ASEAN công bố năm 2009. Và việc xây dựng năng lực dần dần của nhóm “lực lượng hải quân nhỏ” ở Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ thành công trong tương lai. 

Theo RSIS
Văn Cường (gt)