Chiến lược quốc tế của Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ. Nhiều năm qua, Việt Nam kỳ vọng rằng nước này có thể kiểm soát được động cơ bá chủ khu vực của Trung Quốc bằng cách thể hiện sự tôn trọng vừa đủ. Để đạt được mục tiêu đó, các quan chức Việt Nam đã củng cố các mối quan hệ với các đối tác Trung Quốc và theo đuổi tình hữu nghị với tất cả các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ASEAN, nhưng không liên minh với bất kỳ nước nào. 

Tuy nhiên, chiến lược đó đã bị đảo lộn trong những tháng gần đây. Tháng 5/2014, Trung Quốc triển khai giàn khoan trị giá 1 tỷ USD và hơn 100 tàu tới vị trí chỉ cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý - nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Hà Nội đã phản ứng với tổng cộng 30 cuộc đàm phán ngoại giao tới Bắc Kinh. Khi ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tới Hà Nội ngày 18/6, truyền thông Trung Quốc đã mô tả là ông Dương mang lại cho Việt Nam một cơ hội để "tự kiềm chế trước khi quá muộn". 

Việc Trung Quốc triển khai giàn khoan nước sâu không phải là điều gây ngạc nhiên. Ít nhất thì kể từ năm 2009, Bắc Kinh đã chủ ý giành sự bá quyền trên thực tế tại Biển Đông, và ngành dầu khí ngoài khơi của Việt Nam là một mục tiêu chủ yếu. Sự đe dọa của Bắc Kinh đã khiến các tập đoàn dầu khí đa quốc gia BP và ConocoPhillips, cả hai đều đang có đầu tư lớn tại Trung Quốc, phải nhượng bộ trong vùng biển của Việt Nam lần lượt trong năm 2009 và 2012. Năm 2011, các tàu Trung Quốc đã quấy rối tàu thăm dò của PetroVietnam. Năm 2012, công ty CNOOC của Trung Quốc mời các công ty nước ngoài đấu thầu quyền khai thác 9 lô dầu khí chồng lấn với EEZ của Việt Nam. 

Có nhiều khả năng rằng Việt Nam sẽ sớm thực hiện hai bước đi làm thay đổi cuộc chơi: 

Thứ nhất, Việt Nam có thể sẽ thách thức Trung Quốc tại các tòa án quốc tế, nỗ lực tìm kiếm một bản án tuyên bố rằng chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc là bất hợp pháp và Trung Quốc không được phép thực hiện các chiến thuật hiện nay. Hà Nội bắt đầu xem xét bước đi này từ năm ngoái, khi Philippines mời Việt Nam tham gia vụ kiện Trung Quốc tại Toà án Luật biển Liên hợp quốc. Hà Nội quyết định không tham gia. Nhưng ngày 14/5, hai tuần sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nói với giới truyền thông rằng chính phủ đang tính đến hành động pháp lý. Cuối tháng 7/2014, Trường Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo theo đề nghị của chính phủ để đưa ra những đề xuất về các chiến lược pháp lý. 

Thứ hai, Việt Nam nhiều khả năng sẽ thúc đẩy mối quan hệ quân sự và ngoại giao thân tình hơn với Mỹ - không phải là một liên minh chính thức nhưng là một đối tác dựa trên lợi ích chung là ngăn chặn sự bá chủ của Trung Quốc tại Biển Đông. Ông Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao và là một trong 4 Phó Thủ tướng của Việt Nam, sẽ là nhân vật trọng tâm trong các nỗ lực này. Sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã mời ông Minh tới thăm Washington. Chuyến đi này sẽ được thực hiện vào cuối tháng 9/2014. 

Trước chuyến thăm của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Evan Medeiros, giám đốc cao cấp phụ trách các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã có chuyến thăm tới Hà Nội vào cuối tháng 7/2014. Chuyến thăm của ông Evan Medeiros được kế tiếp ngay sau đó bằng chuyến thăm của các thượng nghị sỹ John McCain và Sheldon Whitehouse, và hai tuần sau đó là chuyến thăm của Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ kéo dài 4 ngày, được truyền thông Việt Nam đưa tin đậm nét. Cả McCain và Dempsey đều đưa ra những ngụ ý là Washington sẽ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho quân đội Việt Nam. Cả hai cũng đều nhấn mạnh tới sự cần thiết phải nâng cao thực lực giám sát trên biển của Việt Nam. 

Một số học giả đã cho rằng bằng cách tự tách xa Trung Quốc về mặt chính trị, Việt Nam có thể sẽ châm ngòi cho cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc mà Việt Nam không thể thắng. Nhưng những lo ngại đó có vẻ được thổi phồng quá. Việt Nam xuất khẩu than đá, dầu thực vật, gỗ và nông sản sang Trung Quốc và nhập khẩu hàng tiêu dùng giá rẻ và máy móc - phần thương mại song phương đó không chỉ tương đối cân bằng mà cả hai nước đều sẵn sàng tìm thị trường khác cho các sản phẩm đó. Nếu như có thách thức thì nó sẽ nằm ở các sản phẩm như linh kiện điện tử, dệt may, phụ kiện giày dép được đưa từ Trung Quốc sang Việt Nam để lắp ráp và tái xuất khẩu. Hà Nội có thể sẽ phải mất một tới hai năm mới có thể tái thiết lập các chuỗi giá trị này nếu như Trung Quốc cắt đứt các chuỗi cung ứng này. 

Nhưng một lần nữa, Mỹ có vẻ như lại đưa ra một sự nương tựa tiềm tàng: Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận mà Việt Nam đã tham gia đàm phán từ năm 2009. Việt Nam là nước kém phát triển nhất trong số 12 thành viên đang đàm phán TPP và xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần nếu như thỏa thuận này có hiệu lực. Tính toán rằng các điều khoản của thỏa thuận sẽ mang lại nhiều ưu đãi cho hàng dệt may sản xuất hoàn toàn tại một quốc gia thành viên, các công ty của Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam đang xây dựng thực lực cho Việt Nam để có thể cung cấp nguồn đầu vào cho hàng dệt may và giày dép từ trong nước. 

Hà Nội muốn Mỹ đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, một bước đi mà Washington đã ra điều kiện là Hà Nội phải cải thiện tình hình đối xử với những người bất đồng chính kiến. Đối với hai chính phủ, đó là một vấn đề nguyên tắc. Có sự cách biệt lớn giữa Mỹ và Việt Nam trong vấn đề này. 

Đối với vấn đề tự do chính trị, Hà Nội, Washington hoặc cả hai phải thỏa hiệp nếu họ muốn hướng tới sự phát triển, nhưng không nước nào có nhiều khoảng trống để hành động. Nhiều thành viên Quốc hội Mỹ sẽ lo ngại về việc "ôm lấy" Hà Nội, cho dù họ thừa nhận rằng việc ngăn chặn sự bá quyền khu vực của Trung Quốc là lợi ích của cả hai nước. Nếu Hà Nội không thể cam kết về sự cởi mở chính trị, hoặc Washington không thể thực hiện một tầm nhìn dài hơn, thì mối quan hệ chiến lược thảo luận từ lâu chắc sẽ vẫn ngoài tầm với.

Đây là một lựa chọn khó khăn đối với Chính quyền Obama. Tại Biển Đông, Bắc Kinh không còn "trỗi dậy hòa bình" nữa, mà thay vào đó Bắc Kinh đã trở thành một kẻ bắt nạt láng giềng. Việt Nam là nước duy nhất tại Đông Nam Á vừa có đủ khả năng, vừa có dũng khí sẵn sàng đứng lên chống lại Trung Quốc.

Theo Foreign Affairs

Trần Quang (gt)