Thế giới hiện vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau cú sốc gần đây trên thị trường tài chính Trung Quốc. Một số người dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục chững lại trong một thời gian dài. “Ngày thứ Hai đen tối” vừa qua tuy không nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng tài chính những năm 1997-1998, song cũng đủ làm rung chuyển các thị trường trên toàn cầu.

Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Quốc đối với nền kinh tế thế giới vốn có nhiều mối quan hệ tương thuộc. Trước đây, khi kinh tế Mỹ chao đảo, nền kinh tế thế giới cũng không tránh khỏi bất ổn. Nhưng hiện nay, khi nền kinh tế Trung Quốc không "khỏe mạnh", Mỹ sẽ là nước đầu tiên “phơi nhiễm”, và sau đó là tới các khu vực khác, như châu Âu chẳng hạn.

Một số mâu thuẫn địa chính trị, vốn có tác động không nhỏ tới mối quan hệ Mỹ-Trung, chủ yếu xoay quanh việc tranh giành quyền lực tuyệt đối. Đó là các cuộc cạnh tranh giành quyền bá chủ, cạnh tranh về trật tự quyền lực thế giới và vị thế lãnh đạo toàn cầu, cũng như các vấn đề xoay quanh sự chuyển giao quyền lực. Trong quá khứ, nhiều cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng giữa một thế lực đương nhiệm và một thế lực đang nổi thường không kết thúc trong chiến tranh. Mối quan hệ này chủ yếu được xây dựng dựa trên các giá trị tùy thuộc xu thế thời đại. Đây cũng là vấn đề liên quan đến cuộc cạnh tranh xem mô hình phát triển nào là phù hợp.

Mối quan hệ Mỹ-Trung cũng xoay quanh việc các bất ổn đe dọa Mỹ nảy sinh từ sự suy giảm tầm ảnh hưởng chiến lược của họ trên toàn thế giới. Xét trên góc độ toàn cầu, mối quan hệ giữa cường quốc quân sự hàng đầu thế giới này và một Trung Quốc đang nổi được xem là khá ổn định. Tuy năng lực quân sự và chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc vẫn ở sau Mỹ khá xa, song các chính sách đối ngoại và an ninh ngày càng cương quyết của Bắc Kinh đang khiến không chỉ Washington, mà còn nhiều nước láng giềng của Trung Quốc, cảm thấy bất an.

Sự nổi lên của Trung Quốc không chỉ góp phần làm thay đổi bức tranh kinh tế thế giới mà còn tạo ra thách thức trực tiếp đối với tham vọng khôi phục ảnh hưởng của Mỹ. Mỹ đã không ngừng chỉ trích Trung Quốc gây bất ổn ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời có các biện pháp nhằm hạn chế sự hung hăng của quốc gia này. Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được sự bất đối xứng về quyền lực giữa họ và Mỹ. Tuy nhiên, trong phạm vi "sân sau" của mình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, Bắc Kinh không ngần ngại thách thức Mỹ và các đồng minh hiệp ước để bảo vệ những gì mà họ cho là lợi ích an ninh trọng yếu.

Trong số những vấn đề địa chính trị khu vực có ảnh hưởng trực tiếp tới mối quan hệ Mỹ-Trung, đáng chú ý nhất phải kể đến Triều Tiên, chừng nào quốc gia vẫn tiếp tục được Bắc Kinh bảo hộ. Bằng việc mời Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tới dự lễ duyệt binh tại Bắc Kinh ngày 3/9, Trung Quốc muốn nhấn mạnh với Triều Tiên về các mâu thuẫn địa chính trị mới tại Đông Á, như căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ-Trung là nguyên nhân gián tiếp dẫn tới quyết định tái quân sự hóa của Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Washington.

Với sự hậu thuẫn của Washington, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thành công trong việc sửa đổi Điều 9 Hiến pháp 1954 của Nhật Bản, mở đường cho việc tái vũ trang Nhật Bản. Chính sách tái cân bằng lực lượng của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương thực chất là nhằm kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Australia vào tháng 11/2011, Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương, và chúng tôi sẽ khẳng định điều này… Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện tích cực tại Nhật Bản và Bán đảo Triều Tiên, đồng thời mở rộng các hoạt động tại Đông Nam Á…”.

Trung Quốc coi chính sách xoay trục của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia. Bắc Kinh đã “đáp lại” Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng bằng nhiều sáng kiến kinh tế khu vực. Chẳng hạn, năm 2002, Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đã ký Thỏa thuận Khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện.Tháng 6/2015, Trung Quốc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) mà không có sự tham gia của Mỹ, Canada và Nhật Bản. Bất chấp sức ép từ Washington, nhiều quốc gia châu Âu đã trở thành thành viên sáng lập của ngân hàng này, trong đó có Đức, Anh, Pháp, Thụy Điển, Phần Lan và Hà Lan. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn chỉ trích Mỹ lợi dụng các đồng minh khu vực để kiềm chế sự nổi lên của mình, và cảm thấy không hài lòng về các chính sách an ninh của Mỹ tại vùng Viễn Đông. Những hành động theo kiểu “ăn miếng trả miếng” này phản ánh thực tế là mối quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế thế giới đang không mấy suôn sẻ.

Giáo sư Graham Allison thuộc Đại học Harvard từng viết trên tờ “Thời báo Tài chính” (số ra ngày 21/8/2012) rằng Trung Quốc nên thận trọng bởi “Mỹ có thể sẽ phát động một cuộc chiến nếu vị thế lãnh đạo toàn cầu của họ bị một đối thủ soán ngôi”. Ông dẫn lời Thucydides, một viên tướng nổi tiếng người Hy Lạp, nói: “Athens ngày càng có nhiều ảnh hưởng là nguyên nhân dẫn tới những lo ngại khiến Sparta tiến hành chiến tranh”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không có cùng quan điểm này. Thay vào đó, ông kêu gọi hai nước cùng tránh khỏi nguy cơ trên bằng việc “thúc đẩy một mối quan hệ nước lớn kiểu mới”, điều mà cho tới nay vẫn chưa thực sự nhận được cái gật đầu của Mỹ. Hy vọng rằng, cuộc gặp cấp cao tại Washington lần này có thể trở thành cơ hội để hai bên cùng vạch rõ những tương đồng mang tính chiến lược, lấy đó làm nền tảng thúc đẩy quan hệ song phương.

Theo New Straits Times Online

Trần Quang (gt)