Mỹ và Châu Á vừa trải qua hai tuần bận rộn về ngoại giao. Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN (HNTĐ) kết thúc tại Kuala Lumpur tuần trước ngay lúc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt đầu chuyến thăm một tuần tới Mỹ. Những cuộc gặp cấp cao này đến vào một thời điểm quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng hoạt động quân sự và thúc đẩy Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) bất chấp sự phản đối của Mỹ,

Trước HNTĐ ASEAN, Tổng thống Philippiens Benigno Aquino III đã tuyên bố ông sẽ thúc đẩy một tuyên bố chung của khối lên án các mối đe dọa từ hành động xây dựng cải tạo bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, ông đã không thành công. Tuyên bố chung của ASEAN không lên án và không chỉ đích danh Trung Quốc. Điều này cho thấy không có bất kỳ mặt trận thống nhất nào giữa 10 nước thành viên ASEAN.

ASEAN tiếp tục kêu gọi các bên tuân thủ DOC, nhưng không nói gì khi Bắc Kinh chỉ giả vờ tuân thủ. Kêu gọi lặp đi lặp lại của ASEAN càng chứng minh sự bất lực của khối này trong việc đoàn kết lại để tìm ra các phương thức xử lý thách thức. Với một tổ chức dựa trên sự đồng thuận như ASEAN, sự mất đoàn kết nội bộ ngày càng tăng của khối, do Bắc Kinh cố ý chia rẽ thông qua cưỡng ép kinh tế và các phương tiện khác, là một vấn đề đang đặt ra.

Tất nhiên, về mặt ngoại giao, Trung Quốc gần như lập tức tỏ ra “phẫn nộ” vì ASEAN ra tuyên bố về Biển Đông. Nhưng cá nhân các lãnh đạo Trung Quốc lại đang vui mừng với thành quả (chia rẽ ASEAN) của Trung Quốc. Trong ngày cuối cùng của Thượng đỉnh ASEAN, Ngoại trưởng Malaysia đã giải thích với các đồng nghiệp: “Chúng ta phải tránh bất kỳ hành động nào sẽ phản tác dụng, làm chúng ta xa nhau, kể cả giữa chính chúng ta, hoặc với Trung Quốc”

Câu chuyện ngoại giao ở Mỹ có vẻ tích cực hơn khi ông Shinzo Abe trở thành Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên phát biểu trước một cuộc họp chung của Quốc Hội Mỹ. Ông Abe tỏ ra ăn năn chân thành về cái chết của những người Mỹ trong Thế chiến II, đồng thời thừa nhận hành vi chiến tranh của Nhật Bản cũng đã gây đau khổ cho các quốc gia Châu Á.

Một số nhà quan sát thất vọng về việc Thủ tướng Nhật Bản không đưa ra một lời xin lỗi đầy đủ cho hành vi của chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản trước đây. Lịch sử vẫn là một rào cản quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc và ông Shinzo Abe không có ý định sẽ làm hài lòng Trung Quốc. Trong khi đó đại bộ phận còn lại của Châu Á ít quan tâm đến cách tiếp cận của Nhật Bản về quá khứ so với việc hiện tại Tokyo sẽ cân bằng với sức mạnh ngày càng tăng của Bắc Kinh như thế nào.

Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng định hướng quốc phòng phiên bản mới giữa hai nước cho phép Nhật Bản đóng góp tích cực hơn đối với an ninh Châu Á. Tokyo đang xem xét tiến hành các cuộc tuần tra ở Biển Đông và đã giúp Philippines nâng cấp khả năng phòng thủ trên biển. Hai nhà lãnh đạo cũng công bố sự tiến bộ trong đàm phán hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ nghĩ gì về các hoạt động ngoại giao này? Ông ta có thể sẽ nhìn thấy thành công trong nỗ lực của Bắc Kinh và có thể kết luận rằng không có thách thức nghiêm trọng nào đối với hoạt động tôn tạo đảo của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong khi đó, có thể Tập Cận Bình cảm thấy bối rối trước sự tăng cường của liên minh Mỹ - Nhật và các tiếp cận nghiêng về an ninh khu vực của Tokyo. Ông cũng không chào đón những tiến bộ về TPP, bởi nó không có lợi cho một trật tự khu vực nằm dưới sự thống trị của Trung Quốc. Mặc dù vậy Tập Cận Bình sẽ vẫn tin tưởng khi chứng kiến một loạt đồng minh lớn của Mỹ từ Anh đến HQ bỏ qua yêu cầu của Mỹ để xin gia nhập AIIB.

Bắc Kinh có thể yên tâm khi Quốc Hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thất bại trong việc thông qua ngân sách quốc phòng để tăng cường khả năng chủ động và hiện đại hóa của quân đội và Mỹ không có phản ứng nào có ý nghĩa đối với chiến dịch xây dựng pháo đài quân sự của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Vì vậy, định hướng quốc phòng Mỹ - Nhật mới và một thỏa thuận thương mại còn dang dở (TPP) sẽ ít có thể làm thay đổi hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo “WSJ” (ngày 4/5)

Nhật Linh (gt)