Người ta có thể cho rằng điều cuối cùng Nga cần làm khi bị lôi kéo vào cuộc đối đầu lớn nhất với phương Tây kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, là xa lánh hơn các nước láng giềng. Tuy nhiên, đó lại chính là những gì mà Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đã và đang làm hiện nay thông qua việc cho phép tiến hành các cuộc tập trận trên quy mô lớn ở quần đảo tranh chấp Kuril nơi mà Nga đã chiếm đóng vào năm 1945 chưa từng bao giờ được Nhật Bản công nhận. 

Người Nhật đang giận dữ. Thủ tướng Shinzo Abe nói: “Điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với đất nước chúng ta”. Các quan chức Nhật Bản cũng cho biết rằng vào năm ngoái đã có hơn 235 vụ lực lượng không quân của Nhật Bản quần thảo với các máy bay chiến đấu của Nga. Tuy nhiên, sự thực là các động thái quân sự mới nhất của Nga chỉ vô tình liên quan đến Nhật Bản. Chúng là một phần của một trò chơi lớn và phức tạp hơn của Nga nhằm củng cố thế đứng vững chắc ở châu Á. 

Chiến lược mới của Nga cố gắng nhân rộng mạng lưới các đồng minh song phương theo kiểu “trung tâm và các vệ tinh”, điều mà Mỹ đã tạo ra tại khu vực. Tuy nhiên, không giống như hệ thống các liên minh của Mỹ được thiết kế nhằm tối đa hóa sức mạnh Mỹ, chính sách châu Á vừa chớm nở của Nga được thiết kế để che giấu sự yếu kém hiện nay của nước này. Điều này khó có thể thành công, tuy nhiên nó có thể làm cho Nga trở thành một “kẻ phá bĩnh” tiềm tàng ở châu Á. 

Nga đã luôn luôn tuyên bố rằng mình là một cường quốc châu Á. Phần lớn lãnh thổ của nước này nằm ở châu Á như người Nga luôn tự hào nói biểu tượng quốc gia đại bàng hai đầu của họ trông về cả hai hướng Đông-Tây. Giống như câu chuyện con đại bàng hai đầu là một huyền thoại lịch sử, sự tin cậy của Nga ở châu Á cũng là như vậy. 

Triển vọng châu Âu 

Phần lớn dân số Nga sống ở châu Âu và tất cả các nhà lãnh đạo đất nước này đã là người châu Âu mà không có hiểu biết hay quan tâm đến các vấn đề châu Á. Do đó, không ngạc nhiên mỗi khi Nga cố gắng nhúng tay vào châu Á thì kết quả là một sự thất bại đau đớn. Nga là cường quốc châu Âu hiện đại đầu tiên bị đánh bại hoàn toàn về quân sự bởi một quốc gia châu Á trong cuộc chiến với Nhật Bản năm 1905. Giới lãnh đạo Xôviết tiếp theo ở trong tình trạng không có gì khá hơn. Nga đã nắm lấy quần đảo Kuril từ Nhật Bản vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai và nước này đã bí mật thúc đẩy các liên hệ với Trung Quốc. Điều cuối cùng, như Giáo sư Sergey Radchenko gần đây đã chỉ ra trong một nghiên cứu về các nỗ lực ngoại giao gần đây của Moskva rằng Nga đã tiếp tục thất bại trong các nỗ lực can dự của mình với các cường quốc châu Á sau sự sụp đổ của Liên Xô và đã bị đẩy ra “bên lề của thế kỷ Thái Bình Dương”. 

Các đặc điểm tồn tại liên tục trong chính sách của Nga qua nhiều thế kỷ là: xu hướng kinh niên coi châu Á chỉ đơn thuần là một phần bổ trợ cho các vấn đề châu Âu; mong muốn chuyển hướng sang châu Á chỉ khi tất cả các lựa chọn khác đã được thử nghiệm và thất bại; và chối từ những bài học rút ra từ các sai lầm trong quá khứ. Quyết định mới đây của ông Putin trong việc ký một thỏa thuận năng lượng khổng lồ trị giá 400 tỷ USD với Trung Quốc không nằm ngoài sự định dạng lịch sử này: nó được thực hiện trong tình trạng tuyệt vọng sau khi mối quan hệ của ông Putin với phương Tây trở nên chua chát. Nó đã chứng tỏ là một thỏa thuận thua thiệt so với những gì mà Nga có thể làm nếu ký kết vào những năm trước khi Trung Quốc ở vào vị thế cần hơn. Đây là lý do tại sao các chi tiết tài chính của thỏa thuận Nga-Trung này vẫn là một bí mật được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nhìn xa một chút sẽ thấy có rất nhiều bằng chứng cho thấy thỏa thuận với Trung Quốc như là nền tảng cho việc mở cánh cửa mới hướng tới châu Á, điều mà các nhà lãnh đạo Nga đang lo lắng về việc trở nên quá phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Họ cảm thấy bực bội với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Á và mang một nỗi sợ hãi gần như cố hữu về sức mạnh của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc toàn cầu. Nhiều nhà ngoại giao Nga ngày nay vẫn còn nhớ lời của Bộ trưởng Ngoại giao kỳ cựu Andrei Gromyko thời Liên Xô khi ông cảnh báo các đồng nghiệp của mình rằng “bạn có thể đang ở tâm trạng phấn khích về Trung Quốc nhưng rồi thời gian sẽ làm tất cả các bạn phải rơi lệ”. Do đó, ông Putin rất muốn đa dạng hóa chính sách châu Á của mình để tránh chỉ tập trung vào một mình Trung Quốc. Thay vì phải xử lý điểm bất lợi này, ông Putin lại cho rằng sự vắng mặt của Nga trong một thời gian dài ở khu vực này là một nguồn sức mạnh. 

Phương pháp tiếp cận có chọn lọc

Moskva chọn lọc những lập trường khác nhau mà nó sẽ thể hiện đối với các vấn đề an ninh chính của châu Á. Ví dụ, đối với các tranh chấp lãnh thổ gai góc ở Biển Đông, Moskva ủng hộ đàm phán đa phương để làm hài lòng Việt Nam hay Philippines, song cũng lập luận rằng các quốc gia nên giải quyết riêng rẽ với Trung Quốc nhằm làm hài lòng Bắc Kinh. Trên thực tế, Nga cố gắng để có được miếng bánh của riêng mình. 

Điều tương tự như vậy cũng được Nga áp dụng đối với quan hệ song phương của nước này với từng nước châu Á khác. Nga cung cấp vũ khí cho Trung Quốc và hy vọng ngày càng bán được nhiều hơn. Bên cạnh đó, Nga cũng là nước bán vũ khí chính cho Ấn Độ và Việt Nam, những nước mua vũ khí chủ yếu là để đáp ứng trước điều mà họ cho là mối đe dọa từ Trung Quốc. 

Ông Putin cũng không tiếc lời ca ngợi Hàn Quốc và mời chào các bản hợp đồng năng lượng mới tại Seoul, trong đó có một dự án đường ống năng lượng trong mơ mà thực tế sẽ không bao giờ được xây dựng. Bên cạnh đó, ông cũng đã bỏ qua tất cả các khoản nợ mà Triều Tiên đã có với Nga, đồng thời tự nâng mình lên như một người bảo vệ mới của Triều Tiên ngay khi Trung Quốc bắt đầu gây áp lực kinh tế đối với Bình Nhưỡng hồi đầu năm nay. 

Quan hệ với Nhật Bản thậm chí còn dễ thấy hơn. Một mặt, ông Putin thường xuyên thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với nguồn vốn và công nghệ khoan nước sâu của Nhật Bản để khai thác năng lượng ở Siberia, đồng thời nhà lãnh đạo Nga này đã lên kế hoạch chính thức thăm Tokyo vào tháng tới để ký kết các hợp đồng như vậy. Mặt khác, cũng chính ông là người đã ra lệnh tiến hành một cuộc tập trận quân sự làm nhấn chìm chuyến đi này cũng như mối quan hệ vừa chớm nở với Nhật Bản. 

Tuy nhiên, đằng sau chính sách đối ngoại thất thường ở trên là một lôgích khác thường của Nga. Nga cho rằng sự cạnh tranh quyết liệt giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ định hình đặc điểm của châu Á trong những năm tới. Bên cạnh đó, người Nga cũng tin rằng châu Á sẽ không tạo được các cấu trúc an ninh khu vực chặt chẽ hơn. Hai giả định này đã đưa Moskva đến kết luận rằng Nga có thể đóng một vai trò chiến lược độc nhất với kết quả cuối cùng là Nga đều được tất cả các quốc gia quan trọng ở châu Á cần đến trong việc sử dụng làm đòn bẩy chống lại quốc gia khác. 

Việc bán vũ khí của Nga cho Ấn Độ và Việt Nam không chỉ với mục đích kiếm tiền mà còn được sử dụng như là một lời cảnh báo gián tiếp đối với Trung Quốc không được xâm phạm quá xa vào Trung Á hay các vùng ảnh hưởng khác của Nga. Tương tự như vậy, sự liên kết chặt chẽ giữa Nga với Hàn Quốc và Nhật Bản không chỉ thu hút nguồn đầu tư đang rất cần với nền kinh tế Nga mà còn được thiết kế để nhắc nhở Bắc Kinh rằng nước Nga có nhiều lựa chọn khác ở châu Á.

Đối với trường hợp Hàn Quốc và Nhật Bản, Moskva sẵn sàng chơi con bài Triều Tiên để chống lại Seoul, hay chơi con bài quần đảo Kuril để chống lại Nhật Bản. Các cuộc tập trận mới nhất tại quần đảo Kuril được tiến hành như một lời cảnh báo với Nhật Bản không được tham gia các biện pháp trừng phạt kinh tế do Mỹ dẫn đầu chống lại Nga.

Làm một chủ thể thực sự ở châu Á 

Cho đến nay, Nga chưa có đủ sức nặng kinh tế hoặc các khả năng quân sự lâu dài để biến mình trở thành chủ thể thực sự ở châu Á. Thậm chí với thế mạnh nguồn dầu khí của mình trong bối cảnh nhu cầu nguồn năng lượng này vẫn còn rất mạnh thì Nga vẫn còn cần nhiều năm đầu tư lớn vào các đường ống dẫn mà ở thời điểm hiện tại vẫn chưa hiện hữu, trước khi các đường ống dẫn này có giá trị chiến lược trong phạm vi châu Á.

Tuy vậy, các trò chơi hiện tại của Nga vẫn có thể làm phức tạp các thỏa thuận an ninh ở châu Á. Chính phủ Nhật Bản dường như đã tự thuyết phục rằng mình có thể sử dụng Nga để đối trọng với Trung Quốc. Các quan chức Triều Tiên phát biểu gần đây cho biết họ đã dành một vị trí quan trọng cho sự “trở lại” của Nga ở châu Á. Tất cả chỉ là ảo tưởng và nó càng phủ thêm một lớp bất định và không thể dự báo lên châu Á. 

Tuy nhiên cuối cùng, người thiệt hại lớn nhất từ trò chơi này sẽ là chính nước Nga. Cho dù chính sách ngoại giao châu Á của Nga là khéo léo và giàu sức tưởng tượng, nước này sẽ không thể gặt hái được điều mà mình mong muốn nhất, đó là sự trở lại vị thế của một cường quốc. Ông Viktor Chernomyrdin, vị Thủ tướng tại vị lâu nhất của Nga, một lần đã cố giải thích tại sao ông và các chính trị gia khác không thành công trong việc chặn đứng sự xuống dốc của đất nước mình. Ông nói: “Chúng tôi đã nỗ lực hết khả năng. Tuy nhiên, các vấn đề chẳng bao giờ được cải thiện”.

Theo Straits Times

Văn Cường (gt)