Một số hãng truyền thông đã làm phép so sánh khả năng dự trữ dầu mỏ chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay, cho rằng khả năng dự trữ dầu mỏ của Mỹ có thể đạt tới 200 ngày, thậm chí nhiều hơn thế, trong khi dự trữ dầu mỏ của Trung Quốc chỉ có thể cung ứng trong 30 ngày sử dụng. Trên thực tế, dự trữ dầu thô chiến lược của Trung Quốc được xem là một thông tin tuyệt mật, không thể công bố ra bên ngoài. Tuy nhiên, chuyên gia Lâm Bá Cường - Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu kinh tế năng lượng của trường Đại học Hạ Môn - cho rằng Trung Quốc đã khởi động chương trình dự trữ dầu mỏ chiến lược và tiến độ được triển khai rất nhanh, đồng thời vị chuyên gia này cũng cho rằng một số phương tiện truyền thông đã đánh giá khả năng dự trữ dầu mỏ chiến lược của Trung Quốc một cách phiến diện, không chính xác.Mặc dù chương trình dự trữ dầu mỏ chiến lược của Trung Quốc được khởi động tương đối chậm, nhưng hiệu suất không phải là thấp. Chuyên gia Lâm Bá Cường cho biết theo đánh giá của cá nhân ông, dự trữ dầu mỏ chiến lược của Trung Quốc hiện nay đạt trên 50 ngày. Hiện nay, công trình dự trữ dầu mỏ chiến lược giai đoạn hai đang được xây dựng cũng đã bắt đầu tiếp nhận dầu. Sau khi công trình này được hoàn thành, dự trữ dầu mỏ chiến lược của Trung Quốc có thể sẽ đạt trên 60 ngày. Ngày 18/12/2007, Trung tâm Dự trữ Dầu mỏ Quốc gia Trung Quốc chính thức được thành lập, chia thành ba giai đoạn xây dựng trong thời gian 15 năm. Hiện nay, công trình dự trữ dầu mỏ chiến lược giai đoạn thứ nhất đã hoàn thành, công trình giai đoạn hai dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2012, công trình giai đoạn ba đang trong quá trình quy hoạch, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2020, khi đó dự trữ dầu mỏ chiến lược của Trung Quốc sẽ đạt 90 ngày. Chuyên gia Lâm Bá Cường nói rằng dự trữ dầu mỏ chiến lược là mắt xích quan trọng trong hệ thống an ninh năng lượng quốc gia, không có đủ nguồn cung ứng dầu mỏ, phát triển kinh tế sẽ mất đi động lực. Đáng tiếc là phản ứng của Trung Quốc đối với nhu cầu dự trữ dầu mỏ tương đối chậm. Nếu chương trình được khởi động sớm hơn, Trung Quốc đã có thể tranh thủ được cơ hội giá dầu quốc tế sụt giảm hồi năm 2008 và sớm tăng cường năng lực dự trữ dầu.

Cơ chế dự trữ dầu mỏ chiến lược của Trung Quốc được bắt đầu từ cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1973, mục đích nhằm giúp nhà nước có thể giảm nhẹ áp lực xã hội về dầu mỏ trong thời gian xảy ra chiến tranh hoặc thiên tai. Căn cứ yêu cầu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế khi đó, các nước thành viên ít nhất cũng phải có khả năng dự trữ dầu mỏ trong vòng 60 ngày, chủ yếu là dự trữ dầu thô. Sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ hai trong thập niên 80 thế kỷ 20, yêu cầu dự trữ dầu mỏ tiếp tục tăng lên 90 ngày. Theo tính toán của chuyên gia Lâm Bá Cường, dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ ước tính khoảng 90-100 ngày, do giá nhập dầu mỏ cao, nên giá thành duy trì dự trữ cũng cao. Thời gian dự trữ 90 ngày do Cơ quan Năng lượng Quốc tế quy định là có căn cứ khoa học. Cho dù chiến tranh ảnh hưởng tới cung ứng dầu mỏ, nhưng thời gian và tiến trình của chiến tranh hiện đại hóa đều có tính kiểm soát. Vậy nên, dự trữ dầu mỏ chiến lược 90 ngày có thể giúp các nước chống đỡ trong vòng hơn nửa năm, đến khi đó sản xuất dầu mỏ quốc tế đã có thể phục hồi trở lại.Hiện nay, sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ bên ngoài của Trung Quốc lên tới 55%, nên tình hình Trung Đông ngày càng căng thẳng không tránh khỏi làm ảnh hưởng tới giá dầu và nhập khẩu dầu của Trung Quốc. Đối với tình hình này, chuyên gia Lâm Bá Cường cho rằng “Trung Quốc chỉ có thể nhanh chóng xây dựng hệ thống nhập khẩu dầu mỏ đa nguyên hóa, giảm thiểu nhập khẩu dầu mỏ từ Trung Đông, tăng cường nhập khẩu dầu mỏ từ các nước khác, trong đó có Nga. Vài năm trở lại đây, Trung Quốc cũng thể hiện nhiều nỗ lực, nhưng không gian lựa chọn của Trung Quốc không nhiều, trong khi tìm kiếm đa nguyên hóa nguồn nhập khẩu dầu mỏ cũng trở nên hết sức khó khăn. Trong thời gian gần đây, sản lượng khai thác dầu mỏ của Trung Quốc chỉ duy trì ở mức 200 triệu tấn mỗi năm, số còn lại chỉ có thể phụ thuộc vào nhập khẩu, nguồn năng lượng thay thế cũng không thể lập tức 'lên ngôi', cho nên Trung Quốc trong một chừng mực nhất định khó có thể tránh khỏi rủi ro trong nhập khẩu dầu mỏ".

Theo “Thời báo Hoàn cầu” (10/2)

Hương Trà (gt)