Đối với bất cứ sinh viên ngành địa kinh tế nào, những lần xoay vòng hiện nay của các thị trường chứng khoán Trung Quốc và thế giới là một điều lôi cuốn. Thị trường chứng khoán Thượng Hải có tiếng là không ổn định: hai năm trước nó hoàn toàn bị đình trệ khi nền kinh tế Trung Quốc dường như đang bùng nổ, trong khi trong năm vừa qua, thị trường lại sôi sục khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Nó cũng nổi tiếng với rất nhiều giao dịch nội bộ, và kết nối rất kém – nếu không muốn nói là hầu như không có kết nối – với các thị trường quốc tế (kết nối với thị trường chứng khoán Hong Kong là một diễn tiến mới đây). Tất cả các nhà quan sát dày dạn kinh nghiệm đều biết rằng điều cốt yếu tại Trung Quốc là tham gia trước những người khác, điều thường đòi hỏi các mối quan hệ, và thoát ra trước những người khác, mà trên bình diện quốc tế là kỹ năng chính của các quỹ đầu cơ. Thị trường là câu truyện thần thoại giúp các cổ đông nhất thời giàu lên, chứ không phải các nhà đầu tư giá trị. Khối lượng giao đã đạt mức cao một cách vô lý, cho dù chiếm 60% GDP, toàn bộ giá trị vốn hóa thị trường của Trung Quốc chưa đạt tới tỷ lệ nóng 160% GDP của đầu năm 2008.

Nói theo cách khác, thị trường chứng khoán Thượng Hải luôn là một rủi ro sắp xảy ra. Hơn nữa, lần sụt giảm đầu tiên của nó vào ngày 15/6 nhiều khả năng được châm ngòi bởi một yếu tố hoàn toàn hữu hình: nhận thức của các nhà đầu tư và nhà đầu cơ Trung Quốc rằng vụ vỡ nợ sắp diễn ra của Hy Lạp sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn tại châu Âu và qua đó là một sự sụt giảm nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế của Mỹ nhiều khả năng sẽ chậm lại với viễn cảnh Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) sắp tăng lãi suất. Các nhà bình luận thường bỏ qua mức độ mà người mua cổ phiếu Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi nhận thức của họ về nền kinh tế toàn cầu, và họ thường được cung cấp những đánh giá rất tiêu cực từ truyền thông nước này.

Những gì diễn ra sau đó đã cho thấy cả quyền lực của nhà nước Trung Quốc lẫn sự ngày càng thiếu vắng tính cố kết trong các chính sách kinh tế của nước này. Bàn tay hầu như không cần phải che giấu của chính phủ đã giúp phục hồi và ổn định thị trường, một tiến triển được khởi xướng trong khi Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhân vật có khuynh hướng ủng hộ thị trường hơn, đang công du nước ngoài. Bản thân việc này không phải là một điều khác thường: chính sách kinh tế vĩ mô của Trung Quốc trong nhiều năm qua đã thể hiện một xu hướng dễ thay đổi, ví dụ như thay phiên nhấn chân ga và phanh, cố gắng giảm bớt bong bóng, và sau đó ngăn chặn hậu quả là sự giảm tốc của nền kinh tế. Tuy nhiên trong những năm trước, chính phủ hầu như đã để thị trường chứng khoán tự phát triển – bất chấp vô số hoạt động gian lận diễn ra hàng ngày. Ngược lại, chính phủ gần như đảm bảo tỷ giá hối đoái cho đồng nhân dân tệ. Trên thực tế trong những tháng gần đây, ghìm chặt tỷ giá đồng nhân dân tệ với đồng USD đã bắt đầu tiêu tốn một khoản đáng kể trong dự trữ tiền tệ trung ương.

Mọi việc đã thay đổi vào tháng 6 và tháng 7. Một mặt, bằng việc can thiệp một cách rõ ràng và ồ ạt vào thị trường chứng khoán, chính phủ đã ngăn chặn sự sụt giảm, nhưng với cái giá phải trả là hầu như đóng băng thị trường. Theo cách này, chính phủ đã vô tình thuyết phục các bên tham gia thị trường rằng đang có một vấn đề rất lớn. Và từ thời điểm đó trở đi, các nhà đầu tư tư nhân hầu như đã để thị trường rơi vào tay chính phủ. Ngược lại, với tiền tệ, Ngân hàng trung ương đã công bố vào đầu tháng 7 điều tương đương với một sự thay đổi cơ chế, từ sự chắc chắn của việc neo giá theo đồng USD sang sự không chắc chắn của một số tác động từ thị trường. Thực tế rằng một chính sách mới được khởi xướng và công bố bởi Ngân hàng trung ương, một thể chế có phần theo hướng cải cách mà không phải lúc nào cũng có được sự ủng hộ hoàn toàn của chính phủ, là một điều có ý nghĩa, vì tín nhiệm là tên gọi của trò chơi cho các thị trường. Hầu hết các nhà đầu tư coi bước đi này là một sự phá giá được che giấu vì những lý do cạnh tranh – và quyết định khuếch đại nó.

Điều diễn ra sau đó là một thảm họa về liên lạc do chính sách không rõ ràng của chính phủ, thiếu đi một cảm giác toàn diện về phương hướng. Ngân hàng trung ương đã bị buộc phải rút lại lời nói của mình, mua đồng nhân dân tệ hàng ngày trước khi thị trường đóng cửa để ổn định tỷ giá hối đoái cho ngày tiếp theo. Trên thị trường chứng khoán, các quỹ công đã trở thành bên tham gia chủ đạo, với các nhà đầu tư tư nhân rút ra bên lề - hoặc chờ đợi một cơ hội để bán.

Việc này xảy ra trong khi Trung Quốc đang cảm nhận những cơn “rùng mình” khác. Một số trong đó mang tính chính trị: một chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng đang hạ bệ ngày càng nhiều nhân vật nắm giữ quyền lực quan trọng và những người thân tín có liên quan của họ, từ quân đội, lĩnh vực an ninh và dầu mỏ và từ các tỉnh đa dạng như Sơn Tây, Quý Châu hoặc Hà Bắc. Rõ ràng là không ai được an toàn ngoài những người thân cận nhất với Chủ tịch Tập Cận Bình, họ hàng của những nhà lãnh đạo trước đây mà đã trở thành những nhân vật nắm giữ quyền lực lớn cũng đang bị nhắm tới, ví dụ như con cháu của Giang Trạch Dân hay Lý Bằng. Trên hết, vụ nổ Thiên Tân, biểu tượng cho nạn tham nhũng tràn lan tại trung tâm tổ hợp công nghiệp của Trung Quốc, tạo ra một khía cạnh mới cho sự không chắc chắn: Nếu chính quyền Thiên Tân có thể bị kết tội vì thảm họa này, không chính quyền địa phương nào sẽ được an toàn, do họ hầu như đều đi theo khuôn mẫu tương tự.

Nếu đây là Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình, hoặc của Triệu Tử Dương hoặc thậm chí của Chu Dung Cơ, sẽ có một con đường chính trị thoát khỏi đầm lầy: nhanh chóng thoát khỏi cuộc khủng hoảng bằng cách tuyên bố một sáng kiến cải cách mới. Nhưng cho tới gần đây Tập Cận Bình đã tạo dựng bản thân như là thúc đẩy một hình thức cải cách kỹ trị và phi chính trị, và lảng tránh tất cả những ngôn từ chính trị có liên quan tới một nền kinh tế thị trường, tự do hóa thị trường và trên hết, các thể chế độc lập và tự do. Ông đã giành được quyền lực cá nhân sâu rộng với cái giá là đặt sự vĩ đại của Trung Quốc lên trên cải cách của nước này.

Rõ ràng đã có sự do dự hoặc tranh luận ở cấp cao nhất. Sau một bước đi nhằm tự do hóa thị trường tiền tệ, Ngân hàng trung ương đã quay trở lại chống đỡ cho đồng nhân dân tệ - và sau đó trấn an tất cả mọi người rằng cơ quan này sẽ tiếp tục bước đi tiến tới một tỷ giá linh hoạt cho đồng tiền: tuy nhiên, điều này vẫn chưa xảy ra. Thay vào đó, nhà chức trách hầu như đã ngừng can thiệp vào thị trường chứng khoán Thượng Hải – trên thực tế là để nó rơi tự do lần nữa. Bản thân bước đi này được bao phủ bởi sự không chắc chắn, do cơ quan thông tấn chính thức của Trung Quốc gần đây đã công bố rằng một bên tham gia mới của chính phủ sẽ được phép can thiệp và mua cổ phiếu: việc này được hiểu rộng rãi như là tín hiệu cho một đợt can thiệp mới, nhưng không sự can thiệp nào đã diễn ra. Thông tin quan trọng vào ngày 23/8 là Chính phủ Trung Quốc đã từ bỏ việc can thiệp vào thị trường chứng khoán và chuyển hướng sang một chính sách thiên về thị trường, từng là ý định của họ cho cơ chế tiền tệ.

Tất cả những điều này – cùng với một vài nguồn tin chính thức lên án các nhà lãnh đạo trước đây và “các con hổ” do đã can thiệp vào chính sách hoặc nói về sự kháng cự mạnh mẽ của các nhóm lợi ích chống lại cải cách – cho thấy một cuộc tranh giành quyền lực. Khi xét tới thành tích ấn tượng của Tập Cận Bình trong hai năm qua, dường như có nhiều khả năng ông sẽ giành chiến thắng trong cuộc tranh đua này. Như với các diễn biến khác trong hai năm qua – sự phát triển nhanh của nền kinh tế dịch vụ và tư nhân, bán lẻ trên Internet và giao dịch ngân hàng trên mạng – ông có thể đang ủng hộ các nhà cải cách kinh tế, trong đó Thủ tướng Lý Khắc Cường vẫn là nhân vật nổi bật nhất, nhiều hơn so với người ta từng nghĩ trước đây. Cuộc chiến chống lại các đối thủ bảo thủ và các nhóm lợi ích tham nhũng trên thực tế có thể khiến ông đi sâu hơn theo hướng này.

Nhưng phong cách truyền đạt của Tập Cận Bình đi ngược lại với mục tiêu của cải cách. Ông không thể thắp lại niềm hy vọng cứu tinh về một sự chuyển hướng sang kinh tế thị trường vốn là đặc trưng cho các kỷ nguyên trước đây. Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc không còn là những bên tham gia ngây thơ trên thị trường. Họ đã đạt được những lợi ích mạnh mẽ, mà phần lớn nằm ở mặt trái của nền kinh tế - trước hết là các cổ phần bất động sản bị thổi phồng. Cuộc chiến chống tham nhũng làm gia tăng một cảm giác bất an mà cũng được kích thích bởi sự giảm tốc của nền kinh tế, bởi các tin tức quốc tế ảm đạm và bởi một sự không chắc chắn mới về tỷ giá hối đoái. Những người bị ảnh hưởng tìm nơi ẩn náu hoặc nhắm tới những cửa hậu thoát hiểm mà họ có thể tìm thấy: nổi bật nhất, kênh đầu tư Kết nối Chứng khoán Hồng Công - Thượng Hải (Hong Kong-Shanghai Connect) gần đây đã được sử dụng như là một lối thoát.

Vào chính thời điểm này, tâm lý đã lấn át phân tích hợp lý. Trung Quốc vẫn đang bùng nổ – như đã được thể hiện thông qua sự gia tăng 10,4% so với cùng kì về tiêu dùng hộ gia đình (hoặc mức tăng 48% số khách du lịch Trung Quốc tới Pháp trong nửa đầu năm 2015). Thặng dư thương mại với nước ngoài đang lớn hơn bao giờ hết, vì Trung Quốc đột nhiên đang mua năng lượng và nguyên liệu thô với giá rẻ: chính những nhà sản xuất nước ngoài (như Gazprom) đang phải chịu thua lỗ. Một sự sụp đổ trên thị trường chứng khoán tại Trung Quốc là chuyện bình thường. Một sự thay đổi về cơ chế tiền tệ nên là tin tốt cho những người tin vào vị thế sắp tới của đồng nhân dân tệ như là một đồng tiền dự trữ quốc tế. Nhìn chung, những đau đớn về tăng trưởng là không thể tránh được đối với một nền kinh tế đang trải qua sự thay đổi cơ cấu. Và sự thay đổi cơ cấu này, từ đầu tư quá mức sang tiêu dùng, từ cơ sở hạ tầng sang nền kinh tế công nghệ cao hay có thực, từ thương mại sang dịch vụ, và thoát khỏi một mô hình đang làm thế giới cạn kiệt các tài nguyên thiên nhiên – là cái mà mọi nhà kinh tế có khuynh hướng cải cách đã kêu gọi trong quá khứ.

Tuy nhiên không một ai, ngoại trừ một số nhà kinh tế phi thị trường, dường như nhìn nhận mọi việc theo hướng này. Sau khi tin vào câu chuyện thần thoại về việc tất cả cùng thắng, các nhà kinh tế và bên tham gia thị trường dường như bị chìm đắm trong một tầm nhìn về việc tất cả cùng thua. Và việc này đến lượt nó đang khuếch đại những cú sốc tiêu cực được cảm nhận từ sự giảm tốc toàn diện của Trung Quốc. Những sự sụt giảm được chứng kiến tại các thị trường tài chính mà hầu hết không có tương quan với Trung Quốc chứng thực cho một sự thật lớn hơn, rằng nền kinh tế toàn cầu đang đứng trên một lớp băng mỏng trong một thời gian, được duy trì bởi lãi suất ở mức 0 và nới lỏng định lượng. Thị trường chứng khoán Pháp – trong một nền kinh tế mà chỉ 3,5% hàng hóa xuất khẩu được chuyển tới Trung Quốc – là một ví dụ thích hợp. Trung Quốc là một thần thoại tích cực, giống như lượng vốn lớn và hàng hóa xa xỉ xuất khẩu là điều tích cực đối với các nhà sản xuất năng lượng giàu có. Sự sụp đổ của giá năng lượng và nguyên liệu thô nên là tin tức tốt lạ thường cho các thị trường tiêu dùng lâu đời mà không may mắn có được những nguồn tài nguyên thiên nhiên này. Trên thực tế, điều này lại không đúng: thuế năng lượng khổng lồ về cơ bản đã làm giảm tác động của những thay đổi về giá (một sự sụt giảm giá dầu từ 150 USD xuống còn 40 USD/thùng được chuyển thành giảm giá 10% khi mua xăng). Nợ công treo lơ lửng biến giảm phát được nhập khẩu thành tin xấu, vì nó làm gia tăng sức nặng tương đối của nợ. Trên thực tế, sự tài trợ vốn công khổng lồ cần ngăn chặn việc áp dụng chính sách chi tiêu kiểu Keynes, trong khi nới lỏng định lượng về cơ bản cho phép chính phủ tiếp tục các khoản trợ cấp xã hội mà có chức năng như là các phương tiện giảm sốc trong thời kỳ suy thoái, nhưng không thể tạo ra một sự tăng trưởng.

Không phải tình trạng của nền kinh tế Trung Quốc đang tạo ra cơn sóng bi quan về thị trường trên toàn cầu, mà chính sự biến mất của câu chuyện thần thoại tích cực về Trung Quốc, có chức năng như là sự ủy nhiệm cho tất cả các nền kinh tế mới nổi và giúp cân bằng sự bi quan vốn có trong các xã hội thịnh vượng. Trong năm qua, lượng vốn khổng lồ từ các nền kinh tế mới nổi và nền kinh tế dầu mỏ, nhiều hơn so với lượng vốn từ Trung Quốc, đã chảy vào các nền kinh tế phát triển và tái tạo bong bóng trong thị trường bất động sản và chứng khoán. Dòng chảy này sẽ cạn kiệt khi các nền kinh tế mới nổi và sản xuất tự nhiên bị vắt kiệt. Trên thực tế, Trung Quốc hóa ra có thể có nhiều khả năng xoay xở và quyết tâm hơn các nền kinh tế phát triển, ngoại trừ Mỹ, để hướng tới một nền kinh tế dịch vụ và công nghệ cao. Nước này cần đánh dấu quá trình chuyển đổi này rõ ràng hơn so với những gì từng làm trước đây. Châu Âu đang đối mặt với những mặt trái của chính mình: một mặt, các chi tiêu công và an sinh xã hội không thể chống đỡ đối với nhiều nền kinh tế; mặt khác, một sự bất lực hoàn toàn để biến một sự cân bằng từ bên ngoài rất tích cực (giờ đây khi giá hàng hóa đang giảm và các nhà sản xuất mới nổi đang cạnh tranh với nhau để giữ thị phần) thành một chính sách thiên về tăng trưởng bên trong châu Âu. Việc này không liên quan tới Trung Quốc, nước có chức năng như là một câu truyện thần thoại tích cực trong một thời gian và hiện là đối tượng ủy nhiệm cho sự bất lực của chính chúng ta để tạo ra một chính sách tăng trưởng ở cấp độ châu lục.

Theo Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại

Trần Quang (gt)