Sau hai thế kỷ tương đối yếu kém, trung tâm quyền lực quốc tế đang trở lại Châu Á. Các cường quốc bên hai bờ Thái Bình Dương, Mỹ và Úc giành được nhiều lợi ích từ sự nổi lên của Châu Á và sự nổi lên này cũng đem lại nhiều thách thức. Mỹ và Úc có vai trò quan trọng trong việc giúp Trung Quốc trỗi dậy, và những lợi ích do tăng trưởng của Trung Quốc mang lại lớn. Sự lớn mạnh của Trung Quốc là tiềm năng để nước này đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng quốc tế. Tuy nhiên, các rủi ro liên quan đến sự nổi lên của Châu Á ngày càng trở nên rõ ràng.

Hiện có 6 trong số 9 cường quốc có vũ khí hạt nhân nằm ở khu vực Ấn-Thái Bình Dương (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan). Tiến trình hiện đại hóa quân sự nhanh chóng của Trung Quốc đã đưa nước này trở thành nước có chi tiêu quân sự lớn thứ hai trên thế giới. Ở những nơi khác trong khu vực, các nước phản ứng trước sự hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc bằng cách phát triển riêng các khả năng quân sự của mình, dẫn đến các quan ngại về một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh chính trị, kinh tế, quân sự mới của mình để bắt nạt các nước nhỏ hơn. Áp lực của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông, Biển Đông và Himalaya đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. “Nghịch lý Châu Á” về hợp tác kinh tế và cạnh tranh an ninh tăng tương ứng với nhau là không thể nhầm lẫn.

Trên thực tế, hầu hết các đồng minh của Mỹ ở Thái Bình Dương ngày nay buôn bán với Trung Quốc nhiều hơn với Mỹ. Đồng thời, các cuộc khảo sát cho thấy gần như tất cả các nước trong khu vực đều thích một trật tự do Mỹ lãnh đạo hơn là trật tự do Trung Quốc làm trung tâm. Liệu những phức tạp của sự một Châu Á đang lên có đồng nghĩa với việc liên minh Mỹ- Úc đang bước vào thời kỳ như một bức tranh có mảng tối mảng sáng? Các chính trị gia Úc đang thảo luận liệu nghịch lý này có báo trước sự kết thúc của hệ thống đồng minh do Mỹ lãnh đạo trong khu vực?

Một số nhà lãnh đạo Úc lo lắng về việc Washington ngày càng bị sao lãng bởi các cuộc khủng hoảng tại Trung Đông và Châu Âu. Các quan chức Úc khác lại lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc và khả năng bị Mỹ cuốn vào một cuộc xung đột. Lo lắng này có từ ít nhất từ năm 2004, khi Ngoại trưởng Alexander Downer làm Washington ngạc nhiên khi tuyên bố các nghĩa vụ của Úc theo Hiệp ước ANZUS sẽ không mở rộng đến trường hợp Eo biển Đài Loan. Năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng David Johnston cũng đưa ra một tuyên bố gần như tương tự đối với Biển Hoa Đông. Tóm lại, một số chính trị gia tại Canberra đang ngày càng quan ngại về khả năng bị sập bẫy bởi Mỹ.

Tại Washington, một số nhà hoạch định chính sách đang trở nên lo lắng về việc Úc bỏ rơi khi có căng thẳng với Trung Quốc xảy ra trong tương lai. Khi ngân sách quốc phòng 2013 của Úc giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1938 (tính theo tỉ lệ GDP), quan ngại của Mỹ tăng lên. Các cuộc thảo luận tại Canberra đã nhận được chất vấn lặng lẽ của một số quan chức cấp cao Mỹ về việc liệu Nhật Bản có thể thay thế Úc như đồng minh đáng tin cậy nhất của Mỹ tại Châu Á.

Những xu hướng này cho thấy một sự đảo ngược. Trong phần lớn lịch sử của Úc, các nhà lãnh đạo lo lắng về việc bị đồng minh chính yếu bỏ rơi (ban đầu là Anh và sau này là Mỹ). Việc Úc tham chiến sát cánh cùng các lực lượng Mỹ trong tất cả các cuộc xung đột lớn kể từ chiến tranh thế giới lần thứ nhất một phần xuất phát từ mong muốn đảm bảo rằng London và Washington sẽ ghi nhớ sự hy sinh của Úc và hỗ trợ khi nước này cần đến. Đồng thời, Mỹ coi Úc là một đồng minh không thể thiếu và gần như không bao giờ phải lo lắng về sự ủng hộ của Canberra.Các căng thẳng liên minh đang diễn ra ngày nay xuất phát từ thực tế là các khả năng quân sự đang được mở rộng của Trung Quốc và thái độ ngày càng quyết đoán của nước này đã gây nên nguy cơ xung đột khu vực.Tuy nhiên, ngày nay có một số câu hỏi về việc liệu liên minh vẫn cần thiết trong bối cảnh Châu Á nổi lên.

Cuộc tranh luận đang diễn ra này là dấu hiệu không chỉ của việc các nước có hoàn cảnh khác nhau, mà còn bởi vì thiếu một chiến lược chung để định hình sự nổi lên của Trung Quốc. Chúng ta tin tưởng rằng các xu hướng chỉ tăng cường tầm quan trọng của liên minh và tương lai cũng tươi sáng như quá khứ.

Trong kỷ nguyên hậu chiến tranh lạnh, các liên minh của Mỹ không cho thấy dấu hiệu tan rã mà ngược lại. Các thăm dò dư luận cho thấy các đồng minh của Mỹ tại Châu Á nhất quán ủng hộ mạnh mẽ mối quan hệ an ninh với Mỹ, và hầu hết các nước Châu Á nỗ lực tăng cường mối quan hệ này. Điều này đặc biệt đúng với Úc. Các nền tảng thể chế và tư tưởng của liên minh Mỹ- Úc là sâu sắc và bền vững, nhưng không nên mặc định cho bất kỳ liên minh nào, nhất là trong những giai đoạn diễn ra thay đổi cơ cấu lớn, như đang diễn ra tại Châu Á. Ba lĩnh vực ưu tiên sau được khuyến nghị:

Thứ nhất, Mỹ và Úc cần đảm bảo duy trì trọng tâm vào Ấn Độ - Thái Bình Dương, ngay cả khi hợp tác trong các sứ mệnh ngoài khu vực có tầm quan trọng đối với khả năng phối hợp hoạt động quân sự. 

Thứ hai, liên minh này cần đóng vai trò như một trục trung tâm của trật tự và kiến trúc khu vực Châu Á, giúp kết nối các đồng minh và đối tác khác như Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia. 

Thứ ba, liên minh Mỹ- Úc cần tập trung vào lãnh đạo việc quản lý các thách thức hàng hải chung, nhất là những thách thức do hoạt động của Trung Quốc gây ra. Lãnh đạo hai nước có thể thúc đẩy liên minh theo hướng đáp ứng được các thách thức đang nổi lên của một Châu Á đang trỗi dậy.

Michael Green và Zack Cooper thuộc Trung tâm Mỹ về Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược. Peter Dean và Brendan Taylor thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, Đại học Quốc gia Úc. Bài viết được trích từ “The ANZUS Alliance in an Ascending Asia”, báo cáo mới nhất của Trung tâm nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược. Bài viết được đăng trên The Austrailian.

Trần Quang (gt)