Trong số các cường quốc đang cạnh tranh giành ảnh hưởng tại khu vực Trung Á hậu Xô Viết thì Trung Quốc là người trầm lặng nhất, có hệ thống nhất và nguy hiểm nhất. Với nền kinh tế đang bùng nổ, dân số đang tăng và nhu cầu không ngừng về năng lượng, Trung Quốc cần Trung Á cho an ninh năng lượng trong tương lai của họ, cũng như mở rộng thương mại và đảm bảo an ninh của vùng Tân Cương.

 

Không như Mỹ và về khía cạnh nào đó cả Nga, Trung Quốc không bao giờ đưa ra các đòi hỏi về chính trị và không bao giờ chỉ trích các chế độ chuyên quyền tại khu vực. Bắc Kinh không bao giờ để lộ mục đích chính trị hay quan điểm của họ. Trong khi Obama và Putin có phản ứng với sự kiện tại các nước Trung Á như cuộc cách mạng tháng 4 tại Kyrgyzstan, Trung Quốc giữ yên lặng, đứng ra xa và không bao giờ đánh mất tầm nhìn về mục đích và nhiệm vụ thật sự của mình. Họ bền bỉ theo đuổi chính sách của mình là đưa ra đề nghị cho các dân tộc nghèo khó trong khu vực các khoản vay mềm và đổi lại là được tiếp cận đến các nguồn tài nguyên thô.

 

Tất cả là vấn đề tiền nong

 

Một vài kênh ngoại giao của Mỹ do WikiLeaks tiết lộ đã soi rọi vào cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Trung Á. Theo một kênh này, các quan chức Mỹ nghi ngờ Trung Quốc đề nghị cho Kyrgyzstan 3 tỷ USD để họ đóng cửa căn cứ không quân Mỹ tại đây. Ngày 13/2/2009, kênh thông tin này mô tả về một cuộc gặp giữa Đại sứ Mỹ tại Kyrgưstan Gfoeller với Đại sứ Trung Quốc tại Kyrgyzstan Zhang Yannian mà tại đó Gfoeller hỏi ngụ ý về lời đề nghị 3 tỷ USD và Đại sứ Zhang tạm thời không nói chuyện bằng tiếng Nga nữa mà bắt đầu nói tiếng Trung Quốc với một viên trợ lý đang ghi chép đằng sau ông ta. Và khi Đại sứ Mỹ nói rằng Washington đang xem xét việc đàm phán với Bishkek để giữ lại căn cứ thì Zhang đã đưa ra một vài “lời tư vấn cá nhân” là “tất cả điều này là chuyện tiền bạc”. Zhang cho biết, nguồn tin của Kyrgyzstan cho ông biết rằng họ (Kyrgyzstan) cần 150 triệu USD. Zhang đề ra cách tiếp cận đơn giản hơn là “chỉ đưa họ 150 triệu USD tiền mặt” hàng năm và “ngài sẽ có căn cứ mãi mãi”. Những lời này của Zhang đã nắm bắt được chính sách của Trung Quốc tại Trung Á một cách hoàn hảo. Tất cả là tiền bạc, không dân chủ hay phát triển hay minh bạch gì cả.

 

Không cần phải nói, quan điểm này đã được rung lên cho các TTh chuyên quyền của Trung Á. Không như Mỹ, Trung Quốc đã hoàn toàn ủng hộ TTh Uzbekistan Karimov trong sự kiện đẫm máu tại Andijon năm 2005. Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Karimov sau vụ đàn áp này là Trung Quốc, mà đã giúp chính quyền Uzbekistan đối mặt với áp lực quốc tế về việc tiến hành cuộc điều tra độc lập tại Andijon. Sự nguội lạnh trong quan hệ với Mỹ trong năm 2004 - 2005 đã thúc đẩy quan hệ kinh tế của Tashkent với Trung Quốc. Năm 2005 lãnh đạo 2 nước đã gặp nhau 2 lần, chỉ trong năm 2005 Trung Quốc đã ký được 20 thỏa thuận đầu tư, các hợp đồng tín dụng và các thương vụ khác với tổng trị giá khoảng 2 tỷ USD. Tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đồng ý tăng thêm đầu tư cho Uzbekistan 2 tỷ USD. CNPC Trung Quốc đã đồng ý về nguyên tắc mua 10 tỷ m3 khí đốt từ Uzbekneftegaz.

 

Các chính sách như vậy đã đảm bảo về sự ủng hộ của các chính quyền Trung Á đối với chính sách của Trung Quốc đối với vùng dân tộc thiểu số Uyghur. Uyghur là một nhóm người Hồi giáo theo truyền thống định cư tại vùng Tân Cương, Trung Quốc và tại 3 nước Trung Á là Kazakhstan (210.000 người), Uzbekistan (46.000 người) và Kyrgyzstan (30.000 người). Người Uyghur tại Trung Á có quan hệ chặt chẽ với những người sống tại Trung Quốc, những người hàng thập kỷ nay đang đấu tranh vì quyền tự trị nhiều hơn. Tuy nhiên khi các lực lượng an ninh Trung Quốc đàn áp các nhà hoạt động Uyghur tại thủ phủ Urumqi vào tháng 7/2009, một tuyên bố chính thức của SCO (bao gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan) chỉ nhấn mạnh sự đồng cảm với các nạn nhân nhưng cũng nói rằng Urumqi là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Bắc Kinh đã thành công trong việc trung lập hóa nỗ lực của người Uyghur nhằm có được sự ủng hộ của các nước Trung Á cũng như tổ chức SCO.

 

Khát năng lượng

 

Trung Á cũng rất quan trọng đối với Trung Quốc về an ninh năng lượng. Năm 2004, Trung Quốc vượt Nhật Bản thành nước đứng thứ 2 thế giới về tiêu thụ năng lượng, sau đó năm 2010 Trung Quốc bỏ qua Mỹ và đứng đầu thế giới. Để đối phó với nhu cầu đang tăng, Trung Quốc theo đuổi một chiến lược đầy mưu mẹo là phân phối các khoản vay mềm cho các nước nghèo (mà việc quản lý cũng nghèo nàn) tại Trung Á và đổi lại họ được tiếp cận các nguyên liệu thô. Năm 2009, Kazakhstan nhận được 10 tỷ USD từ Trung Quốc để thúc đẩy kinh tế. Cùng lúc, việc xây dựng đường ống dẫn dầu Kazakhstan - Trung Quốc được hoàn thành, về cơ bản gần 3.000 km đường ống sẽ vận chuyển 200.000 thùng dầu/ngày nhưng năm tới con số này sẽ tăng lên gấp đôi. Với các nguồn tài nguyên cơ bản như dầu, khí, than, sắt, kẽm, đồng, titan, nhôm, bạc và vàng, quan hệ với Kazakhstan đặc biệt quan trọng với Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Dầu và Khí Kazakhstan gần đây thông báo rằng có 15 công ty lớn của Trung Quốc đang hoạt động tại nước này, con số các công ty có cổ phần nhỏ hơn của Trung Quốc còn cao hơn. Các công ty này hàng năm khai thác khoảng 80 triệu tấn dầu và khoảng 25 triệu tấn là chuyển về Trung Quốc. Lớn mạnh lên, Trung Quốc đang trở thành đối thủ của Nga trong lĩnh vực năng lượng tại Trung Á, trong khi Nhật Bản và Ấn Độ thì còn lặc lè chạy theo sau. Trung Quốc đã có cổ phần lớn hơn trong lĩnh vực năng lượng so với Nga. Năm 2009, Trung Quốc nhập khẩu 18 triệu tấn dầu của Kazakhstan còn các công ty Nga (dẫn đầu là LUKOIL) mới có được 6,4 triệu tấn.

 

Bức tranh tương tự cũng diễn ra ở đất nước giàu năng lượng Turkmenistan. Tại đây Trung Quốc đang tìm kiếm sự độc quyền xuất khẩu khí đốt thiên nhiên của nước này. Theo các con số của phía Trung Quốc, đến năm 2020 họ sẽ cần đến 200 tỷ m3 khí hàng năm, trong khi sản xuất trong nước chỉ ở mức 120 tỷ m3. Bắc Kinh đã ký các hợp đồng mua 40 tỷ m3 của Turkmenistan hàng năm. Tháng 12/2009 nhánh đầu tiên của đường ống dẫn khí Turkmenistan - Uzbekistan - Kazakhstan có công suất 13 tỷ 3m/năm đã bắt đầu vận hành. Nhánh thứ 2 sẽ hoàn thành trong năm nay và tổng công suất năm sẽ là 60 tỷ m3. Năm 2009, Trung Quốc cung cấp cho Turkmenistan khoản vay 3 tỷ USD để phát triển mỏ khí Nam Yolotan. Năm ngoái, Trung Quốc cũng thông qua khoản vay bổ sung 4 tỷ USD để hoàn thiện giai đoạn đầu của dự án.

 

Bắc Kinh xem Kyrgyzstan là cơ sở chiến lược cho việc mở rộng thương mại khắp Trung Á và khoảng không gian Xô Viết cũ. Còn Bishkek về phần mình, tìm kiếm sự tối đa hóa lợi nhuận từ việc tái xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc. Việc thương mại này đem lại cho Kyrgyzstan khoảng 250 triệu USD hàng năm.

 

Nhưng có một điều làm cư dân Trung Á lo ngại nhất đó là số lượng đang tăng lên của cộng đồng người Trung Quốc tại mỗi một quốc gia. Trung Quốc thường đem theo người của họ, các công nhân đến làm tại các dự án tại Trung Á. Theo đánh giá chính xác nhất thì hiện có hơn 300.000 người Trung Quốc sống tại Kazakhstan; khoảng 200.000 tại Kyrgyzstan và 150.000 ở Uzbekistan, Turkmenistan và Tajikistan. Sự có mặt đang tăng lên của người Trung Quốc tại các nước này thường tạo ra những căng thẳng với cư dân địa phương và gây ra sự nghi ngờ về dự định của Bắc Kinh. Gần đây một độc giả đã viết: chúng ta phải rất cẩn thận. Có một mối nguy hiểm là chúng ta sẽ trở thành một tỉnh của Trung Quốc./.


Việt Dũng, cộng tác viên tại Kazakhstan

 

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)