Chuyến thăm của ông Biden diễn ra trong bối cảnh Mỹ vừa phải nâng mức nợ trần, lần đầu tiên trong lịch sử bị hạ mức tín nhiệm và trong lịch trình có cả việc tới Thành Đô, nơi đặt cơ sở của hãng Intel của Mỹ tại Trung Quốc, vì vậy dư luận bên ngoài suy đoán phần lớn chuyến thăm mang ý nghĩa kinh tế, nhằm an ủi Trung Quốc, nước chủ nợ lớn nhất của Mỹ và tìm kiếm sự ủng hộ hơn nữa từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, các nhà phân tích lại cho rằng quan hệ thương mại hữu hảo chỉ là vỏ bọc bên ngoài của chuyến thăm Trung Quốc của ông Biden và không phải là chủ đề chính.

Trên thực tế, việc Biden thăm Trung Quốc bắt đầu được đề cập tới khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm Mỹ vào tháng 1/2011 và Trung Quốc cùng Mỹ đã nhiều lần thảo luận về chuyến thăm này. Tháng 7 vừa qua, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã xác nhận với "Đa chiều" rằng Biden sẽ bắt đầu thăm Trung Quốc vào ngày 17/8 và thời gian là do phía Trung Quốc sắp xếp. Sau khi "Đa chiều" tiết lộ thông tin này, Ủy ban Lập pháp của Đài Loan đã đưa ra kháng nghị với phía Mỹ bởi ngày 17/8 chính là ngày kỷ niệm 19 năm Trung Quốc và Mỹ đưa ra “Thông cáo 17/8” liên quan đến vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Cho dù như vậy, Biden vẫn không thay đổi thời gian thăm Trung Quốc. Thông cáo báo chí của Nhà Trắng chỉ tránh viết ngày “17/8” và nhấn mạnh tới ngày Biden lên đường đi thăm Trung Quốc là ngày 16/8. Và khi đó, cuộc đàm phán nâng mức nợ trần của Mỹ vẫn trong tình trạng giằng co và việc cơ quan xếp hạng mức độ tín nhiệm S&P hạ mức tín nhiệm của Mỹ chỉ là dự định. Điều này có nghĩa chuyến thăm Trung Quốc của Biden không phải chuyên về vấn đề kinh tế, mà hướng đến mục tiêu quan trọng hơn: nói rõ với phía Trung Quốc về quyết định bán vũ khí cho Đài Loan.

Các nhà quan sát cho biết phía Mỹ sẽ đưa ra quyết định về việc bán vũ khí cho Đài Loan trước cuối tháng 9 tới, đồng thời xác nhận rằng sau khi Mỹ nhận được thư yêu cầu nâng cấp máy bay chiến đấu F-16A/B của Đài Loan, ngày 25/7, Chủ nhiệm Văn phòng Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Nghị đã tới Oasinhtơn để truyền đạt mối quan tâm của phía Trung Quốc về vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan tới Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Trợ lý Quốc vụ khanh Kurt Campbell và tân Phó Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề chính trị William Burns, nhắc lại lập trường nhất quán phản đối Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan của phía Trung Quốc. Sau cuộc gặp Dalai Lama, việc phía Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan rất có thể tổn hại tới mối quan hệ Trung-Mỹ đang nồng ấm trở lại. Vì thế, phía Mỹ cần phải cử một nhân vật tầm cỡ tới Trung Quốc để giải thích và vỗ về Bắc Kinh.

Theo "Đa chiều", mục đích chính của chuyến thăm Trung Quốc lần này của Biden là để nói rõ với phía Trung Quốc về kế hoạch nâng cấp máy bay chiến đấu F-16A/B của Đài Loan. Đồng thời, Biden cũng bảo đảm với Trung Quốc rằng trong thời gian ngắn sẽ không xem xét tới việc bán máy bay chiến đấu F-16C/D mà Đài Loan yêu cầu, hy vọng qua đó sẽ làm dịu bớt mức độ phản đối của phía Trung Quốc. Nhưng hành động này của phía Trung Quốc tuyệt nhiên không phải là “tìm kiếm sự đồng ý của Trung Quốc” trước khi bán vũ khí cho Đài Loan. Cộng thêm việc người đứng đầu ngành ngoại giao Đài Loan Dương Tiến Thiêm ngày 8/8 nói rằng phía Mỹ đảm bảo trong chuyến thăm Trung Quốc của Biden lần này sẽ không ảnh hưởng tới vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan, người ta có thể thấy chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Biden một là nhằm tránh kích động Bắc Kinh, hai là không để phía Đài Loan có phản ứng quá khích và việc khoác chiếc áo kinh tế thương mại cho chuyến thăm của Biden thực chất là để làm nhạt nhòa chủ đề “bán vũ khí cho Đài Loan”. Theo “Thời báo Hoàn cầu” ngày 8/8, chuyến thăm của ông Biden diễn ra trong lúc Chính phủ Mỹ bị phê phán là bất lực trong vấn đề nợ công nên dư luận phương Tây hết sức quan tâm, đặc biệt là về thời gian và mục đích của chuyến thăm. Kim Xán Vinh, Giáo sư Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc, cũng cho rằng hiện nay là lúc quan hệ Mỹ-Trung phức tạp nhưng nếu nói Biden đi thăm Trung Quốc vào lúc nhạy cảm là không đúng. Theo dự kiến, Biden sẽ tỏ ý hy vọng Trung Quốc tiếp tục giúp Mỹ trong vấn đề kinh tế, cũng như thảo luận tình hình Ápganixtan và Pakixtan, vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên, việc Trung Quốc hiện đại hóa quân đội và các vấn đề khác. Trong khi đó, phía Trung Quốc dự định sẽ nêu ý kiến của mình về vấn đề Đài Loan và vấn đề Biển Đông./. 

Theo Đa chiều

Nhật Linh