200910201144401new models of competitiveness in the global economy_BIG.jpg

Các nhà hoạch định chính sách Thái Lan đã nhận được câu hỏi: liệu chúng ta (Thái Lan) có nên tham gia TPP? Các nghiên cứu về thuận lợi cũng như thách thức mà TPP sẽ mang lại đã được thực hiện. Trong vòng vài ngày tới, các vấn đề liên quan đến thương mại sẽ được khơi lại khi các bộ trưởng thương mại, y tế và nông nghiệp của nước này so sánh các thuận lợi và thách thức của TPP và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Do hiện nay Thái Lan vẫn chưa ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Mỹ nên không được hưởng mức thuế quan bằng 0 như 4 quốc gia thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tham gia TPP. Liên quan vấn đề sở hữu trí tuệ nằm trong số 20 lĩnh vực của TPP, nếu Thái Lan muốn gia nhập TPP, nước này phải cải thiện các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho dược phẩm, và điều này có thể làm tăng chi phí hoạt động của các công ty dược phẩm sở tại. Bộ Lao động Thái Lan cho tới nay cũng chưa được chỉ thị nghiên cứu về vấn đề này dù các tiêu chuẩn lao động là một nội dung trong TPP.

Phát biểu tại buổi thuyết trình của Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan, ông Kiat Sittheeamorn đã tiết lộ rằng trong thời gian ông giữ chức Đại diện thương mại Thái Lan, nước này từng có ý định gia nhập TPP, nhưng sau đó đã dừng lại để chờ đợi một khuôn khổ rõ ràng hơn cho các cuộc thương lượng. Tháng 11/2013, chính phủ của bà Yingluck Shinawatra cũng từng thông báo ý định tham gia TPP. Vậy nên, nếu Thủ tướng Prayut Chan-O-cha cũng làm như vậy, ông sẽ khiến nhiều nhân vật "giật mình", trong đó có bà Kannikar Kijtiwatchakul của tổ chức FTA Watch. Tại cuộc thuyết trình, bà này đã bày tỏ lo ngại về các tác động tiêu cực có thể có của TPP đối với người nông dân và người sử dụng dược phẩm. Nghiên cứu của Phòng Kinh tế Công nghiệp cách đây vài năm cũng đã chỉ ra rằng nếu phải chọn một thỏa thuận thương mại, Thái Lan nên chọn RCEP bởi thỏa thuận này có thể giúp tăng thêm sức mạnh cho các nền kinh tế ASEAN.

Lo ngại Thái Lan sẽ bị lỡ cơ hội, Chủ tịch Hội đồng Xuất khẩu Quốc gia Thái Lan, ông Nopporn Thepsithar đã nói rằng ít nhất Chính phủ Thái Lan nên công khai ý định gia nhập TPP. Cơ sở cho lời kêu gọi của ông này là việc nền kinh tế Trung Quốc đang lao dốc, kéo theo cả khối ASEAN. Xuất khẩu của Thái Lan đã sụt giảm trong cả năm nay phần lớn là vì kinh tế Trung Quốc đi xuống và sức mua giảm tại các quốc gia ASEAN. Các công ty nước ngoài có thể cũng sẽ quên mất việc Thái Lan từng là điểm đến cho các dự án đầu tư của họ mà quay sang các nước ASEAN đã tham gia TPP, vốn bị ràng buộc bởi các tiêu chuẩn lao động và sở hữu trí tuệ. Điều này sẽ chỉ làm suy yếu thêm ngành chế tạo và khả năng cạnh tranh tổng thể của Thái Lan. Tuần trước, Thủ tướng Prayut Chan-O-cha nói rằng Thái Lan vẫn còn thời gian đến năm 2017 để quyết định có tham gia TPP hay không, bởi các quốc gia thành viên mới sẽ chỉ được hoan nghênh sau khi 12 nước thành viên ban đầu phê chuẩn thỏa thuận, quá trình dự kiến kéo dài khoảng 1 năm.

Tuy nhiên, khi các cuộc đàm phán TPP đã hoàn tất, giờ đây Trung Quốc lại muốn đẩy nhanh các cuộc thương lượng RCEP. Điều gì sẽ xảy ra nếu các cuộc đàm phán này kết thúc vào năm tới. Nếu Thái Lan vẫn tiếp tục chương trình RCEP rồi sau đó xin gia nhập TPP, nước này có thể sẽ đối mặt với các đòn "trả đũa" của Mỹ và đồng minh. Khi hai người khổng lồ đánh nhau, một nước nhỏ như Thái Lan không thể không bị ảnh hưởng. Điều tốt nhất Bangkok có thể làm giờ đây là nghiên cứu tác động của cả hai thỏa thuận một cách toàn diện nhất và công khai càng nhiều thông tin càng tốt cho công chúng. Chính người dân sẽ giúp giới lãnh đạo biết được đâu là trò chơi "một mất một còn" và đâu là trò chơi tất cả cùng thắng.

Theo "The Nation"

Hương Trà (gt)