Hiện tại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, Ấn Độ, Ôxtrâylia, Hàn Quốc và phần lớn các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, các nước này vẫn có một mối quan hệ quân sự quan trọng với Mỹ. Vậy bao lâu nữa các lợi ích chiến lược và kinh tế của họ sẽ đi theo các hướng khác nhau? Có lẽ thời gian không còn nhiều. Mới đây, một bài xã luận trên tờ "Nhân dân Nhật báo" của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết: "Một số nước cho rằng họ có thể đối trọng với Trung Quốc nhờ sức mạnh quân sự của Mỹ, và họ có quyền tự do làm những gì họ muốn". Bài báo này được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản và Philíppin trước đó một ngày tuyên bố thúc đẩy hợp tác hải quân với Mỹ và hoàn toàn phản đối những tuyên bố chủ quyền mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, cảnh báo của Trung Quốc có thể cũng còn nhằm vào Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ôxtrâylia hay Đài Loan bởi tất cả các khu vực này trong năm qua đã có những động thái tăng cường các mối quan hệ quân sự với Mỹ.

Tuy nhiên, điều trớ trêu là chính sự đe dọa của Trung Quốc, minh chứng bằng bài xã luận trên "Nhân dân Nhật báo", đã khiến các nước láng giềng hoảng hốt, chạy tới "vòng tay của Chú Sam". Gần đây, Trung Quốc dường như đã chơi một trò chơi thông minh là dựa vào sức mạnh kinh tế ngày càng gia tăng để kéo các nước láng giềng vào vòng ảnh hưởng của mình. Thế nhưng, hiện tại, Trung Quốc có nguy cơ quá đà và đang tạo ra một liên minh chống Trung Quốc - kết cục mà nước này luôn lo sợ và kịch liệt phản đối. Một chính sách kiên nhẫn nhiều hơn sẽ có ý nghĩa đối với Trung Quốc bởi nước này có khả năng trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2020. Mỹ sẽ tiếp tục là cường quốc quân sự thống trị thế giới - và thậm chí sẽ vẫn là lực lượng quân sự vượt trội tại chính sân sau Thái Bình Dương của Trung Quốc. Nhưng do quyền lực chính trị và quân sự thường phải dựa vào sức mạnh kinh tế nên quyền bá chủ của Mỹ ở Thái Bình Dương rốt cuộc có thể sẽ không bền vững. Đó chính là điểm mà tờ "Nhân dân Nhật báo" đã ám chỉ đến, khi cảnh báo rằng "không một nước nào muốn trả lại chiếc vé lên tuyến xe lửa cao tốc chở sự phát triển kinh tế của Trung Quốc".

Với việc Chính phủ Mỹ vay 40 xu trong mỗi USD mà họ chi tiêu, và Trung Quốc là đối tác nước ngoài mua nhiều nợ của Mỹ nhất, thì chính Trung Quốc đang gián tiếp tài trợ cho sự thống trị quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương. Ngay cả khi các đồng minh của Mỹ trong khu vực muốn tăng cường quan hệ với Mỹ thì họ vẫn lo lắng rằng vấn đề tiền bạc của Mỹ sẽ buộc nước này phải giảm quy mô can dự ở Thái Bình Dương. Trong khi đó, Trung Quốc đang tăng cường thực lực quân sự của mình. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ cho rằng việc phát triển một loạt tên lửa mới của Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp đối với các căn cứ quân sự và các tàu sân bay vốn giúp Mỹ duy trì sự thống trị về quân sự ở Thái Bình Dương. Ngoài ra, các nước láng giềng cũng lo lắng bởi sự gia tăng "cơ bắp" của Trung Quốc, cũng như sự sẵn sàng "căng cơ" của nước này. Trong vài năm qua, các vụ tranh chấp trên biển của Trung Quốc với Việt Nam và Nhật Bản đã ngày càng gay gắt, với các vụ đụng độ trên biển và kéo theo đó là những tranh cãi ngoại giao quyết liệt. Ấn Độ nói rằng Trung Quốc đang ngày càng trở nên quyết đoán về tuyên bố chủ quyền của mình đối với một số phần thuộc lãnh thổ Ấn Độ. Còn Hàn Quốc hết sức lo ngại về mối quan hệ của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên.

Một sự lý giải cho những hành động của Trung Quốc là các lực lượng chủ nghĩa dân tộc và quân sự của nước này đang ngày càng trở nên có ảnh hưởng ở Bắc Kinh. Một thế hệ trẻ lên nắm quyền và tin rằng Trung Quốc là nạn nhân của thế giới bên ngoài bởi nước này yếu đuối. Sự tương phản trong vận mệnh kinh tế của Trung Quốc và Mỹ cũng giúp làm gia tăng sự tự tin và quyết đoán của Trung Quốc. Có thể lý giải nhẹ nhàng hơn về các hành động trên là do Trung Quốc hiện có lợi ích kinh tế ngày càng lớn trên toàn cầu, điều này dẫn tới một sự tất yếu là họ sẽ chi nhiều hơn cho quân sự và quyết đoán hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình. Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ dễ bị tổn thương nếu các tuyến đường hàng hải bị chặn. Xây dựng thêm vài tàu sân bay, tàu ngầm và gia tăng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông có thể là một sự phòng xa nhạy cảm của Chính phủ Trung Quốc, chứ chưa hẳn đã là những tuyên bố hiếu chiến về sự thống trị của mình khiến các nước láng giềng lo sợ.

Tuy nhiên, dù sự lý giải nhẹ nhàng trên không hoàn toàn là đúng thì nó cũng cho thấy Trung Quốc và Mỹ sẽ ngày càng coi các hành động của nhau, cũng như việc liên minh với các nước trong khu vực, là mối đe dọa, và sẽ phản ứng theo cách khiến đối phương nhận thấy là hành động hiếu chiến.

  Theo FT (3/10)

 Mỹ Anh (gt)