Bài báo đã phân tích sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Nga trong những năm gần đây và ảnh hưởng của nó đối với môi trường địa chính trị tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo Giáo sư Thayer, việc Việt Nam và Nga nâng mối quan hệ đối tác chiến lược lên thành mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm Nga vào tháng 7/2012 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đã đặt ra một số câu hỏi cho các nhà phân tích chiến lược: Tại sao Việt Nam và Nga tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn vào lúc này? Bài báo cho biết Nga trở thành nước đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam vào năm 2001. Quan hệ song phương giữa hai nước đã phát triển dần dần và tăng tốc cùng với sự phục hồi kinh tế của Nga. Việc nâng mối quan hệ Việt Nam-Nga lên mức đối tác chiến lược toàn diện là sự phát triển tự nhiên. Nhưng chỉ riêng nhân tố này không thể giải thích một cách đầy đủ.Phải chăng là Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chủ động trong việc thúc đẩy sự trở lại của Nga ở châu Á và mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam phục vụ mục tiêu này. 

Có 4 thành phần chính trong quan hệ đối tác chiến lược lâu dài giữa hai nước: hợp tác dầu khí, hợp tác năng lượng thủy điện và điện hạt nhân, thiết bị quân sự và công nghệ, thương mại và đầu tư. Những thành phần này đi kèm với 3 lĩnh vực quan trọng khác bao gồm: khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và du lịch.Về lĩnh vực năng lượng và quân sự, Việt Nam và Nga thành lập liên doanh dầu khí Vietsovpetro vào năm 1981. Liên doanh này đã hoạt động trên thềm lục địa của Việt Nam và gần đây là ở Nga. Liên doanh này được gia hạn kéo dài đến năm 2030. Việt Nam và Nga cũng nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các liên doanh khác như Rusvietpetro, Gazpromviet và Vietgazprom mở rộng hoạt động thăm dò và khai thác dầu mỏ và khí đốt cho các nước thứ ba.Nga đã đồng ý cung cấp cho Việt Nam khoản vay 10,5 tỷ USD với lãi suất thấp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam là nhà máy Ninh Thuận 1.Nga cũng là nhà cung cấp thiết bị quân sự, vũ khí và công nghệ lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam và Nga sẽ cùng sản xuất tên lửa hành trình chống tàu và Việt Nam dự kiến sẽ đặt hàng nhiều máy bay chiến đấu Su-30 đa chức năng hơn nữa từ Nga.Tháng 8 vừa qua, Nga đã triển khai 6 tàu ngầm lớp Kilo thông thường đầu tiên để giao cho Việt Nam trong vòng 5 năm tới. Một phần của gói thỏa thuận này bao gồm việc cho phép Nga xây dựng một cơ sở sửa chữa tàu tại vịnh Cam Ranh và đào tạo các thủy thủ tàu ngầm Việt Nam.

Về thương mại và đầu tư, Việt Nam sẽ mở các cơ sở thương mại ở tất cả các nước, nhưng Nga với tư cách là đối tác chiến lược sẽ được hưởng quyền tiếp cập đặc biệt. Quan hệ hai nước trong lĩnh vực thương mại và đầu tư đều đang phát triển, nhưng về tổng thể vẫn ở mức khiêm tốn. Kim ngạch thương mại song phương đạt 2 tỷ USD năm 2011. Hai nước hy vọng rằng kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020. Hiện Nga đứng thứ 23 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Về ảnh hưởng của quan hệ Việt-Nga đối với địa chính trị trong khu vực, bài báo đặt câu hỏi phải chăng Việt Nam và Nga đang tìm cách cân bằng với bên thứ ba, chẳng hạn với Trung Quốc trong trường hợp của Việt Nam, và Mỹ trong trường hợp của Nga. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào mà liên kết mới này tác động đến địa chính trị khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đặc biệt đến khu vực Biển Đông? Theo tác giả Thayer, Nga là nhà cung cấp các loại vũ khí quân sự chính cho cả Trung Quốc và Việt Nam. Nga có quyền lựa chọn duy trì hoặc hủy bỏ các nguồn cung cấp tại thời điểm khủng hoảng. 

Đối với vấn đề Biển Đông, hỗ trợ quân sự của Nga sẽ giúp nâng cao năng lực quốc phòng của Việt Nam. Bài báo cho biết tuyên bố chung được đưa ra trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi tháng 7 vừa qua đã nêu rõ tranh chấp lãnh thổ nên được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình mà không cần sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Hai nước cũng đồng ý đưa vấn đề an ninh khu vực vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Bài báo kết luận rằng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga chủ yếu tập trung vào các mối quan hệ song phương cùng có lợi. Điều đáng nói là Việt Nam đã nhận thức được quan hệ đối tác chiến lược với Nga có tầm quan trọng đặc biệt trong mối quan hệ song phương cả về bề rộng lẫn chiều sâu. 

Lê Sơn (gt)