15/04/2015
Thế giới ngày nay đang được củng cố bởi một trật tự đa cực. Việc từ bỏ hào quang không bao giờ dễ dàng đối với Mỹ, và giống như nhiều "lão tướng" khác, Mỹ cũng đang phải vật lộn để chia sẻ diễn đàn với các gương mặt mới, nhất là Trung Quốc.
Việc từ bỏ hào quang không bao giờ dễ dàng đối với Mỹ, và giống như nhiều "lão tướng" khác, Mỹ cũng đang phải vật lộn để chia sẻ diễn đàn với các gương mặt mới, nhất là Trung Quốc. Các hội nghị sắp tới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), hai thể chế mà Mỹ và các đồng minh phương Tây đang chi phối, là một cơ hội lý tưởng để thay đổi điều này.
Mỹ phải đối diện với thực tế rằng thế giới đã thay đổi. Một khi Mỹ vẫn còn từ chối thực tế này, điều đó sẽ gây thiệt hại nhiều hơn cho các lợi ích và ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ, dù chúng đã hạn chế hơn trước đây. Thế giới không còn tuân thủ trật tự thời Chiến tranh Lạnh. Thế giới cũng không còn xoay quanh một "nền hòa bình kiểu Mỹ" đã chi phối trong nhiều thập kỷ sau khi Liên Xô tan rã, khi Mỹ nổi lên là siêu cường duy nhất trong thời gian ngắn.
Thế giới ngày nay đang được củng cố bởi một trật tự đa cực, đã nổi lên từ sự trỗi dậy của các nền kinh tế đang phát triển, đáng chú ý nhất là Trung Quốc, trong thương mại và tài chính quốc tế. Chưa nói đến các thành viên khác của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7), Mỹ hiện cũng phải cạnh tranh và hợp tác không chỉ với Trung Quốc, mà còn với Ấn Độ, Brazil và các nước khác thông qua những diễn đàn mở rộng như nhóm G-20. Do vậy, Mỹ phải chứng tỏ sự lãnh đạo và thích nghi. Mỹ không thể từ chối hỗ trợ những nỗ lực của Trung Quốc để tăng cường vai trò của Bắc Kinh trong quản trị toàn cầu. Mỹ cũng không nên gay gắt với các đồng minh, như họ đã làm khi Anh tuyên bố ý định tham gia Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) mới do Trung Quốc lãnh đạo.
Mỹ dường như đang mắc kẹt trong hệ thống Bretton Woods, trật tự dựa trên quy định, được củng cố bởi IMF và WB, với đồng USD nằm ở trung tâm. Hệ thống Bretton Woods đã thể chế hóa uy quyền địa chính trị của Mỹ và gạt cường quốc thực dân cũ là Anh ra ngoài. Tuy nhiên, trong nhiều năm, hệ thống Bretton Woods, với sự pha trộn của chủ nghĩa đa phương tự do và những chính sách kinh tế thị trường, đã trở thành biểu tượng cho sự chi phối của Anh-Mỹ trong kinh tế toàn cầu, mà phần lớn thế giới hiện đang chỉ trích, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Trong bối cảnh này, Trung Quốc đang sử dụng ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này trên toàn cầu để tạo ra một trật tự kinh tế mới, trong đó đồng USD không còn có vai trò tối cao. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đã nhiều lần kêu gọi chuyển sang một hệ thống tiền tệ quốc tế mới, cho phép sử dụng nhiều đồng nội tệ trong thanh toán và đầu tư. Một cách tiếp cận như vậy sẽ làm giảm nguy cơ và tác động của các cuộc khủng hoảng thanh khoản, trong khi tách được hệ thống tiền tệ quốc tế khỏi "các điều kiện kinh tế và lợi ích quốc gia của bất kỳ một nước nào".
Tất nhiên là Trung Quốc đang tin rằng đồng Nhân dân tệ (NDT) của họ cuối cùng sẽ đóng một vai trò trung tâm trong hệ thống tiền tệ mới này, bởi vì điều đó phản ánh vai trò của Trung Quốc không chỉ là động cơ hàng đầu của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, mà còn là một nước chủ nợ lớn nhất thế giới. Quả thực, cùng với các nền kinh tế có tầm quan trọng khác như Mỹ, Anh, Nhật Bản và khu vực đồng euro, Trung Quốc đang thúc đẩy xu hướng này vươn xa ngoài biên giới của nước này.
Từ năm 2009, ban lãnh đạo Trung Quốc theo đuổi hàng loạt chính sách khuyến khích việc sử dụng đồng NDT trong buôn bán khu vực và giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào đồng USD trong thanh toán quốc tế. Nhưng việc mở rộng vai trò của đồng NDT trong hệ thống tiền tệ toàn cầu chỉ là bước đầu tiên hướng tới việc thể chế hóa một trật tự thế giới đa cực. Trung Quốc cũng đang đi đầu trong việc thành lập những thể chế đa phương mới, như AIIB, sau khi thành lập Ngân hàng Phát triển Mới cùng các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi).
Bằng việc thực hiện những bước này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kêu gọi chú ý đến những bất cập của hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay. Trung Quốc đang nêu bật những câu hỏi về khả năng thanh khoản của Mỹ nhằm hỗ trợ thương mại và tài chính quốc tế.
Mỹ đã đúng khi quan ngại rằng liệu trật tự mới mà Trung Quốc đang hy vọng xây dựng có mở cửa và dựa trên quy định như trật tự do Mỹ đứng đầu hay không. Nhưng câu trả lời cho câu hỏi này chỉ có thể được tìm thấy bằng cách can dự với Trung Quốc trong vấn đề cải cách quản trị toàn cầu, chứ không phải phủ nhận sự thay đổi rất cần thiết này.
Khi Mỹ kiên quyết theo đuổi một chính sách ngăn chặn Trung Quốc, mà ví dụ điển hình là cuộc chiến chống lại việc thành lập AIIB, những cáo buộc thao túng tiền tệ và từ chối cải cách IMF có thể làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc và Washington có thể mất khả năng định hình trật tự mới. Hậu quả có thể là một thế giới với những khối phân mảnh, không chỉ phá hoại sự phồn vinh toàn cầu, mà cả sự hợp tác để đối phó với những thách thức chung. Các hội nghị sắp tới của IMF và WB là một cơ hội quan trọng để đề ra một cách tiếp cận mới đối với Trung Quốc.
Paola Subacchi là Giám đốc Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế tại Viện Chatham House (Anh), Giáo sư Kinh tế tại Trường Đại học Bologna, Ý. Bài viết được đăng trên trang Project Syndicate.
Trần Quang (gt)
Nghiên cứu Biển Đông xin giới thiệu bài viết “Ngoại giao vì quan hệ Mỹ - Trung ổn định” của tác giả Jake Werner, nhà nghiên cứu tại Viện Quincy. Theo tác giả, cho dù Mỹ và Trung Quốc cáo buộc nhau phá vỡ hiện trạng nhưng thực chất đều là những “cường quốc nguyên trạng”, chia sẻ nhiều lợi ích chung. Trung...
Với chính quyền Biden, nếu như năm 2021 là năm ổn định bộ máy và hoạch định chính sách, năm 2022 lại là năm để công bố và triển khai chính sách. Chỉ trong nửa cuối năm 2022, một loạt văn bản và tuyên bố chính sách đối ngoại lớn đã được đưa ra, trong đó có nhiều văn bản liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương...
Ngày 29/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài diễn văn đầu tiên trước Nghị viện, hay còn gọi là Thông điệp Liên bang trong các năm sau, vào dịp gần kết thúc 100 ngày đầu của chính quyền mới. Diễn văn tập trung vào các vấn đề đối nội nhưng vẫn hàm chứa những nội dung đối ngoại quan trọng.
Với sự lây lan nhanh chóng cùng sự gia tăng tỷ lệ tử vong bởi đại dịch COVID-19, liệu cơ hội giành chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới đây bắt đầu bị đe dọa?
Một lần nữa, nước Mỹ chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế mới với sự sụp đổ của các thị trường và người nộp thuế đang cứu trợ những người giàu có. Đã đến lúc Mỹ phải cải tổ khế ước xã hội vô lý này.
Donald Trump giờ đây dường như đã không còn đáp ứng được kì vọng của cử tri Mỹ. Mặc dù có nhiều lợi thế, tuy nhiên, nếu nhìn nhận kỹ hơn, có thể thấy rằng những yếu tố bất lợi rất có khả năng đem đến thất bại cho ông trong cuộc bầu cử sắp tới.