Mỹ duy trì ảnh hưởng tại châu Á trong nhiều thập kỷ, kiểm soát "dây buộc hầu bao" thông qua Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Giờ đây, Trung Quốc đang đảo ngược trật tự tài chính hậu Chiến tranh Thế giới Thứ hai, tạo ra AIIB và cung cấp 50 tỷ USD tiền vốn ban đầu của ngân hàng này.

Động thái này đã khiến Washington và Tokyo tức giận, đồng thời quan ngại rằng Bắc Kinh sẽ sớm viết ra những quy định ngân hàng quốc tế và giành được quyền phủ quyết đối với nhiều dự án phát triển tại châu Á. Mỹ đã từng dẫn đầu trong việc tài trợ xây dựng nhiều dự án cơ sở hạ tầng tại châu Á, nhưng khi sức mạnh kinh tế của Mỹ suy giảm, ngày càng có ít những dự án do Mỹ tài trợ tại châu Á và Trung Quốc đã thành lập AIIB để giành ảnh hưởng chính trị và kinh tế tại Viễn Đông.

Điều tồi tệ nhất là các đối tác kinh doanh gần gũi nhất của Mỹ đang đổ xô gia nhập AIIB, câu lạc bộ mới của Trung Quốc, với Canada là một ngoại lệ, ít nhất là cho tới nay.

Anh đã tham gia AIIB để đổi lấy quyền trở thành trung tâm thanh toán bù trừ của đồng nhân dân tệ (NDT) tại châu Âu. Trong vòng vài ngày, Đức, Pháp và Italy đã trở thành những thành viên sáng lập của ngân hàng mới do được hứa hẹn họ có thể tham gia viết ra những quy định cho vay của ngân hàng này. Cùng với Hàn Quốc, Thủ tướng Australia Tony Abbott đã đệ đơn xin gia nhập AIIB vào ngày 29/3, chỉ vài ngày trước thời hạn 31/3. Lý do của ông Abbot là rõ ràng: kim ngạch thương mại của Australia với Trung Quốc đạt 127 tỷ USD trong năm 2013, trong khi các du khách Trung Quốc hào phóng đang trở thành nguồn thu nhập quan trọng của ngành du lịch tại quốc gia chuột túi. Mỹ đã muộn màng nhận ra rằng nhiều đồng minh gần gũi của họ nóng lòng nhảy lên "con ngựa mới".

Hầu hết người phương Tây thường quan sát Trung Quốc qua lăng kính các mối quan hệ thương mại của nước họ với Bắc Kinh. Điều này làm lu mờ thực tế rằng Bắc Kinh đang tham gia vào nhiều dự án khổng lồ ở bên ngoài Trung Quốc. Theo Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Toàn cầu có trụ sở tại Washington, trong các năm 2001-2011, Trung Quốc đã tài trợ cho 1.673 dự án phát triển ở nước ngoài, trị giá 75 tỷ USD, trong đó có dự án trị giá 4,6 tỷ USD để xây lại và mở rộng một tuyến đường sắt từ cảng Mombasa của Kenya tới Uganda, với mục tiêu là giúp Trung Quốc tiếp cận được trung tâm châu Phi giàu khoáng sản, từ Nam Sudan, đến Rwanda, Burundi và Cộng hòa dân chủ Congo.

Hoạt động ngoại giao "sổ séc" của Trung Quốc cũng được thể hiện rõ tại Mỹ Latinh, nơi Bắc Kinh đã cung cấp khoản tín dụng thương mại và đầu tư trị giá 100 tỷ USD. Cũng như tại châu Phi, Bắc Kinh mong muốn thiết lập và kiểm soát các tuyến đường thương mại mới. Trung Quốc đang đầu tư 5 tỷ USD trong một dự án đa quốc gia để mở rộng kênh đào Panama và một công ty Trung Quốc đang giám sát một kế hoạch trị giá 50 tỷ USD để xây dựng một con kênh mới qua Nicaragua, nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đã từng nói rằng việc thành lập AIIB là một nguy cơ "đối với uy tín và ảnh hưởng quốc tế của Mỹ". Tờ "Yomiuri", một báo lớn của Nhật Bản với 10 triệu bản/ngày, đã băn khoăn rằng "chưa có gì được tiết lộ về cấu trúc quản lý của AIIB hay thước đo cho việc quyết định liệu có phê chuẩn yêu cầu vay tiền hay không". Những quan ngại khác là liệu các công ty Trung Quốc có được ưu đãi khi phê chuẩn các dự án lớn hay không và liệu Trung Quốc có sử dụng vốn của ngân hàng này để tăng ảnh hưởng của họ ở châu Á hay không.

Tuần trước, tờ "Trung Quốc Nhật báo" đã chỉ trích những người cho rằng Mỹ đã bị "giáng thêm một cú đòn nữa" khi nhiều nước phương Tây gia nhập ngân hàng này. Báo trên viết: "Những phát biểu sai lạc như vậy là có hại đối với những thành viên hiện nay và thành viên tiềm tàng của AIIB, đối với sự phát triển quốc tế và triển vọng về một thế giới hợp lý và hài hòa hơn. Đó là lý do mà AIIB được đề xuất thành lập và việc ngân hàng này có trụ sở chính tại Trung Quốc không có nghĩa rằng đó là quyền lực mềm của Trung Quốc hay là công cụ quyền lực mềm của Trung Quốc".

Yan Xuetong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại thuộc Đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh, thẳng thắn nói rằng chính sách của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là "cho phép các nước nhỏ hơn được lợi về kinh tế từ các mối quan hệ với Trung Quốc và ngược lại, qua đó Trung Quốc có thể xây dựng các mối quan hệ chính trị tốt đẹp. Trung Quốc có thể 'mua' những mối quan hệ này".

Theo National Post (Canada)

Thùy Anh (gt)