Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, Trung Quốc đang thành công trong việc tạo ra một tầm nhìn lãnh đạo toàn cầu mới, thách thức vị thế của phương Tây hiện nay. Thông điệp của Trung Quốc rất rõ ràng: Trung Quốc hoàn toàn tự tin vào mô hình phát triển và quản trị riêng của mình, cam kết tạo ra con đường phát triển mới thay thế cho mô hình tự do kiểu mới của phương Tây hiện nay. Mặc dù mô hình của Trung Quốc chưa hoàn toàn thuyết phục đối với đa số các quốc gia trên thế giới, tuy nhiên đã có sức thu hút nhất định đối với các nước đang phát triển.

Thứ nhất, mô hình phát triển của các nước phương Tây phát triển đang gặp nhiều vấn đề. Khi khủng hoảng tài chính 2008 nổ ra, các nước phương Tây thay vì nhìn lại mình, xác định các thể chế kinh tế không còn phù hợp thì các nền kinh tế hàng đầu của phương Tây lại vẫn cố chấp coi con đường phát triển theo chủ nghĩa tự do kiểu mới là con đường duy nhất. Khó khăn kinh tế càng làm trầm trọng thêm khoảng cách giàu nghèo, khiến nhiều người dân ở các nước phương Tây nghi ngờ về tính đúng đắn của mô hình phát triển phương Tây, cảm thấy không chắc chắn về các giá trị của xã hội.

Thứ hai, trong khi đó, mô hình của Trung Quốc ngày càng hấp dẫn đối với các quốc gia đang phát triển, nhất là khi phương Tây gặp khó khăn. Có thể thấy, việc bản thân các nền kinh tế phương Tây chưa định hình được tương lai của mình là nhân tố góp phần làm gia tăng tính hấp dẫn của mô hình Trung Quốc tại Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latinh. Một điều tất yếu là sẽ ngày có càng nhiều nền kinh tế tại các khu vực này xoay sang học hỏi Trung Quốc về cách thức phát triển.

Dưới góc nhìn của phương Tây, mô hình phát triển Trung Quốc có nhiều vấn đề về khoảng cách giàu nghèo, vi phạm nhân quyền, không tôn trọng tiến trình dân chủ. Tuy nhiên, trong khi các lập luận của phương Tây ngày càng yếu thế, mô hình phát triển của Trung Quốc ngày càng khẳng định “uy tín”. Các nước đang phát triển nhìn nhận giới lãnh đạo của Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi tác động từ các cuộc bầu cử cũng như đòi hỏi của dân chúng nên có thể kiến tạo các chính sách phát triển dài hạn và kiên trì triển khai liên tục.

Trung Quốc một mặt mở cửa nền kinh tế, nhưng mặt khác vẫn duy trì sự kiểm soát cao ở các ngành công nghiệp chiến lược như năng lượng, viễn thông và ngân hàng. Các quốc gia đang phát triển nhận thức được lợi thế cơ bản của mô hình kiểm soát này: đó là chính phủ có thể điều khiển hoạt động kinh doanh, tận dụng lợi thế thương mại để củng cố vị thế của chế độ, cũng như tăng cường vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

Thứ ba, có lẽ đã đến lúc phương Tây cần nhận thức được các tác động tiêu cực của mô hình kinh tế tự do kiểu mới đối với thể chế chính trị dân chủ của họ trong 30 năm qua. Ngày càng có nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng chính mô hình tự do kiểu mới này đã phá hủy nỗ lực tạo dựng một xã hội với các cơ hội bình đẳng cho mọi người ở các nước phương Tây. Những người cổ súy cho thị trường tự do của chủ nghĩa kinh tế kiểu mới cho rằng phương Tây vươn lên vị trí thống trị thế giới là nhờ mô hình chính phủ nhỏ gọn, không can thiệp và tư nhân hóa. Tuy nhiên, các nhà lịch sử kinh tế đã chứng minh chính mô hình thị trường phi tự do và chính phủ quy mô lớn đã đưa các nước Đông Á lên trình độ công nghiệp hóa, cũng như giúp Mỹ trỗi dậy mạnh mẽ vào đầu thế kỷ 19. Các nước phương Tây ép các nước nghèo hơn phải cam kết tự do hóa thương mại, giảm quy mô can thiệp của chính phủ chỉ sau khi chính bản thân họ đã hoàn thành quá trình công nghiệp hóa trên cơ sở các biện pháp bảo hộ hết sức gắt gao.

Thứ tư, phương Tây cần nhận thức lại các tính chất riêng của mô hình phát triển Trung Quốc. Ở phương Tây hiện nay, thậm chí có ý kiến hết sức sai lầm cho rằng Trung Quốc phát triển nhanh và mạnh như hiện nay là do đã đi theo mô hình kinh tế tự do kiểu mới. Tuy nhiên, sự thành công của Trung Quốc là do quốc gia này có thể cải cách theo cách thức riêng của mình, lựa chọn các nhân tố trong các mô hình phát triển tại Đông Á (như của Nhật Bản, Singapore và Đài Loan) rồi áp dụng vào bối cảnh phù hợp với Trung Quốc. Thực tế, mô hình phát triển của Trung Quốc có nhiều điểm trái ngược với mô hình kinh tế tự do kiểu mới của phương Tây.

Đứng trước các thách thức từ mô hình phát triển của Trung Quốc, phương Tây cần đẩy mạnh đầu tư vào giáo dục và cơ sở hạ tầng trước khi bị tụt hậu sau Trung Quốc; hạ mình để chấp nhận thực tế là phương Tây có thể học hỏi từ mô hình hoạch định kinh tế dài hạn và can thiệp thị trường của Trung Quốc; chú trọng giảm khoảng cách phát triển trong xã hội; nhìn nhận lại các điểm yếu của mô hình dân chủ.

Thực tế lịch sử đã cho thấy, nền dân chủ chỉ tồn tại khoảng 200 trong thế giới cổ đại và mới chỉ tồn tại khoảng 200 trong thế giới hiện đại. Còn trong toàn bộ chiều dài lịch sử phát triển của loài người, các thể chế chuyên chế luôn luôn tồn tại.

Giáo sư Niv Horesh, GĐ Viện chính sách Trung Quốc của Đại học Nottingham, Anh. Bài viết được đăng trên tờ Bưu điện Hoa Nam.

Văn Cường (gt)