Đô đốc Hải quân Mỹ, Đại tướng Jonathan Greenert, 61 tuổi, có lẽ đã thấy hối tiếc vì cuộc điện đàm trực tuyến với Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Thượng tướng Ngô Thắng Lợi, 69 tuổi, hồi cuối tháng 4/2015 vừa qua. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu hai bên chỉ điện đàm mà không phải nhìn mặt nhau. Về phía tướng Greenert, người ta không thấy thái độ tươi cười tại cuộc hội đàm cấp cao của lực lượng vũ trang của hải quân Mỹ-Trung mà thay vào đó là cái cảm giác ráng chịu đựng trong suốt cuộc điện đàm. Cách nói năng có phần lố bịch của ông Ngô Thắng Lợi, nếu như ở trong một vở kịch về tài đối đáp, chắc sẽ được khen là hoạt ngôn. Đoạn hội thoại kinh điển làm cho người nghe bất ngờ trước cái cách mà ông Ngô Thắng Lợi khoác vẻ ngoài hoa mỹ cho hành vi xâm lược biển Đông như san lấp những rạn san hô, đá ngầm và bãi cát mấp mé mặt nước ở vùng biển tranh chấp với các quốc gia khác. 

Sự lố bịch của Tư lệnh hải quân Trung Quốc 

Tướng Ngô Thắng Lợi: “Việc san lấp và xây dựng công sự ở biển Đông không phải là sự uy hiếp đối với tự do hàng hải và hàng không mà để thực thi nghĩa vụ an toàn cho vùng biển quốc tế… Hoạt động san lấp sẽ gắn với việc nâng cao năng lực dự báo thời tiết và cứu hộ cứu nạn trên biển. Trong tương lai, nếu điều kiện cho phép, chúng tôi hoan nghênh các nước liên quan và tổ chức quốc tế, trong đó có Mỹ, sử dụng các cơ sở này”. 

Thượng tướng họ Ngô có vẻ như đã nói ra những lời lẽ đó không chút đắn đo và ông ta đang cố nhịn cười. Lối diễn xuất này gần đạt tới trình độ của diễn viên hài kịch nổi tiếng của Nhật Bản Norihei Miki (1924-1999). 

Tại cuộc họp báo ngày 1/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng phản đối rằng cho dù Bắc Kinh “có gắn với việc nâng cao năng lực dự báo khí tượng và cứu nạn trên biển” thì “việc xây dựng cơ sở tại khu vực tranh chấp không đóng góp gì cho hoà bình và ổn định” trong khu vực. 

Tuy nhiên, ở một quốc gia coi trọng những giá trị phổ quát và cơ bản như tự do, dân chủ, nhân quyền và thượng tôn pháp luật, cho dù có thấy buồn cười với những trò hài hước giống như danh hài Miki thì đó cũng chỉ là một “nụ cười lạnh nhạt”. 

Tháng 3/2008, vị Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương xác nhận tại phiên điều trần của Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ rằng: “Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi năm ngoái (tức là năm 2007), vị lãnh đạo Hải quân Trung Quốc từng nói rằng ‘trong trường hợp chúng tôi có sở hữu hàng không mẫu hạm, Bắc Kinh cũng không thể đồng ý với sự phân chia quyền quản lý phía bờ Đông Hawaii cho Mỹ và phía Tây cho Trung Quốc’”. 

Căn cứ tại 7 bãi đá 

Ai cũng biết vị sĩ quan hải quân đó chính là tướng Ngô Thắng Lợi. Vị Tư lệnh Thái Bình Dương đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ rằng dù là nói đùa thì phát ngôn này cũng thể hiện ý đồ chiến lược của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Trung Quốc đang muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của nước này. Hành động xây dựng các công sự ở Biển Đông cho thấy dã tâm của Bắc Kinh muốn vượt ra khỏi vùng phòng vệ truyền thống của Trung Quốc ở phía Tây đảo Okinawa, Nhật Bản. Trong bối cảnh đó, chẳng có ai trên thế giới lại không mảy may nghi ngờ một thực tế là việc tướng Ngô biện bạch rằng cả thế giới đều có thể sử dụng cơ sở cứu nạn trên biển mà Trung Quốc có được từ hành vi san lấp trái phép các bãi san hô là một “lời nói dối như trò đùa”. 

Vị Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cuối tháng 3/2015 cho biết tính đến thời điểm hiện tại Trung Quốc đã mở rộng diện tích căn cứ quân sự trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Phillipines lên tới hơn 4 km2, tương đương diện tích của 85 tổ hợp mua sắm Tokyo Dome nổi tiếng của Nhật Bản. Trung Quốc đã đưa xe ủi đất và tàu nạo vét đến 7 bãi đá mà nước này chiếm đóng và quản lý trái phép. Bắc Kinh đang rắp tâm dựng lên bức “vạn lý trường thành trên biển” nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các quốc khác. Mặt khác, có thể gọi căn cứ quân sự trên Biển Đông là một dạng “tàu sân bay không chìm” hay “tàu tấn công đổ bộ không chìm” nhằm tăng cường sức tấn công mạnh mẽ cho hải quân Trung Quốc. 

Nếu Bắc Kinh cho bố trí một đơn vị chiến đấu thuỷ quân lục chiến, rađa theo dõi các căn cứ quân sự của nước khác, máy bay chiến đấu, tàu chiến các loại, trực thăng chống hạm và chống ngầm, tên lửa đối hạm và đối không thì cục diên quân sự trên Biển Đông sẽ có thay đổi mang tính đột biến có lợi cho Trung Quốc. Hành động này sẽ góp phần làm hao mòn ảnh hưởng của Mỹ ở Biển Đông và đe dọa các nước xung quanh khu vực vốn yếu kém về năng lực hải quân và không quân, khiến Washington không thể dễ dàng can thiệp khi xảy ra bất trắc. Ngược lại, Bắc Kinh sẽ chi phối và uy hiếp trên phương diện kinh tế đối với các nước, mà trước tiên là Nhật Bản, tại vùng biển trọng yếu có các tuyến hàng hải huyết mạch trung chuyển năng lượng và lương thực của cả thế giới nếu xuất hiện “7 hạm đội” với trung tâm là các “tàu sân bay và tàu đổ bộ không thể chìm” này. Bắc Kinh sẽ có thể sử dụng sức mạnh quân sự và bán quân sự để hỗ trợ cho các ngư dân Trung Quốc, mà thực tế là các dân binh trên biển, hung ác và tàn bạo nhằm khai thác triệt để tài nguyên trong khu vực. 

Nhiệm vụ đầu tiên là cứu hộ thiên tai? 

Có thể nói “vạn lý trường thành trên Biển Đông” tạo ra sự uy hiếp bằng vũ lực của Trung Quốc với ý nghĩa ngăn chặn sự xâm nhập của quân đội Mỹ. Nếu Bắc Kinh thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) gần như toàn bộ Biển Đông và các máy bay chiến đấu có đủ năng lực cất cánh từ các tàu sân bay bằng bê tông này thì công trình “vạn lý trường thành” về cơ bản đã hoàn thành. 

Trong khi san lấp các bãi đá, Trung Quốc đã cho đào xới cát, san hô và bãi đá ở khu vực xung quanh, đổ bê tông và phá hoại nghiêm trọng môi trường ở khu vực này. Chỉ với riêng một cơ sở quân sự, hàng triệu tấn đất cát trong khu vực bị xới tung. 

Các công trình này do các công nhân và công binh Trung Quốc thực hiện. Các quan chức lãnh đạo cấp cao ở Trung Quốc đã bòn rút tiền kinh phí xây dựng công trình này, ăn bớt một số sắt thép và xi măng xây dựng cho công trình. “Tàu sân bay không chìm” cũng có thể sẽ thành “tàu sân bay tự sát”. 

Thượng tướng Ngô Thắng Lợi giải thích với Đại tướng Greenert rằng đây sẽ là những cơ sở “cứu nạn trên biển” nên nhiệm vụ đầu tiên của binh lính đồn trú của Trung Quốc trên các đảo này có thể sẽ là tham gia cứu trợ thiên tai ở các khu vực xung quanh nhằm tiến đến hình thành một căn cứ quân sự hoàn chỉnh. Lẽ dĩ nhiên là các nước xung quanh sẽ không nhờ Bắc Kinh hỗ trợ theo cách này. Ngoại trưởng Vương Nghị từng nói rằng “công trình xây dựng trong vườn nhà mình thì không thể có chuyện người khác nói này nói nọ”. Do vậy, nếu nhờ Trung Quốc giúp đỡ thì vô hình trung đã thừa nhận sự hiện diện của họ tại các đảo nhân tạo này. 

Hơn nữa, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối tháng 3/2015 đã công khai phát biểu tại Diễn đàn châu Á ở Bác Ngao rằng Bắc Kinh muốn “giải quyết hoà bình các tranh chấp” và “phản đối việc uy hiếp và sử dụng vũ lực”. Phát ngôn này của ông Tập Cận Bình thực ra chẳng có chút ý nghĩa nào. “Mục đích như đùa” và “lời nói dối như trò đùa” của Thượng tướng Ngô Thắng Lợi cần phải có phân tích nhưng riêng phát ngôn trên của ông Tập Cận Bình thì đích thị là “sự đối trá”.

Theo Sankei