B3_asean_Dragon_GG_WEB_s620x610.jpg

Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 2/8, Đại tá Restituto Padilla - người phát ngôn của AFP - nhấn mạnh: "Tại khu vực này, tiếng nói tập thể sẽ có những ảnh hưởng hơn nhiều so với vài tiếng nói đơn lẻ mạnh mẽ. Toàn bộ châu Á nói chung, hay ASEAN nói riêng, sẽ là một tiếng nói mạnh mẽ. Nếu các nước ASEAN có thể đoàn kết cùng nhau, mọi việc sẽ tốt đẹp hơn". Đại tá Padilla cũng cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chịu lắng nghe nếu nhiều quốc gia cùng lúc lên tiếng phản đối các hoạt động xây dựng và cải tạo trái phép mà họ đang tiến hành tại hàng loạt bãi đá ngầm thuộc chủ quyền của Philippines, Việt Nam, Malaysia và Nhật Bản.

Ông Padilla cũng nhấn mạnh tới những quan ngại gần đây của nhiều tổ chức nghiên cứu chính sách và giới quan sát, đồng thời khẳng định những vấn đề mà họ nêu lên cũng chính là những điều mà Philippines đã nhắc tới suốt trong một thời gian dài. Ông nói: "Điều này phản ánh một thực tế là nhiều người cùng có chung quan ngại với Philippines, và tất cả các quốc gia đều nên thống nhất với nhau và lên tiếng phản đối (các hành động của Trung Quốc). Nếu điều này diễn ra, Trung Quốc sẽ lắng nghe và có thể sẽ không tìm cách đi ngược lại những điều đúng đắn, và thậm chí là có cách hành xử đúng mực, tôn trọng các nguyên tắc và những gì mà các quốc gia chuộng hòa bình khác theo đuổi".

Đại tá Padilla cho rằng các quốc gia tỏ ra do dự trong việc lên tiếng phản đối Trung Quốc là bởi họ đang bảo vệ các lợi ích của mình, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, theo ông, Trung Quốc sẽ không áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm trả đũa các quốc gia này bởi chính bản thân Trung Quốc cũng phải dựa vào thương mại. Ông nói: "Thương mại rõ ràng là một trụ cột quan trọng của Trung Quốc. Họ cần các thị trường ở các quốc gia khác để bán hàng hóa. Họ cũng cần mua hàng hóa từ các quốc gia khác. Đây là cơ chế cho và nhận. Nền kinh tế sẽ không thể phát triển nếu chỉ tự cung tự cấp".

Người phát ngôn của AFP cho rằng trong khi các nước G7, gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ, đều lên tiếng phản đối các hành động đơn phương của Trung Quốc, như các hoạt động cải tạo và xây dựng trái phép ở các khu vực hàng hải nhiều tranh cãi, thì ASEAN cho tới nay gần như vẫn khá im ắng. Ông nhấn mạnh: "Đây là thách thức của chúng ta. ASEAN cần có một tiếng nói chung mạnh mẽ".

Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Philippines ngày 2/8 cho biết ASEAN và Trung Quốc đang thảo luận việc thiết lập một "đường dây nóng" dùng trong tình huống khẩn cấp liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose, đường dây nóng được đề xuất nêu trên đã được đưa ra bàn thảo tại hội nghị của các quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc và ASEAN diễn ra ở Thiên Tân (Trung Quốc) hồi tuần trước. Trong một thông báo, ông Jose nêu rõ: "Mặc dù vấn đề này đã được nhất trí trên nguyên tắc như là một biện pháp thu hoạch sớm, song vẫn còn nhiều vấn đề cần phải thảo thuận kỹ lưỡng". Ông Jose nhấn mạnh rằng đường dây nóng này sẽ không được công bố tại hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN sắp tới.

Giới chuyên gia cho rằng ASEAN cần có cái nhìn rộng hơn đối với mối quan hệ với Trung Quốc, chứ không nên để bị chi phối bởi các tranh cãi tại Biển Đông. Benjamin Ho, một nhà nghiên cứu an ninh biển, nói: "Các điểm nóng về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông sẽ không thể được giải quyết triệt để, trong khi mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc không chỉ xoay quanh vấn đề Biển Đông". Ông Benjamin Ho, hiện đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, thuộc Đại học Kỹ thuật Nanyang Singapore, cho rằng hiện mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc đang trong giai đoạn khá bền chặt. Quan hệ này thậm chí còn được củng cố nhiều hơn nữa với sự ủng hộ mà ASEAN dành cho sáng kiến thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ông Benjamin Ho cho rằng sự hiện diện của một Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) sẽ giúp làm rõ những lợi ích của các quốc gia liên quan, song COC không thể đảm bảo cho một sự hạ nhiệt căng thẳng giữa các bên - vốn đều có nhiều lợi ích tại Biển Đông, nơi có hai quần đảo quan trọng là Paracels (Hoàng Sa) và Spratlys (Trường Sa), cùng các tuyến đường biển trọng yếu và ngư trường dồi dào.

Trong khi đó, Tiến sỹ Kamarulazizi Ibrahim - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bền vững Toàn cầu thuộc Đại học Sains Malaysia (USM) - cho rằng ASEAN cần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hữu nghị với Trung Quốc để từ đó tạo cơ sở cho các nước thành viên thảo luận với các đối tác về nhiều vấn đề tại Biển Đông. Theo ông Kamarulazizi, các nước thành viên ASEAN, với dân số ở vào khoảng 600 triệu người, cần ngồi lại với nhau và thảo luận về các tuyên bố chủ quyền, không chỉ là những vấn đề ảnh hưởng tới an ninh biên giới, mà còn cả những hoạt động kinh tế như đánh bắt thủy hải sản, các tuyến đường giao thương trên biển cũng như an ninh trong khu vực. Ông nói: "Điều chúng ta cần làm là nói rõ với Trung Quốc rằng ASEAN là một nền kinh tế đang ngày càng nở rộ, nơi Trung Quốc có thể sẽ thu được cho mình những lợi ích không nhỏ. Các nước ASEAN cần đẩy mạnh hơn nữa những thành tựu của mình và thể hiện rõ ảnh hưởng và lợi thế của sức bật này".

Hiệu trưởng USM, Giáo sư Tan Sri Mustafa Mansur cho rằng các nước thành viên ASEAN cần thống nhất để tìm tiếng nói chung và đoàn kết trong việc giải quyết các tranh cãi tại Biển Đông. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta cần hết sức thận trọng khi xử lý vấn đề này".

Theo "Manila Times"

Mỹ Anh (gt)