1-b955a.jpg

 

Hơn một chục tên lửa đạn đạo chống hạm có tốc độ bay gấp 10 lần vận tốc âm thanh được trình diễn tại lễ duyệt binh nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít của nhân dân thế giới ở Bắc Kinh. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã gọi đây là "quân át chủ bài" trong các cuộc xung đột (nếu xảy ra) và là "một trong các vũ khí chính của Trung Quốc trong cuộc chiến bất đối xứng". Tên lửa tầm trung DF-21D đặt trên đất liền được trang bị các hệ thống dẫn đường giai đoạn cuối, có thể cho phép tấn công mục tiêu đang di chuyển như một đội tàu sân bay trên biển - một khả năng chưa từng có trước đây. Trong nhiều thập kỷ, hạm đội tàu sân bay của Mỹ là thành tố chính giúp họ phô trương sức mạnh ra toàn thế giới, và chuyên gia Andrew Erickson của Quỹ Jamestown có trụ sở tại Washington đã mô tả tên lửa DF-21D là "vũ khí hủy diệt không thể đoán trước".

James Char, nhà phân tích tại Đại học Nanyang của Singapore, cho rằng tên lửa này "đóng vai trò là vũ khí đánh chặn, sẽ khiến các đối thủ trong khu vực phải xem xét kỹ càng trước khi triển khai các đội tàu sân bay chống lại Trung Quốc". Theo ông James Char, công nghệ này hiện vẫn chưa được kiểm chứng, song nó nhấn mạnh "tầm quan trọng ngày càng tăng của lực lượng hải quân Trung Quốc" trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách phô trương sức mạnh hơn nữa ở cả trên biển và trên không.
Phát biểu với hãng tin AFP, chuyên gia Jon Grevatt của tạp chí quốc phòng IHS Jane’s nói: "Việc tên lửa DF-21D là nhân tố làm thay đổi cuộc chơi là điều không phải bàn cãi" nếu nó thực sự có khả năng như tuyên bố. Arthur Ding, chuyên gia quân sự tại Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan, cảnh báo rằng việc sử dụng tên lửa này một cách hiệu quả đòi hỏi sự phối hợp cao giữa các vệ tinh và tàu chiến, và rằng Mỹ hiện sẵn có "rất nhiều biện pháp đối phó". Tuy nhiên, ông cho rằng tên lửa này "ở một mức độ nào đó sẽ ảnh hưởng đến các chiến lược của Mỹ trong khu vực".

Tháng 5/2015, lực lượng hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ chú trọng hơn nữa đến hoạt động "bảo vệ vùng biển khơi", thay vì đơn thuần "bảo vệ vùng nước ngoài khơi". Cùng lúc đó, lực lượng không quân sẽ chuyển hướng tập trung "từ bảo vệ chủ quyền trên không sang cả bảo vệ và tấn công". Ông James Char cho rằng Bắc Kinh "hiện vô cùng quan ngại về những gì mà các đối thủ, đặc biệt là lực lượng hải quân Mỹ, có thể làm để chống lại họ".

Trung Quốc đã liên tục tăng ngân sách quốc phòng ở mức hai con số trong nhiều thập kỷ qua, trong bối cảnh nước này ngày càng có quan điểm hung hăng trong các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng châu Á ở phía Đông và trên Biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ - quốc gia chi phối Thái Bình Dương kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai - đã thúc đẩy chiến lược "xoay trục" sang châu Á, mà theo lời Tổng thống Barack Obama là nhằm duy trì "sự lãnh đạo của Mỹ" trong khu vực.

Trong khi đó, ngay trước lễ duyệt binh, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc và đồng thời là người đứng đầu quân đội, tuyên bố rằng PLA - hiện có số quân thường trực đông nhất thế giới với 2,3 triệu người - sẽ cắt giảm 300.000 nhân sự. Ông Tập Cận Bình nói rằng quân đội Trung Quốc sẽ "đảm nhiệm sứ mệnh cao cả đó là bảo vệ hòa bình thế giới" và sẽ không bao giờ "tìm kiếm tham vọng bá chủ".

Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, Bắc Kinh ngày càng đi xa khỏi chính sách "giấu mình chờ thời" của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, và ngày càng thể hiện quan điểm cứng rắn hơn, với cả các đối thủ ở cả trong và ngoài nước. Chuyên gia Grevatt cho rằng, việc cắt giảm quân số lần này là "một phần trong nỗ lực của ông Tập Cận Bình nhằm tăng cường tính hiệu quả của quân đội". Đây là động thái mới nhất trong công cuộc cắt giảm quân số quy mô lớn của PLA, với khoảng 2 triệu quân bị cắt giảm từ những năm 1980 trong bối cảnh Trung Quốc tìm kiếm thúc đẩy một lực lượng chiến đấu hiệu quả hơn.

Nhà phân tích Ding cho rằng, việc cắt giảm lần này "nằm trong dự đoán" và đã được thảo luận trong nhiều năm. Ông nói thêm rằng: "Hỏa lực và tính lưu động nói chung đã được cải thiện tốt, bởi vậy việc cắt giảm có thể được triển khai. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết việc cắt giảm quân số sẽ "chủ yếu nhằm vào các lực lượng trang bị vũ khí lạc hậu, nhân sự hành chính và lực lượng không tham chiến", đồng thời sẽ giúp cho lực lượng vũ trang nước này "giảm bớt quy mô nhưng được tăng cường khả năng". Chuyên gia Grevatt của tạp chí quốc phòng IHS Jane’s cho rằng việc này sẽ có "tác động tích cực lâu dài" tới khả năng quân sự của Trung Quốc. Ông nói: "Sức mạnh của quân đội ngày nay không nằm ở số lượng các binh sĩ".

Trong khi đó, theo hãng tin "Tân Hoa Xã", liên quan đến cuộc duyệt binh ngày 3/9 ở Bắc Kinh, truyền thông quốc tế đã nêu bật những tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình trình bày trong bài diễn thuyết rằng: "Trung Quốc sẽ không bao giờ mưu cầu quyền bá chủ và xâm lược" và "Trung Quốc sẽ cắt giảm bớt 300.000 quân" để chứng tỏ rằng Trung Quốc là một cường quốc có ảnh hưởng lớn trong công cuộc duy trì hòa bình và phát triển thế giới.

Cựu Tổng thống Mexico Luis Echeverria cho rằng bài diễn thuyết của ông Tập Cận Bình đã truyền đạt đầy đủ tình yêu hòa bình của người dân Trung Quốc cũng như khát vọng duy trì ổn định và thịnh vượng của họ đối với thế giới. Còn nhà phân tích chiến lược của Ấn Độ và cũng là cựu Phó Đô đốc Hải quân Uday Bhaskar cho rằng bài diễn thuyết của Chủ tịch Tập Cận Bình và cuộc duyệt binh là một công cụ để Trung Quốc chứng tỏ sức mạnh quân sự của mình, cũng như quyết tâm bảo vệ hòa bình của người dân Trung Quốc.

Ramesh Chopra, một nhà phân tích chiến lược và là cựu Phó Tổng Chỉ huy Quân đội Ấn Độ, nhận định rằng tuyên bố của ông Tập Cận Bình sẽ giảm 300.000 quân trong các lực lượng vũ trang Trung Quốc là một hành động có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hiện đại hóa quân sự Trung Quốc, và cũng là một tín hiệu tốt cho hòa bình và ổn định khu vực và thế giới. Michael Mynyao, Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Trung-Phi, cũng có chung nhận định trên khi nói: "Đây là cách để họ củng cố hòa bình thế giới bằng việc nói với các quốc gia khác rằng chúng ta sẽ không rơi vào chiến tranh một lần nữa và vì vậy nên giảm quân số".

Mỹ Anh (gt)