10605140.JPG

 

Trung Quốc và ASEAN năm 2002 đã ký "Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC), cam kết thông qua hiệp thương hữu nghị và đàm phán, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình, đồng thời khởi động các cuộc đàm phán nhằm đạt được "Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC). Tuy nhiên, quá trình này luôn bị trì hoãn, đến năm 2013, các quan chức cấp cao Trung Quốc và ASEAN mới bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức.

Trong hai năm qua, các cuộc thảo luận của các quan chức cấp cao và các nhóm làm việc đạt được tiến triển như thế nào vẫn còn rất mơ hồ. Đến tận Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN với các đối tác, diễn ra tại Kuala Lumpur ngày 5/8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị mới nói rằng cấp làm việc nhóm gần đây đã đạt những tiến triển hết sức quan trọng. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Singapore Shanmugam lại nói rằng ASEAN không hài lòng với những tiến bộ tính đến thời điểm này. Khoảng hai tháng trước, ông đã công khai bày tỏ rằng tiến triển của các cuộc đàm phán COC thực sự làm "mọi người thất vọng".

Nếu nói tham vấn quan chức cấp cao và nhóm làm việc giữa Trung Quốc và ASEAN đã đạt được triến triển mang tính thực chất, vậy thì các nước cần phải có những đánh giá thống nhất về những tiến triển đạt được này mới đúng. Bất luận là thế nào, đối với công chúng mà nói, những thông tin về lĩnh vực này vẫn là thiếu. Đồng thời, tâm lý lo ngại về căng thẳng gia tăng ở Biển Đông đang ngày càng trở nên phổ biến. Ngoài Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, vấn đề Biển Đông cũng được nêu lên trong các diễn đàn khác, chẳng hạn như tại Đối thoại Shangri-La cách đây hai tháng. Có thể nói, tranh chấp ở Biển Đông đã trở thành chủ đề nóng nhất.

Mặc dù vấn đề Biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự chính thức của các ngoại trưởng ASEAN, nhưng nó không thể tránh khỏi trở thành một chủ đề của các cuộc họp không chính thức, thậm chí nó thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của dư luận quốc tế và lấn át các chương trình nghị sự quan trọng khác của hội nghị. Trung Quốc và ASEAN cần thực sự tìm ra những đối sách nhằm chấm dứt tình trạng diễn đàn này thường bị vấn đề Biển Đông “cướp mất”, hoặc bị chi phối quá nhiều.

Tranh chấp chủ quyền các đảo và vùng lãnh hải ở Biển Đông có hai cấp độ: một là quan hệ giữa các nước tuyên bố chủ quyền; hai là liên quan đến vấn đề ổn định khu vực và an ninh tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông. Do đó, tìm kiếm phương án giải quyết không chỉ tiến hành ở một cấp độ đơn nhất. Chúng ta đều biết rằng đối với bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến chủ quyền, việc giải quyết sẽ vô cùng khó khăn do không bên nào muốn nhượng bộ, vì vậy việc các cuộc đàm phán bị trì hoãn lâu dài là không thể tránh khỏi, và cùng với thay đổi tình hình khách quan, nó cũng trở trên không chắc chắn. Bởi vậy, hy vọng Trung Quốc và các nước có tranh chấp trong thời gian ngắn thông qua đàm phán song phương để giải quyết vấn đề là không thực tế. Điều quan trọng là tránh để các vấn đề và mâu thuẫn trở nên nghiêm trọng, đe dọa đến lợi ích của toàn thể. Đây chính là điểm mà Trung Quốc và ASEAN phải tập trung giải quyết.

Có thể nói rằng hy vọng trong lĩnh vực này đặt hoàn toàn vào việc hoàn thành đàm phán COC. Nếu các cuộc đàm phán về COC mang lại cho mọi người ấn tượng rằng không có những tiến triển thực chất, hoặc trên thực tế không có cách giải quyết, thì nó có thể phá hoại toàn bộ niềm tin giữa Trung Quốc và ASEAN, thậm chí ảnh hưởng đến tiến trình hợp tác quan trọng giữa hai bên. Ví dụ, Trung Quốc trong những năm gần đây đưa ra chiến lược “Một vành đai, một con đường” và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), đối với ASEAN mà nói đó là cơ hội mới để tăng cường hợp tác với Trung Quốc, song nếu vấn đề Biển Đông tiếp tục không được giải quyết ổn thỏa, tiến trình hợp tác giữa hai bên tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng.

Như Ngoại trưởng Shanmugam nhiều lần nhấn mạnh, vấn đề Biển Đông chỉ là một trong những chủ đề thảo luận trong mối quan hệ giữa ASEAN-Trung Quốc, "nếu chúng ta để cho nó làm hỏng toàn bộ mối quan hệ thì quả thực đó là việc làm ngu ngốc". Người Trung Quốc có câu "đánh chuột chớ để vỡ bình", vấn đề Biển Đông hiện nay không ngừng nóng lên cũng có ý nghĩa như vậy. Một trong những yếu tố quan trọng là tiến trình đàm phán COC vẫn không rõ ràng. Theo báo cáo mới nhất, Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc sau cuộc đàm phán ở Kuala Lumpur đã nhất trí thúc đẩy nhanh quá trình đàm phán liên quan, đây là bước đi đầu tiên đáng mừng. Hy vọng hai bên tiếp tục có những điều chỉnh suy nghĩ, tập trung trí tuệ để tìm ra bước đột phá đưa các cuộc đàm phán đi vào thực chất.

Theo "Liên hợp Buổi sáng"