Đây là một bước đi lịch sử, mặc dù chưa thật rõ ràng liệu đó có phải là bước đi mang tính chiến lược hay không vì chính sách “hướng Đông” hiện đang là mốt của thời đại. Mối thâm thù chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không còn giống như trước kia nữa.

Ngày 15/9, báo chí Ấn Độ loan báo Trung Quốc mới đây đã yêu cầu tập đoàn dầu khí Videsh của Ấn Độ đình chỉ dự án thăm dò hai lô dầu khí ở Biển Đông thuộc khu vực mà Việt Nam khẳng định thuộc chủ quyền của mình, song Bắc Kinh lại cho là lãnh thổ của họ. 

Các sự kiện trên diễn ra một tuần trước chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Ấn Độ S.M. Krishna và gây ra một sự phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh. Trung Quốc đã đáp trả nhanh chóng và bày tỏ sự khó chịu trước việc Niu Đêli tiến hành các dự án thăm dò dầu khí tại vùng biển đang có tranh chấp. Khi trả lời phỏng vấn báo chí, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định: “Lập trường trước sau như một của chúng tôi là phản đối việc bất kỳ quốc gia nào tiến hành các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc”.

Ngay lập tức tại Niu Đêli, phía Ấn Độ đã phản ứng trước tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và khẳng định: “Sự hợp tác của Ấn Độ với Việt Nam và bất kỳ quốc gia nào khác đều dựa trên các luật pháp, quy định và công ước quốc tế… Sự hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và để bảo vệ an ninh năng lượng của Ấn Độ là vô cùng quan trọng. Hiện có một loạt doanh nghiệp Ấn Độ đã và đang hoạt động ở Việt Nam và chúng tôi hy vọng có thể thúc đẩy sự hợp tác đó vào các năm tới”.

Phía Ấn Độ cho rằng mặc dù sự tranh chấp ở Biển Đông là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam, song cần phải được giải quyết trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế. Phía Ấn Độ tuyên bố: “Việc chúng tôi (Ấn Độ) tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ với Việt Nam là hoàn toàn công khai”. Công ty Videsh đã làm ăn tại Việt Nam từ nhiều năm qua và hiện đang mở rộng các hoạt động của mình. Đây là một phần trong chương trình đàm phán của ông Krishna tại Hà Nội. Trong khi đó, một số công ty tư nhân khác của Ấn Độ cũng bắt đầu tiến hành nghiên cứu và thăm dò dầu khí tại các vùng biển được cho là tranh chấp. Giờ đây, ông Krishna cần phải có bước đi tiếp theo. Đối mặt với sự bất đồng đó như thế nào, và nếu đi quá xa, điều gì sẽ xảy ra? Tất cả điều này có thể sẽ định đoạt mối quan hệ Trung-Ấn trong một tương lai gần.

Một điều khá quan trọng nữa là hiện Trung Quốc đang gia tăng sự can thiệp của nước này vào cuộc tranh chấp hòn đảo Cachemira mà Ấn Độ tuyên bố thuộc chủ quyền của mình, song bị Pakixtan chiếm giữ. Rõ ràng Niu Đêli đã quyết định có tính toán khi ra một đòn phủ đầu với Bắc Kinh. Việt Nam là một sự lựa chọn chiến lược độc đáo mà Niu Đêli muốn làm cho Bắc Kinh hiểu về sự thâm thúy trong suy nghĩ của người Ấn Độ trước mối quan hệ của Trung Quốc với Pakixtan. Đồng thời, đây cũng là một cách để Ấn Độ nhận được nhiều sự đồng cảm của các nước Đông Nam Á khác khi dám can dự vào cuộc tranh chấp ở Biển Đông.

Một trang mới của sự đối đầu về địa-chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã mở ra. Theo giới phân tích, sẽ khó có thể xảy ra đụng độ giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong tương lai, song quan hệ giữa hai nước sẽ căng thẳng. Một cuộc chiến trực diện giữa hai quốc gia là không thể vì cả hai có nhiều thứ để mất. Tuy nhiên, hai nước sẽ tiếp tục cản trở lẫn nhau, với những hậu quả khó lường trước.

Theo Rebelion

Thuỳ Anh (lược dịch)