Đầu năm nay, Trung Quốc đã thả vật liệu xây dựng lên một hòn đảo nằm trong phạm vi thềm lục địa của Philíppin. Hành vi này đã trực tiếp vi phạm Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN năm 2002. Vì điều này, Philíppin đã đề nghị Mỹ can dự vào tranh chấp Biển Đông. Vừa qua, tàu tuần tra Ngư chính của Trung Quốc đã cắt đứt cáp của tàu thăm dò địa chấn Việt Nam đang hoạt động trong phạm vi thềm lục địa của Việt Nam. Hà Nội đã phản đối quyết liệt hành động này. Hiện nay, Việt Nam cũng thuyết phục Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông. Có thể nói, đây đều là những kết quả mà Trung Quốc không muốn nhất.

Ngày 25/6, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc đã hội kiến với Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn. Hai bên nhắc lại lập trường giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, một tuyên bố như vậy không thể làm giảm bớt về lâu dài tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Tình hình Biển Đông hiện nay rất nhạy cảm, bất cứ một biến động nhỏ nào cũng đều có thể dẫn đến xung đột quân sự. Và người ta có thể hình dùng được viễn cảnh chỉ trích lẫn nhau trong vấn đề Biển Đông trở thành tiêu điểm của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tổ chức vào tháng 11 tới tại Giacácta (Inđônêxia).

Liệu Trung Quốc có coi Biển Đông là nội hải của mình?

Tiêu điểm tranh chấp đằng sau tình hình căng thẳng ở Biển Đông chủ yếu tập trung ở “đường chữ U” (đường 9 đoạn) mà Trung Quốc đã vạch ra một cách mơ hồ trên các loại bản đồ của nước này. Kết quả của sự mơ hồ là cả ở Trung Quốc lẫn trên thế giới đều hiểu nhầm rằng toàn bộ Biển Đông là “vùng nước lịch sử” hoặc “nội hải” của Trung Quốc. Nhưng theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Luật Biển Quốc tế), việc cho rằng toàn bộ Biển Đông là “vùng nước lịch sử” hoặc “nội hải” của Trung Quốc về căn bản là không đúng. Cách hiểu như vậy cũng đồng nghĩa với việc tàu thuyền đi qua Biển Đông đều phải có sự phê chuẩn của Trung Quốc và Trung Quốc còn có quyền kiểm tra đối với tàu thuyền đi qua tuyến hàng hải nhộn nhịp này. Việc đó tất nhiên là gây ra sự phản cảm của Mỹ, Nhật Bản và các nước lệ thuộc vào thương mại trên biển. Bây giờ chính là lúc Trung Quốc phải giải thích rõ lập trường của mình. Chính phủ Trung Quốc phải nói rõ với dân chúng trong nước và cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc không coi Biển Đông là “nội hải” của mình.

Bước tiếp theo mà Trung Quốc cần phải làm là phải giải thích rõ hàm nghĩa thực sự của “đường chữ U”. Trên thực tế, khi phản đối “Báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa” mà Malaixia và Việt Nam phối hợp trình Liên hợp quốc vào năm 2009, Trung Quốc đã dấn thêm một bước trong vấn đề “đường chữ U”. Trong công hàm phản đối báo cáo trên, Trung Quốc đã gửi kèm bản đồ chính thức có “đường chữ U”. Phần chú thích bản đồ gửi kèm, Trung Quốc xác định rõ tất cả các đảo nằm trong phạm vi “đường chữ U” và vùng nước tiếp giáp “đường chữ U” đều thuộc về Trung Quốc.

Phải thấy rằng “tiếp giáp” không phải là thuật ngữ được sử dụng trong Luật Biển Quốc tế, nhưng Luật Biển Quốc tế lại là văn kiện được tất cả các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông kí kết và thừa nhận. Vậy phải giải thích như thế nào về sự phân chia mà Trung Quốc đưa ra trong công hàm phản đối nêu trên. Cách giải thích hợp lý nhất là trên thực tế Trung Quốc tuyên bố tất cả các đảo trong đường chữ U, gồm quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng và bãi cạn cũng như vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) từ các đảo này đều thuộc về Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc có thể giải thích rõ được điều này, tình hình căng thẳng khu vực có thể được lắng dịu và tạo điều kiện tiến hành thảo luận về việc thực thi Luật Biển Quốc tế trong khu vực như thế nào. Cũng vì thế, Trung Quốc phải chấm dứt việt quấy nhiễu các tàu cá hoặc tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam và Philíppin hoạt động trong phạm vi thềm lục địa của các nước này.

Theo Liên Hợp Buổi sang

Trần Quang (gt)