Sau những bất đồng liên tục giữa hai bên về các vấn đề nóng bỏng của thế giới như vấn đề Iran, Xyri cũng như lo ngại về gian lận bầu cử, các cường quốc phương Tây đã phản ứng thận trọng trước cuộc bầu cử tổng thống Nga. Thủ tướng Đức Angela Merkel - một trong số ít nhà lãnh đạo phương Tây có quan hệ ấm nồng với Nga - là người duy nhất "chúc mừng ông Putin thành công" vào sáng 5/3, trong khi các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) chỉ "lưu ý" tới chiến thắng của ông Putin và Thủ tướng Anh David Cameron hứa sẽ gọi điện cho ông Putin sau đó. Francois Heisbourg, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nói: "Việc Putin thắng cử chẳng có gì ngạc nhiên. Hiện các nước phương Tây sẽ thấy Putin trở lại tuyến đầu, trở lại với các mối tiếp xúc trực tiếp mà không cần thông qua vai trò trung gian của Dmitry Medvedev. Hiểu theo một cách, việc này sẽ đơn giản hóa các vấn đề đối với phương Tây bởi lẽ họ biết mình đang làm việc với ai". Nhà phân tích Jan Techau làm việc cho Viện tư vấn Carnegie châu Âu nhận xét: "Putin không thích mối quan hệ đối ngoại và các chuyến công du nước ngoài chính thức bởi ông ta không giỏi chuyện này. Nhưng nay Putin sẽ cần phải tích cực hơn". Trong bối cảnh nền kinh tế Nga chao đảo và phe đối lập đang trỗi dậy, các nhà phân tích và bình luận cho rằng tới đây sẽ là nhiệm kỳ tổng thống 6 năm cuối cùng của Putin. Mặc dù Putin đả kích mạnh mẽ Mỹ trong chiến dịch tranh cử của mình, nhưng Giám đốc Heisbourg cho rằng đường hướng ngoại giao của Mátxcơva nhìn chung sẽ không có sự thay đổi. Ông nói: "Chiến dịch vận động tranh cử của Putin rất tốn kém, nhưng tính hợp pháp của ông ta được củng cố. Hiện Putin cần đạt được thành công 'nhãn tiền' trong công cuộc hiện đại hóa nước Nga, vì vậy, ông ta cần tới phương Tây, cần tới sự đầu tư của phương Tây". 

Theo các nhà phân tích, vì sự ổn định toàn cầu, các nước cần phải tích cực giúp Nga hiện đại hóa đất nước như đầu tư vào ngành năng lượng và cải thiện hoạt động thương mại của nước này, nhưng không vi phạm các nguyên tắc quốc tế như vấn đề nhân quyền, bảo đảm đầu tư hay luật quốc tế. Theo Tổ chức Chatham House tại Anh, các nhà lãnh đạo phương Tây có thể giúp Nga tốt nhất bằng cách tập trung vào các mục tiêu mang tính chiến lược là hội nhập Nga vào hệ thống thế giới tự do". Ví dụ, NATO nên tiếp tục nỗ lực xây dựng mối quan hệ NATO-Nga, nhưng vẫn tiếp tục kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa dù có được Nga đồng ý hay không. Ngoài ra, Tổng thống tới đây của Mỹ nên quan tâm hơn đến Nga. Nhà phân tích Techau nói: "Oasinhtơn cần một chính sách nhạy bén và cảm thông, nhưng đồng thời cũng phải kiên quyết (với Nga)".Châu Âu, vốn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt Nga, ngày càng có thêm nhiều đòn bẩy để gây sức ép với Mátxcơva. James Nixey của Tổ chức Chatham House tại Anh cho rằng: "Nhiều người tại Brúcxen có quan điểm sai lầm rằng EU phụ thuộc vào Nga nhiều hơn là Nga phụ thuộc vào EU". Theo ông, châu Âu cần củng cố vị thế của mình và hành động với tư cách một khối để ngăn cản việc Mátxcơva thích thương lượng với từng nước thành viên hơn với cả khối. Trong khi đó, trong bài viết đăng trên tờ "Điện tín" (Anh), Chủ tịch Ủy ban An ninh và Tình báo Anh, Malcolm Rifkind viết: "Chiến thắng của Putin không hẳn là hoàn toàn khó chịu đối với phương Tây bởi nó mang lại một số điểm tốt, như trong 6 năm tới, nước Nga sẽ ổn định và dễ đoán được đường đi nước bước. Tổng thống Nga sẽ tiến hành một chính sách đối ngoại mà mọi người đã quen thuộc, đó là theo chủ nghĩa dân tộc nhưng không nguy hiểm hoặc không quá bất hợp lý về những vấn đề rất quan trọng về chiến tranh và hòa bình. Ông Putin có vẻ coi chính sách đối ngoại như một trò chơi có tổng bằng không và bất cứ điều gì Mỹ muốn thực hiện thì sẽ bị Nga phản đối, bởi như thể qua đó mới chứng tỏ rằng Nga được thế giới khâm phục như là một cường quốc quan trọng".

Bài gốc: Western diplomacy must help weakened Putin

Theo MSN (ngày 6/3)

Vũ Hiền (gt)