Quần đảo Senkaku hiện đang bị Trung Quốc và Nhật Bản tranh chấp. Theo báo “Sankei” (Nhật Bản), việc Trung Quốc công bố tên gọi cho các đảo lần này dựa trên Luật bảo vệ biển và hải đảo của Trung Quốc, được thi hành từ tháng 3/2010 nhằm tăng cường quản lý và khai thác tài nguyên của khoảng 7.000 đảo và hệ sinh thái mà Trung Quốc cho rằng nằm trong vùng lãnh hải của nước này ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trong danh sách tên các đảo được công bố, đáng chú ý có các đảo lớn như Điếu Ngư, Hải Đồn hoặc Điểu Sào được chú thích cụ thể về vị trí, phương hướng, khoảng cách tới đất liền, trong khi các đảo còn lại được chú thích những thông tin đối chiếu với các đảo lớn hoặc các khu vực cụ thể, theo đó, đảo Điếu Ngư cách thành phố Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) 356km. Đây là sự kiện mới nhất có thể đẩy quan hệ Trung-Nhật rơi vào khủng hoảng sau khi hai bên liên tục có các biện pháp trả đũa nhau trong bối cảnh chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao trong năm 2012. Trước đó, tàu tuần tra thuộc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc đã liên tục ngăn cản tàu khảo sát của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) đang hoạt động tại EEZ của Nhật Bản. Cục Hải dương cho rằng tàu Nhật Bản đã xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, vi phạm Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc và pháp luật của Trung Quốc. Sau khi Nhật Bản tuyên bố đặt tên cho 39 đảo xa bờ - trong đó có 4 đảo thuộc quần đảo Senkaku đang bị tranh chấp giữa hai nước - để làm cơ sở xác định EEZ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã khẳng định Điếu Ngư và các đảo xung quanh là lãnh thổ cố hữu thuộc Trung Quốc và không hề có sự tranh chấp tại khu vực này. Ông cũng cho rằng việc Nhật Bản đặt tên cho các đảo xa bờ là việc làm “vô nghĩa, không có giá trị về mặt luật pháp và không thể thay thế được sự thật” rằng các đảo này thuộc về Trung Quốc.

Ngay sau khi có thông tin về việc đặt tên của Trung Quốc, Chính phủ Nhật Bản đã chuyển tới Trung Quốc lời phản đối chính thức thông qua các kênh ngoại giao. Trước kia, Trung Quốc chưa bao giờ công bố đảo Điếu Ngư là “lợi ích cốt lõi”, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Bắc Kinh trên thực tế đã xác định Điếu Ngư, Tây Tạng, Đài Loan và Biển Đông là các “lợi ích cốt lõi của nước này, tức là các lợi ích an ninh quốc gia nên nước này không bao giờ nhượng bộ các bên có liên quan". Tuy nhiên, tờ “Nhân dân nhật báo” của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 17/1 đã chính thức đề cập Điếu Ngư là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, khiến Nhật Bản hết sức cảnh giác. Ngày 20/1, tờ “Thương báo” của Hồng Công cũng dẫn nguồn từ một quan chức thuộc Cục Hải sự Thượng Hải chuyên quản lý vùng biển Hoa Đông cho biết Trung Quốc có kế hoạch tăng cường hoạt động giám sát tuần tra bằng máy bay lên 150 lần, gấp hai lần so với trước kia. Đây là những động thái nhằm tăng cường quyền lợi của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông. Tại Trung Quốc, ảnh hưởng của quân đội đối với việc hoạch định chính sách ngày càng tăng do quá trình hiện đại hóa quân sự tại nước này. Do vậy, để giành được sự ủng hộ của giới quân sự, ban lãnh đạo mới chuẩn bị lên nắm chính quyền sẽ thi hành các chính sách chịu ảnh hưởng từ quân đội. Như vậy, có thể thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục có các chính sách cứng rắn trên Biển Hoa Đông một khi tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku hay tại các mỏ khí thiên nhiên trên Biển Hoa Đông không có tiến triển.

Lê Sơn (gt)