Erikson, chuyên gia vấn đề Trung Quốc thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho rằng hành động tích cực để bảo vệ và di tản kiều dân là một phần thể hiện thực lực, sự tồn tại và ảnh hưởng của Trung Quốc trên phạm vi toàn thế giới đang tiếp tục tăng lên. Việc di tản kiều dân ra khỏi Libi lần này không chỉ thể hiện hình ảnh nhân đạo và vì dân của Trung Quốc, mà còn phản ánh phạm vi và ràng buộc lợi ích của Trung Quốc đã đạt tới tầm nước lớn trên thế giới.

 

Một số chuyên gia nhận định rằng xét từ cách sử dụng lực lượng cứu viện, không loại trừ khả năng lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tiến hành “luyện binh”. Lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc dùng danh nghĩa của Quân ủy Trung ương cử tàu hộ tống mang tên lửa “Từ Châu”, không quân Trung Quốc cũng đã điều 4 máy bay IL-76 lên đường thực hiện nhiệm vụ.

 

Theo hãng tin AP, lần đầu tiên Trung Quốc cử tàu chiến tham gia việc di tản dân thường trong khủng hoảng nhân đạo, làm nổi bật sự tăng cường năng lực hoạt động trên biển xa của hải quân Trung Quốc và quyết tâm của Chính phủ Trung Quốc trong việc bảo vệ công dân ở nước ngoài đã tăng lên.

 

Hãng Reuters cho rằng hành động di tản công dân quy mô lớn dưới sự yểm trợ của tàu hộ vệ hải quân Trung Quốc là sự thử nghiệm mới nhất đối với chính phủ Trung Quốc. Trên thực tế, tàu “Từ Châu” đã được rèn luyện gần ba năm với nhiệm vụ hộ tống ở khu vực vịnh Aden ở Xômali, lần cứu viện này cũng đã khảo nghiệm năng lực hành động quân sự phi chiến tranh khác ở nước ngoài của nó và cũng đã phản ánh tính tất yếu của việc bố trí, hoạt động trên biển xa của hải quân Trung Quốc.

 

Thiếu tướng Hải quân Doãn Trác cũng cho rằng đợt di tản công dân này là một điển hình quan trọng trong việc quân đội Trung Quốc bảo vệ lợi ích quốc gia ở nước ngoài trong thời bình.

 

Mặt khác, bốn máy bay vận tải quân sự IL-76 của Trung Quốc cất cánh từ Urumqi, bay qua 5 nước Pakixtan, Ôman, Arập Xêút, Xuđăng, Libi, bay qua vùng biển Arập và Hồng Hải, vượt qua sáu múi giờ, 8 khu vực kiểm soát thông tin đường không với tổng thời gian bay hơn 12 giờ, trên đường bay đã nghỉ và tiếp nhiên liệu tại Karachi và Khắctum. Việc liên tiếp thực hiện các chặng bay xa lạ của nhiều nước đã kiểm nghiệm năng lực vận tải tầm xa của không quân Trung Quốc. Thiếu tướng Kỷ Minh Quy, giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc phát biểu, điều này cho thấy không quân Trung Quốc có đủ năng lực vận tải tầm xa, quy mô lớn. Năng lực này sẽ phát huy tác dụng quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc ở nước ngoài.

 

Theo nhà bình luận chính trị Ấn Độ C. Raja Mohan, việc Trung Quốc đưa tàu hộ tống Từ Châu mang tên lửa và máy bay vận tải quân sự hỗ trợ sơ tán công dân Trung Quốc khỏi Libi đang chìm trong bạo lực nói lên nhiều điều.

 

Một trong điều đó được khẳng định qua tuyên bố của Wang Lixin, chính trị viên tàu Từ Châu, rằng đây là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng lực lượng quân sự của mình để bảo vệ công dân nước này bị mắc kẹt ở nước ngoài.

 

Chuẩn đô đốc Trung Quốc Yin Zhou cũng khẳng định việc triển khai Từ Châu hỗ trợ sơ tán người Trung Quốc khỏi Libi là “ điển hình tuyệt đẹp về việc Hải quân Trung Quốc bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, và làm nổi bật vai trò của Hải quân trong cơ chế phản ứng của Trung Quốc trước các tình huống khẩn cấp để bảo vệ các công dân của mình ở nước ngoài.”

 

Với việc Trung Quốc đã sơ tán công dân của họ khỏi Libi, dư luận đang quan tâm theo dõi xem tàu Từ Châu sẽ ở lại vùng lãnh hải Libi bao lâu. Ngoài hải quân, lần đầu tiên không quân Trung Quốc đã sử dụng 4 bốn máy bay vận tải IL-76 để sơ tán người lao động nước này ở nước ngoài.

 

Giới phân tích quân sự cho rằng việc lập cầu hàng không sơ tán như trên ngay cả trong phạm vi hạn chế cũng làm tăng uy tín của Không quân Trung Quốc và “tạo cơ hội cho công tác huấn luyện và rút kinh nghiệm thực tế trong việc thực hiện các hoạt động tầm xa của không quân”.

 

Do sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, Bắc Kinh hiện có số lượng khổng lồ các dự án đầu tư ở nước ngoài. Trung Quốc có nhiều dự án tại Libi với tổng giá trị lên tới 18 tỷ USD, và có khoảng 5 triệu công dân nước này làm việc ở nước ngoài. Nhu cầu bảo vệ các dự án đầu tư cũng như công dân của mình ở nước ngoài đồng nghĩa với việc Trung Quốc cần phải trở thành một cường quốc quân sự.

 

Từ những các diễn biến nêu trên, ông Raja Mohan cho rằng có thể rút ra hai kết luận quan trọng: thứ nhất, các động thái trên thể hiện sự mở rộng chưa từng có các lợi ích toàn cầu của Trung Quốc; thứ hai, Trung Quốc đã thể hiện ý chí chính trị và khả năng quân sự để tự bảo vệ họ bằng vũ lực nếu cần.

 

Theo mạng Đa Chiều

 

Văn Hồng (gt)