Lập trường của Mỹ về vấn đề Biển Đông qua phát biểu của NT Clinton được báo chí Mỹ đưa khá đầy đủ. Việc Mỹ đề nghị các bên làm rõ các tuyên bố chủ quyền của mình tại các khu vực tranh chấp được đánh giá như bước khởi đầu cho quá trình giải quyết bất đồng thông qua thương lượng hòa bình tại Biển Đông. Báo Mỹ cũng trích đăng phát biểu của một quan chức dấu tên của BNG Mỹ cho rằng, một số bên đã “thổi phồng” tuyên bố chủ quyền tại đây. Về các thỏa thuận hướng dẫn thực thi DOC giữa TQ - ASEAN, báo chí Mỹ đánh giá đây là một bước tiến bộ nhỏ và hiếm hoi trong việc giải quyết tranh chấp. Có nhận định cho rằng, thỏa thuận vừa đạt được không giải quyết được các vấn đề cơ bản của tranh chấp tại Biển Đông mà các bên cần sớm đạt được COC, điều mà TQ vẫn khá miễn cưỡng đàm phán. Sau cuộc hội đàm với NT Indonesia, NT Clinton đã nhấn mạnh tính cấp thiết của COC nhằm tránh các va chạm có thể leo thang. Tuy nhiên, có nhận định cho rằng, việc đạt được COC là hết sức khó khăn do TQ luôn phản đối một cơ chế chính thức kiểu như vậy vì nước này thiên về lựa chọn xử lý song phương với từng nước nhằm chiếm lợi thế hơn.

Khi ca ngợi thỏa thuận đạt được giữa ASEAN - TQ, NT Clinton cũng tránh chỉ trích trực tiếp TQ, nước khẳng định chủ quyền tại toàn bộ vùng tranh chấp. Bà đã dành nhiều thời gian để thúc đẩy một ưu tiên khác của Mỹ tại đây, đó là Sáng kiến Hạ lưu Mekong, vốn được bà khởi động từ năm 2009 nhằm thúc đẩy sự phát triển tại các nước nghèo hơn tại ĐNÁ, qua đó âm thầm mở rộng ảnh hưởng của Mỹ tại những nước này. Tuy có một vị trí khiêm nhường trong lịch trình của phái đoàn Mỹ tại ARF, nỗ lực của Mỹ về vấn đề này lại nổi lên như một phần quan trọng trong chính sách tái xây dựng quan hệ với khu vực, đặc biệt là với những nước về mặt lịch sử có quan hệ thân thiết với TQ. Các nước tiểu vùng Mekong thường đứng về phía TQ trong một số vấn đề an ninh khu vực như tranh chấp tại Biển Đông, do đó, Mỹ cần có một vai trò chủ động hơn, nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế và điều này chắc chắn sẽ khiến TQ phải chú ý hơn. Có nhận xét khác cho rằng việc Mỹ hy vọng sẽ tận dụng được những căng thẳng gần đây trong quan hệ giữa TQ và các nước hạ lưu sông Mekong như vấn đề TQ xây dựng đập trên thượng nguồn hay sức mạnh kinh tế TQ khiến hàng hóa giá rẻ nước này tràn ngập thị trường khu vực, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp địa phương…

Về vấn đề hòa bình bán đảo TT, Mỹ đón nhận một cách thận trọng sự tan băng trong quan hệ liên Triều sau khi hai bên có cuộc gặp song phương bên lề ARF, cuộc gặp đầu tiên kể từ khi đàm phán 6 bên đổ vỡ cách đây 3 năm. NT Clinton cũng không tỏ dấu hiệu về quyết định nối lại đàm phán hay không. BTT đang khẩn thiết cần viện trợ lương thực và một số nhượng bộ khác nếu họ chịu quay trở lại đàm phán và dường như nước này đang tỏ dấu hiệu sẵn sàng quay trở lại. TQ đang gây sức ép sớm nối lại các cuộc đàm phán như vậy còn các nước khác muốn 2 miền Triều Tiên có các cuộc đối thoại có ý nghĩa trước khi diễn ra đàm phán. Trong một diễn biến được đánh giá là khá tích cực, phía Mỹ đã mời đại diện BTT tại các cuộc đàm phán 6 bên tới Mỹ để bàn bạc, tuy nhiên, cả Mỹ lẫn HQ vẫn giữ vững lập trường của mình về vấn đề này: BTT cần tỏ ra thành thực về việc xóa bỏ chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân của mình. Trợ lý NT Mỹ Kurt Campbell nhấn mạnh, việc mời đại diện BTT không nên coi là một bước tiến trong việc nối lại đàm phán 6 bên. Mỹ và HQ luôn cho rằng, BTT cần có những bước đi cụ thể chứng tỏ họ nghiêm túc về vấn đề này. Mỹ cũng thúc giục TQ gây sức ép với BTT nhằm hàn gắn quan hệ với HQ và xóa bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Liên quan đến Mynamar, NT Clinton cho rằng ASEAN cần thúc đẩy Myanmar cải tổ. Theo NT Clinton, Myanmar cần thả tù nhân chính trị, giải quyết mối lo ngại của quốc tế về vấn đề phổ biến vũ khí và bắt đầu đối thoại với nhà bất đồng chính kiến Aung San Sui Kyi. Cũng theo bà, Myanmar là thách thức chủ yếu của cả khối ASEAN và khối này cần thuyết phục Myanmar có những bước có đi có lại nhằm hòa nhập với cộng đồng quốc tế. Cho đến nay, ASEAN nói họ sẽ không phản đối việc Myanmar nhậm chức chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2014, điều mà Mỹ cho là một sai lầm.

 

Tiến Minh (Tổng Hợp)