Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN mới đây ở Naypyitaw (Myanmar), Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam đã đề cập tới tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước ASEAN với giới truyền thông. Do Singapore không phải là một bên có tranh chấp nên ông Shanmugam đã gợi ý rằng nước này có thể là một "bên trung gian thành thực". 

Dù không tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, Singapore có lợi ích lớn trong việc duy trì ổn định khu vực. Kinh tế Singapore phụ thuộc phần lớn vào thương mại và rất nhạy cảm đối với những rào cản tự do thông thương trên biển. Sự ổn định ở Biển Đông - một khu vực gần Singapore - có ý nghĩa quan trọng đối với quốc đảo này.

Là nước nhỏ, Singapore coi "tiếng nói tập thể" của ASEAN có giá trị lớn trong quan hệ với các cường quốc và trên diễn đàn quốc tế. Bên cạnh đó, sự đối địch bên trong ASEAN cũng có khả năng gây chia rẽ tổ chức này. Ngoài ra, việc có quan hệ ngoại giao chặt chẽ với Trung Quốc nên chắc chắn Singapore sẽ bị ảnh hưởng nếu như tranh chấp biển đảo hiện nay không được giải quyết hòa bình.

Singapore sẽ không thiên vị một bên tranh chấp nào, thay vào đó sẽ hối thúc các bên giải quyết bất đồng một cách hòa bình. Như lời của ông Shanmugam: "Theo quan điểm của Singapore..., bên nào sở hữu đảo nào không thành vấn đề, nhưng ở đâu có tranh chấp, chúng tôi muốn nó phải được giải quyết theo cách sẽ không dẫn đến việc đối đầu giữa tàu các bên, nổ súng và xung đột gia tăng".

Hồi đầu năm, Ngoại trưởng Singapore đã giải thích ngắn về lý do khiến nước này trở thành một bên trung gian phù hợp giữa Trung Quốc với các nước ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông. Singapore được xem là một nước châu Á "phương Tây hóa". Singapore là nước nhỏ, không phải mối đe dọa với bất kì quốc gia nào và có thể phát ngôn "thoải mái và thẳng thắn". Song liệu các bên tranh chấp ở Biển Đông có chia sẻ quan điểm tương tự với Singapore?

Việc Singapore có đủ phẩm chất của một bên trung gian thành thực hay không phụ thuộc vào cách hiểu và đánh giá của các nước. Nói cách khác, một lời mời làm trung gian đã được đưa ra, song không chắc Trung Quốc và các nước ASEAN có xem Singapore là một bên trung gian trung lập hay không?

Với gần 50 năm kinh nghiệm ngoại giao chủ động cả ở trong khu vực lẫn trên trường quốc tế, Singapore có tiếng là thường "mạo hiểm vượt quá khả năng". Để bảo vệ lợi ích sống còn của mình, Singapore thường mạo hiểm trong những thời điểm thích hợp, và thắng thế nhờ chính sách ngoại giao khéo léo. Thụ động chứng kiến tranh chấp Biển Đông trở thành một cuộc xung đột trên biển căng thẳng sẽ phương hại nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế và quan hệ đối ngoại của Singapore.

Khả năng ASEAN vẫn đoàn kết trong trường hợp xảy ra xung đột liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông cũng sẽ bị thử thách. Singapore sẽ không trở thành "bên trung gian thành thực" duy nhất, khi các nước không ở châu Á có ít hoặc không có lợi ích ở Biển Đông cũng sẽ phù hợp với vai trò này.

Dù vậy, đề xuất nói trên của ông Shanmugam không nên bị gạt ra ngoài bởi nó hướng đến một bước đi cần thiết, phản ánh sự tiếp nối cam kết mang tính thực tế của Singapore đối với sự ổn định của khu vực, mang lại lợi ích cho tất cả các nước ASEAN. 

Daniel Wei Boon Chua là nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược của Singapore. Bài viết được đăng trên RSIS.

Văn Cường (gt)